Sâm Ngọc Linh - chuyện bây giờ mới kể (2)
* Kỳ 2: Báu vật của núi Ngọc Linh
(Cadn.com.vn) - Không còn nghi ngờ gì nữa, cây sâm Ngọc Linh chính là "báu vật" trời đất ban tặng cho vùng núi Ngọc Linh. Chỉ có vùng núi Ngọc Linh, với độ cao từ 1.500 mét so với mặt biển trở lên, khí hậu mát mẻ của Ngọc Linh, thổ nhưỡng đất đai và dưới lớp mùn tích tụ hàng nghìn năm của tán rừng nguyên sinh, cây sâm Ngọc Linh mới tồn tại, phát triển và cho ra sản phẩm sâm Ngọc Linh quý giá cả củ lẫn thân và lá. Đã có nhiều cuộc thử nghiệm, đưa sâm Ngọc Linh (di thực) đến vùng núi địa phương khác để trồng, nhưng có thể khẳng định khó thành công, không muốn nói là thất bại...
Tác giả cùng nhân viên bảo vệ trại sâm giống Tak Ngo giữa rừng nguyên sinh. |
Theo các tài liệu khoa học và gần đây nhất là Đề án mang tầm Quốc gia về "Bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh đến năm 2030" của UBND tỉnh Quảng Nam, ban hành tháng 8-2015: "...Sâm Ngọc Linh là loại dược liệu quý bậc nhất ở Việt Nam, nó quý bởi giá trị về chất lượng đã được các nhà nghiên cứu chứng minh, có một số đặc điểm hơn cả sâm Trường Bạch (Triều Tiên), sâm Tây Dương (Mỹ). Nó quý bởi nó đang sinh sống tự nhiên ở độ cao tuyệt đối từ trên 1.000 đến 2.400 mét, ổn định ở vùng rừng già hỗn giao nguyên sinh... Sâm Ngọc Linh được xếp vào bốn loại sâm quý trên thế giới (Mỹ, Hàn Quốc, Triều Tiên, Việt Nam), có giá trị cao về công dụng chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe và giá trị cao về kinh tế. Những năm 80-90 của thế kỷ XX, thị trường tự do giá sâm Ngọc Linh tương đương sâm Triều Tiên, đắt hơn sâm Hàn Quốc nhiều lần.
Theo Dược sỹ Đào Kim Long, mặc dù là xứ sở của sâm, nhưng người dân Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn sang Việt Nam tìm cho được sâm Ngọc Linh để chữa bệnh... Sâm Ngọc Linh được phân bố nhiều nhất ở khu vực núi Ngọc Linh, H. Nam Trà My, Quảng Nam...". Cũng có thông tin, sâm Ngọc Linh còn được tìm thấy, hoặc trồng ở sườn núi Ngọc Linh phía Tây, thuộc các địa phương huyện Đak Glây và Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, nhưng theo những người buôn bán sâm tự do và những người tìm hiểu về sâm, và đặc biệt qua tìm hiểu về người dân ở các địa phương, ít có sự hiện hữu sâm Ngọc Linh ở các địa phương này. Lý do, sườn núi phía Tây Ngọc Linh độ dốc lớn, tỷ lệ rừng nguyên sinh ít, ảnh hưởng gió Lào nên khí hậu nóng, độ ẩm kém... Đây là nguyên nhân cây sâm Ngọc Linh không thể tồn tại và phát triển.
Quay trở lại với câu chuyện ở Trạm sâm giống Tak Ngo, Trà Linh, Nam Trà My, Phó Giám đốc Trung tâm sâm Ngọc Linh-Kỹ sư Trịnh Minh Quý khẳng định với tôi: "Tất cả số lượng sâm đang trồng và nhân giống của trại đều là sâm rừng tự nhiên của núi Ngọc Linh trên địa phận Nam Trà My...". Việc phát triển trại sâm giống được thực hiện theo quy trình kỹ thuật được các nhà khoa học nghiên cứu và quá trình thực địa từ kinh nghiệm của người dân địa phương và cây sâm trong tự nhiên tại rừng nguyên sinh Ngọc Linh.
Kỹ sư Quý ví von: "Cây sâm Ngọc Linh như một đứa con nhà giàu khó tính, được nuôi dưỡng và phát triển theo cá tính của nó...". Anh Quý dẫn giải, cây sâm Ngọc Linh "khó tính" vì chỉ phát triển, tồn tại ở độ cao từ 1.200 mét trở lên, khí hậu, nhiệt độ trung bình từ 20 đến 210C, biên độ giữa ngày và đêm chênh nhau 50C... còn "nhà giàu" là bởi Sâm chỉ tồn tại và phát triển nơi có rừng nguyên sinh, với tán che phủ ít nhất 70%, độ mùn của lá cây tích tụ lâu năm, có độ dày trên 10cm trên mặt đất, độ ẩm 80% trở lên...". "Cá tính" là bởi, từ các điều kiện nói trên, cây sâm tự phát triển, hình thành thân, rễ, củ, đến mùa lạnh nó "ngủ đông", tự trút lá, teo cây, củ sâm nằm im dưới đất, sang mùa xuân lại nứt lộc, mọc thân cây mới. Sau 3 năm kể từ khi trồng, cây sâm sẽ ra hoa, kết trái, tự nhân thêm cây mới, rồi lại trút lá, ngủ đông...
Đấy là quy luật phát triển tự nhiên của cây sâm, còn khi có sự tác động của con người, trồng sâm theo mô hình tập trung, cũng theo quy luật phát triển trên của cây sâm mà làm. Đầu tiên cũng chọn rừng, chọn đất, chỉ khác hơn là phải vun luống để dễ chăm sóc, nhổ cỏ dại cho sâm phát triển. Sau 3 năm, người trồng sâm thu hái quả sâm, ươm trên vạt đất mới, cứ vậy các năm tiếp theo nhân tiếp số lượng cây sâm. Đây là phương pháp phát triển số lượng, diện tích cây sâm và bảo toàn nguồn gen quý của cây sâm đảm bảo nhất...
Cán bộ nhân viên trạm sâm giống chăm sóc vườn sâm vào vụ đông. |
Anh Quý cho biết, sau 3 năm thành lập, trại đã trồng được 30.000 cây sâm, trên diện tích 2ha, năm 2015 là lứa sâm ra hoa kết trái đầu tiên đã ươm được hơn 100 cây sâm thuần chủng. Dự kiến sau 2 năm nữa, trại sâm sẽ là nơi cung cấp hàng nghìn cây giống cho người dân quanh vùng trồng và phát triển vùng sâm. Hiện nay, giá mỗi cây sâm giống khoảng 50 nghìn đồng, trong thời gian tới trạm sẽ thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ việc bán cây giống, nhu cầu về cây sâm giống trong nhân dân ở vùng núi Ngọc Linh hiện đang rất lớn, chính vì vậy việc đầu tư phát triển trạm sâm giống Tak Ngo cũng được huyện chú trọng đầu tư.
Trong thời gian qua, Trung tâm sâm Ngọc Linh đầu tư hàng trăm triệu đồng cho công tác phát triển số lượng, diện tích sâm và công tác bảo vệ vườn sâm. Cùng với trạm Tak Ngo, tại xã Trà Linh còn có Trạm Dược liệu Trà Linh, do Sở NN-PTNT Quảng Nam quản lý, với hơn 7 ha tại làng Măng Lùng (thôn 3), đây cũng là nơi nhân giống, cung cấp đáng kể số lượng cây giống sâm. Trạm này do ông Hồ Văn Du người Xê Đăng, một "đại gia" sâm Ngọc Linh quản lý.
Phóng sự: Hồng Thanh
(còn nữa)