Báo Công An Đà Nẵng

Sai phạm vẫn được thăng chức?

Thứ bảy, 07/12/2013 12:05

(Cadn.com.vn) - Trong nhiệm kỳ làm Chủ tịch UBND xã Châu Thái (H. Quỳ Hợp, Nghệ An), ông Lô Văn Thước đã có hàng loạt sai phạm trong công tác quản lý Nhà nước cũng như quản lý tài chính tại địa phương. Những sai phạm của ông Lô Văn Thước không chỉ gây bất bình cho người dân mà còn làm cho UBND xã Châu Thái nợ như..."chúa Chổm". Bị cấp trên quy trách nhiệm và có hình thức kỷ luật nhưng thật bất ngờ khi thôi giữ chức Chủ tịch UBND xã thì ông Thước lại được cất nhắc lên làm Bí thư Đảng ủy xã Châu Thái.

Sai phạm có hệ thống

Năm 2004, Lâm trường H. Quỳ Hợp giao trả hơn 40ha đất rừng cho chính quyền xã Châu Thái quản lý nên chính quyền địa phương thống nhất tạm giao cho một số hộ dân ở xóm Thái Lâm (xã Châu Thái) sử dụng theo hình thức hợp đồng để trồng rừng với mức phí 220.000 đồng/hộ. Thế nhưng, thay vì bàn giao đất cho dân, ông Thước (lúc này là Chủ tịch UBND xã) đã làm thủ tục cho mình và em trai Lô Văn Trung (cán bộ địa chính xã) đứng tên 5 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), với diện tích hơn 64ha. Đến ngày 18-6-2012, sau khi có đơn thư tố cáo của công dân, UBND H. Quỳ Hợp vào cuộc, phát hiện ra sai phạm nên đã có quyết định thu hồi 5 GCNQSDĐ trên.

UBND xã Châu Thái hiện đang là "chúa chổm".

Cũng trong năm 2004, HĐND xã Châu Thái có Nghị quyết số 14 về xây dựng bia tưởng niệm liệt sỹ, theo đó kinh phí huy động từng hộ dân với mức 100.000 đồng/hộ. Thời điểm đó, toàn xã Châu Thái có hơn 1.300 hộ, dự trù số tiền thu được khoảng 130 triệu đồng. Ngay trong năm đầu, xã đã thu được 26,3 triệu đồng nhưng thay vì lập quỹ để thu tiếp thì UBND xã lại "vay tạm" để chi cho các công trình xây dựng cơ bản. Trong khi tượng đài liệt sỹ vẫn chưa xây dựng khiến cho nhân dân bất bình, phản ứng.

Đến năm 2005, thực hiện chủ trương vay xi-măng để xây dựng các công trình cơ bản, UBND xã Châu Thái đã ký vay 1.382 tấn xi- măng của hai nhà máy xi-măng Cầu Đước và 12/9 Anh Sơn. Trong quá trình thực hiện, ông Lô Văn Thước đã làm thất thoát 35 tấn xi-măng mà không lý giải được. Huyện ủy Quỳ Hợp đã quy trách nhiệm cho ông Lô Văn Thước và giao phải có trách nhiệm trả nợ ngân sách 24,169 triệu đồng (tương đương 35 tấn xi-măng). Đến nay, ông Thước vẫn chưa chịu hoàn tất khoản nợ nói trên để cân đối vào ngân sách xã.

Năm 2007, rét đậm rét hại dẫn đến trâu bò chết hàng loạt, người dân xã Châu Thái được hỗ trợ mỗi con trâu bò bị chết 2 triệu đồng, riêng 37 hộ nghèo trong xã có trâu bò chết được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên, sau khi nhận được số tiền này (hơn 700 triệu đồng), xã chỉ chi trả cho mỗi hộ gia đình có trâu bò chết 700 ngàn đồng, số còn lại tự ý chi trả nợ xây dựng công trình nhà làm việc 2 tầng của xã. Tương tự, năm 2007 có 174 hộ dân thuộc diện nghèo trong xã được nhận tiền hỗ trợ nhà nghèo 6 triệu đồng, xã đã lập danh sách, tự ký vào rồi phát lại tiền cho dân chưa đến một nửa, số còn lại dùng chi trả nợ nần các công trình xây dựng cơ bản. 

Đơn thư và chứng từ sai phạm của ông Lô Văn Thước.

Thăng chức... trả nợ?

Những sai phạm trên đã biến xã Châu Thái thành... "chúa chổm", bị UBND H.Quỳ Hợp cấn trừ ngân sách trong nhiều năm, làm cho cán bộ công chức xã nhiều tháng không có lương. Tiền lương của cán bộ từ xã xuống cơ sở xóm, bản nhiều tháng bị "treo".

Điều đáng nói, năm 2010, ông Lô Văn Thước thôi giữ chức Chủ tịch UBND xã nhưng bất ngờ được cất nhắc lên làm Bí thư Đảng ủy xã Châu Thái. Và cũng từ đó đến nay, công việc bàn giao tài chính, quyết toán công nợ vẫn chưa thực hiện được. Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Châu Thái xác nhận và cho biết thêm, đến nay ông Thước có một lần bàn giao công việc, song thấy nhiều khuất tất nên ông không nhận.

Ông Thân Quang Vinh, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Quỳ Hợp cho biết, những sai phạm của ông Lô Văn Thước trong thời gian giữ chức Chủ tịch UBND xã là có thật, trong đó có những sai phạm đã được xử lý, như thu hồi 5 GCNQSDĐ đã cấp cho ông Thước và em trai Lô Văn Trung. Tuy nhiên, vẫn còn những sai phạm hậu quả còn kéo dài đến nay, chưa được giải quyết rốt ráo. Còn việc sai phạm nhiều nhưng vẫn lên chức, ông Vinh cho biết, năm 2010, Huyện ủy đã xét hình thức kỷ luật cho thôi Huyện ủy viên đối với ông Thước, còn việc tiếp tục cơ cấu, có hai lý do: thứ nhất, công tác cán bộ, nhất là nguồn đào tạo trực tiếp từ địa phương của Châu Thái trong những năm qua rất khó khăn, nên cần phải có người sâu sát quần chúng, hiểu đồng bào mình như ông Lô Văn Thước; thứ hai, để ông Thước đương chức là tạo điều kiện cho ông và chính quyền xã tiếp tục có cơ hội khắc phục những hậu quả. Tuy nhiên, đã gần 3 năm qua kể từ khi ông Thước ngồi vào ghế Bí thư Đảng ủy xã, hậu quả vẫn chưa được giải quyết và cán bộ đương nhiệm vẫn đang phải giải quyết hậu quả của những sai phạm trên.

Bài, ảnh: Xuân Sơn