Báo Công An Đà Nẵng

Sâm Ngọc Linh - chuyện bây giờ mới kể (3)

Thứ năm, 29/10/2015 08:00

* Kỳ 3: Ngọc Linh - ngọn núi vàng

(Cadn.com.vn) - Ở Nam Trà My, đi đến đâu cũng nghe chuyện cây sâm. Từ cán bộ đến người dân hình như đang “ăn sâm, ngủ sâm, nằm mơ cũng thấy sâm...”. Nào là giá thị trường sâm tự do tăng chóng mặt, sâm đạt 5 năm tuổi, 50 triệu đồng một kg; sâm 7 năm tuổi, 70 triệu đồng một kg; sâm trên 10 năm tuổi... vô giá!? Nào là chuyện trộm cắp sâm, CA, Tòa án  cũng vất vả, chóng mặt vì các vụ án liên quan đến sâm...

Bí thư chi bộ thôn Tak Ngo Hồ Văn Lang cho biết, tất cả người dân ở Trà Linh đều trồng sâm.

Thật ra, chẳng phải đến bây giờ, chuyện cây sâm Ngọc Linh mới sôi nổi ở Nam Trà My và Quảng Nam. Từ trước đó hàng chục năm, cây sâm đã được chú ý, từng xảy ra một vụ kiện dai dẳng đến tận bây giờ. Với chủ đề bài viết này, kể lại vụ kiện đó sẽ là lạc lõng, nhưng cũng xin nêu sơ qua để bạn đọc cảm nhận sự “sôi động” của cây sâm Ngọc Linh trong thời gian qua... Tháng 10-2013, UBND tỉnh Quảng Nam ra Quyết định số 3337/QĐ-UBND thành lập Trung tâm phát triển sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam và thu hồi Trạm Dược liệu Trà Linh, Nam Trà My cho Trung tâm này quản lý. Từ đây bắt đầu xảy ra rắc rối.

Công ty CPTM-Dược-Sâm Ngọc Linh Quảng Nam kiện UBND tỉnh ra tòa hành chính, yêu cầu hủy bỏ Quyết định nêu trên của UBND tỉnh với lý do: Trạm Dược liệu Trà Linh do Công ty quản lý, từ 2004 đến 2013 đã phát triển từ 2ha lên 10ha với 1.165.951 cây sâm Ngọc Linh, nay Trạm bị thu hồi làm Công ty thiệt hại về vốn đầu tư và công nhân  mất việc làm. Vụ kiện đã nhiều lần đưa ra xét xử nhưng không được giải quyết ổn thỏa. Ngày 23-9-2015, vụ kiện tiếp tục được đưa ra giải quyết lần thứ 5,  nhưng UBND tỉnh đã có Văn bản số 4265/UB/VX thống nhất chủ trương cho Công ty CPTM-Dược-Sâm Ngọc Linh thuê môi trường rừng để thực hiện dự án nuôi trồng, bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh. Theo tinh thần văn bản này, Công ty đã hứa sẽ rút đơn kiện khi UBND tỉnh thực hiện hoàn tất các thủ tục theo chủ trương trên...

Thế mới thấy, cứ tưởng nơi đỉnh Ngọc Linh mây mù bao phủ, chẳng ai biết đến, lại có vụ việc “đình đám” đến vậy. Còn trong thời gian qua, kể từ khi xảy ra vụ kiện, Trạm Dược liệu Trà Linh  với diện tích hơn 7ha được giao cho ông Hồ Văn Du, một người dân Xê Đăng có kinh nghiệm về trồng sâm Ngọc Linh quản lý, phụ trách... được đánh giá hoạt động rất có hiệu quả.  Ông Hồ Văn Du được cả Nam Trà My biết đến là một “đại gia” về sâm Ngọc Linh, từ năm 1987, ông đã đi đầu trong việc vào rừng tìm kiếm cây sâm Ngọc Linh tự nhiên đem về trồng tại các vườn sâm của mình tại làng Măng Lùng, Trà Linh... Hiện vườn sâm của ông Du có hàng chục nghìn cây sâm trên 10 năm tuổi, trị giá hàng chục tỷ đồng. Không những thế, ông Du còn là người đi đầu, gương mẫu, tiêu biểu trong công tác tuyên truyền cho người dân quanh vùng núi Ngọc Linh không chặt phá rừng làm nương rẫy, phát triển cây sâm Ngọc Linh ổn định đời sống. Từ việc làm thiết thực của ông Du, người Xê Đăng rất cảm phục và nhất nhất nghe và làm theo ông.

“Đại gia” sâm Ngọc Linh Hồ Văn Du (bên phải) trong chuyến đi thị sát núi Ngọc Linh tháng 4-2015.

Ở Măng Lùng còn có một “đại gia” Xê Đăng nữa là Hồ Văn Lượng, năm nay anh Lượng mới hơn 40 tuổi, nhưng đã là chủ vườn sâm hàng trăm nghìn cây trên 10 năm tuổi. Theo người dân thì giá trị vườn sâm của anh Lượng còn gấp nhiều lần ông Du, lên tới cả 100 tỷ đồng.  Sống trên núi cao, không đường giao thông, nhưng gia đình anh Lượng, ông Du đã có những cơ ngơi bằng gỗ rất khang trang, sắm hẳn máy phát điện riêng, trong gia đình đầy đủ tủ lạnh, tivi, karaoke, máy giặt... Cả hai “đại gia” đều tuyên bố vững vàng: “Chỉ chờ có đường ô-tô lên Măng Lùng, chúng tôi sẽ mua ô-tô trị giá vài tỷ ngay...”. Ông Du, anh Lượng đều là những nông dân điển hình xuất sắc của Nam Trà My và tỉnh Quảng Nam.

Anh Trịnh Minh Quý cho biết, tính đến tháng 10-2015, từ các nguồn vốn như Nghị quyết 30a, Chương trình 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Nam Trà My đã đầu tư phát triển mạnh cây sâm Ngọc Linh tại 3 xã Trà Nam, Trà Linh, Trà Cang quanh khu vực núi Ngọc Linh. Tính từ năm 2004 đến nay, nhà nước đã hỗ trợ cho nhân dân gần 400 nghìn cây sâm. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân có điều kiện về lao động, vốn, đất đã mạnh dạn đầu tư phát triển cây sâm, nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn Nhà nước phát triển cây sâm, phong trào trồng sâm phát triển mạnh mẽ... Tại 3 xã nêu trên hiện có gần 80ha đất rừng trồng sâm trong nhân dân với số lượng khoảng  hơn 900 nghìn cây sâm nhiều độ tuổi khác nhau. Nếu cứ làm phép tính, khoảng 50 cây sâm có độ tuổi 5 năm, thu được một kg sâm trị giá 50 triệu đồng trên thị trường tự do, trị giá sâm trong nhân dân ở  3 xã Nam Trà My đã là gần 4.000 tỷ đồng. Người ta ví, núi Ngọc Linh đang từng ngày biến thành một “núi vàng”, đúng như tên gọi của nó...

Người dân ở vùng núi Ngọc Linh nhà nào cũng trồng sâm.

Ngay trong tháng 10-2015 này, thực hiện theo Đề án định giá rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam,  UBND H. Nam Trà My đã triển khai kế hoạch về việc “tham gia góp ý dự thảo Quyết định  tự giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh đối với các hộ gia đình, cá nhân, nhóm hộ trên địa bàn huyện. Đồng thời ban hành dự thảo quy định giải quyết thủ tục liên quan đến cho thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh. Đây là “hành lang pháp lý” để cây sâm Ngọc Linh tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên vùng núi Ngọc Linh...

Phóng sự: Hồng Thanh
(còn nữa)