Sài Gòn-30 tháng tư năm 1975
Sống trong những ngày 30-4-1975, tôi chạm vào lịch sử và cho đến hôm nay, những cuộc đổi thay trong một đất nước hòa bình, những ngày tháng ấy vẫn khó phai nhòa trong trí nhớ.
Người Sài Gòn nô nức đón chào ngày giải phóng. |
Tôi ở Sài Gòn vào những ngày cuối cùng của chiến tranh. Đó là những ngày rất bình yên, cách bình yên của người Sài Gòn 45 năm trước. Tin chiến sự thường được loan truyền bên những quán cà- phê vỉa hè. Rất nhiều người dành hết thời gian của mình ngồi ở những quán cà-phê vỉa hè để theo dõi tin tức qua đài BBC, cả đài Tiếng nói Việt Nam (Hà Nội) và đài Sài Gòn lúc bấy giờ. Báo chí Sài Gòn vào thời điểm này đã in theo công nghệ Offset, những thông tin và hình ảnh chậm vì các phóng viên chiến trường gởi về bằng đường truyền khá vất vả, không như bây giờ chỉ cần chụp ảnh kỹ thuật số và truyền qua mạng. Thông tin tới mọi người thường từ những người chạy loạn. Các thành phố càng rơi vào tay quân Giải phóng thì thành phố Sài Gòn lại càng rất đông người dồn về. Những người lính chế độ cũ rã ngũ chọn những góc phố, nơi những sạp hàng buôn bán bỏ trống giăng võng mà ngủ. Còn mọi sinh hoạt của thành phố vẫn ăn chơi như không có chuyện gì xảy ra.
Ngày 29-4, cuộc di tản của Mỹ qua Đại sứ quán bắt đầu. Có thể thấy dòng người điên cuồng chạy cùng về một hướng khi những chiếc máy bay trực thăng từ hàng không mẫu hạm đậu ngoài khơi bay qua bầu trời Sài Gòn. Người Sài Gòn lo âu, nhưng vẫn bình thản buôn bán, vẫn cà-phê một cách hồn nhiên, họ đang sống chung cùng các bản tin chiến sự.
Đêm 29-4 là một đêm đỏ trời với những ánh lửa cháy từ sân bay Tân Sơn Nhất. Tôi lên tầng bốn của ngôi nhà quen trên đường Phan Đình Phùng quan sát và vẫn chỉ thấy con phố nơi tôi ở với hàng quán buôn bán. Mọi người vội trở về nhà sớm hơn. Tất cả đều chờ đợi một điều gì đó xảy ra.
45 năm kể từ ngày 30-4-1975. Cuộc sống bây giờ đã khác. Những con đường mới mở, dòng điện nối liền Bắc Nam, những con tàu đều đặn đưa những sum họp mỗi ngày. Sống trọn vẹn trong hạnh phúc của một đất nước thanh bình với những tiện nghi vật chất cũng như đời sống tinh thần được nâng cao là giấc mơ của toàn nhân loại. Giờ đây, tôi và bạn có thể chỉ cần một chuyến bay là đến bất cứ một đất nước nào. Là những ngày nghỉ cuối tuần rủ nhau gặp mặt, đi du lịch. Đất nước chuyển mình, lớn mạnh. Lại nhớ về những ngày đầu giải phóng ở trong lòng thành phố Sài Gòn. Buổi sáng 30 tháng 4 đầy hỗn loạn với dòng người cứ lao ra đường. Những con đường khi ấy không nhiều ô-tô, xe máy nhưng cũng kẹt cứng vì những gương mặt lo âu. Lo âu, vì không biết tương lai mình ra sau, khi "Việt Cộng" đã vào thành phố? Lịch sử đã ghi lại rõ ràng thời khắc trùng phùng này:
8 giờ sáng 30 tháng 4 Tổng thống Dương Văn Minh và Bộ tổng tham mưu quân đội Việt Nam Cộng hòa hạ lệnh đơn phương ngừng chiến sẵn sàng đón quân đối phương vào Sài Gòn để bàn giao chính quyền. 9 giờ sáng cùng ngày, đúng 1 tiếng đồng hồ sau khi chiếc trực thăng cuối cùng của Mỹ rời nóc tòa Đại Sứ quán, tướng Trần Văn Trà lệnh cho quân Giải Phóng tiến vào Sài Gòn từ năm hướng. Họ đã tiến nhanh mà không gặp kháng cự có tổ chức.10 giờ 45 phút ngày 30 tháng 4, xe tăng mang số hiệu 843 húc nghiêng cổng phụ và bị kẹt tại đó. Bùi Quang Thận - Đại đội trưởng, chỉ huy xe 843 - nhảy xuống xe, cầm cờ chạy bộ vào. Xe tăng 390 húc tung cánh cửa chính của dinh. 11 giờ 30 phút cùng ngày, Trung úy Quân đội Nhân dân Việt Nam Bùi Quang Thận đã hạ lá cờ Việt Nam Cộng hòa trên nóc dinh xuống, kéo lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên.
Tôi nhớ tôi đã đi bộ trên con đường Lê Văn Duyệt (nay là Cách Mạng Tháng Tám), con đường nghẹt cứng người. Người cứ đi tìm nhau như thể sẽ lạc mất nhau. Rồi trong phút chốc các vỉa hè đã trở thành những bãi rác khổng lồ với đủ loại quân trang, quân dụng bị ném bỏ. Rồi ngày 1-5, người dân Sài Gòn lại hồn nhiên ra tận cầu Sài Gòn để đón đoàn quân Giải phóng đang lần lượt vào thành phố.
Tính người Sài Gòn vốn hồn nhiên và nhân hậu. Những hình ảnh cướp bóc, hôi của ở những căn nhà vội vã bỏ chạy mau chóng bị dẹp. Lực lượng tự vệ hình thành mau chóng. Ngay cả những lá cờ Cách mạng đã được may một cách nhanh nhất để khi thành phố vừa giải phóng, lá cờ đỏ, xanh sao vàng đã tung bay khắp chốn.
Cái kỳ lạ là sự bình ổn vật giá giữa thời điểm lịch sử sang trang đó hiếm thấy. Việc buôn bán vẫn diễn ra bình thường, dẫu có đôi chút tăng giá. Những tin đồn rất buồn cười như loại băng vệ sinh dành cho phụ nữ sẽ khan hiếm, sẽ không có cà-phê để uống... cứ tung ra ở các vỉa hè. Rất nhiều con phố đóng kín vì chủ nhân đi tìm con đường nào đó để rời khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, hình ảnh những anh bộ đội trẻ măng hiền lành xuất hiện, những chiếc xe tăng, xe quân sự vào thành phố với những bàn tay vẫy, những nụ cười thân thiện đã át đi nỗi sợ hãi.
Những chợ trời mau chóng xuất hiện như chợ trời Lăng Cha Cả bán đủ thứ rượu và đồ hộp hay mọi vật dụng được lấy ra từ các kho hàng Quân tiếp vụ của Mỹ. Mọi người vẫn chen nhau mua bán vô tư. Dọc theo đường Lê Lợi là những núi sách, mọi người bán đủ loại thơ truyện cũ với giá rất rẻ và vẫn có người mua. Trên đường phố xuất hiện những điểm bán xăng lẻ vì các cây xăng đã đóng cửa. Cũng bắt đầu xuất hiện hình ảnh lực lượng nhân dân tự vệ làm công việc bảo vệ an ninh khu phố. Sài Gòn sau ngày 30-4 vẫn rộn rịp một cách hiếm thấy, một thành phố vừa dứt tiếng súng.
Tôi rời khỏi Sài Gòn một tuần lễ sau đó trên một chuyến xe đò lên Đà Lạt. Chuyến xe đò đi giữa đường phải dừng lại bởi một chốt nhân dân tự vệ. Một cậu nhân dân tự vệ đeo súng M.16 lên săm soi, kiểm tra an ninh rồi cho xe chạy. Chuyến xe thật bình an.
45 năm ấy đã chứng kiến bao đổi thay. Sài Gòn bây giờ là TP Hồ Chí Minh, là thành phố kinh tế phát triển nhất nước. Hầm Thủ Thiêm đã khai thông, đại lộ Đông Tây thênh thang những chuyến xe... Tôi vẫn thường trở lại Sài Gòn, và đôi khi đi lại những nơi mà mình đã gặp trong ngày 30-4-1975.
Khuê Việt Trường