Sản phẩm lưu niệm Huế vẫn còn mờ nhạt
(Cadn.com.vn) - Là một trong những địa phương có lượng du khách đến tham quan đông nhưng rất nhiều du khách cả Tây và ta khi đến Huế đã phàn nàn, không biết nên mua sản phẩm lưu niệm gì ở địa phương này về làm quà, làm kỷ niệm. Bởi, thị trường Huế vẫn rất hiếm có những mặt hàng mang chất Huế.
Một cuộc hội thảo khoa học Huế với chủ đề “Dấu ấn Huế, bản sắc Việt trong sản phẩm thủ công truyền thống” được tổ chức trong khuôn khổ Festival Nghề truyền thống Huế 2015 đã mở ra hướng đi, tạo cơ hội phát triển sản phẩm thủ công truyền thống (SPTCTT) của Huế.
Quà lưu niệm Huế vẫn còn là khoảng trống
TS Trần Đình Hằng- Phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu văn học nghệ thuật Việt Nam tại Huế nói, lâu nay du khách đến Huế, vào ban ngày thường tham quan, vào ban đêm- mua sắm, ăn uống... Theo đó, có thể dễ dàng nhận thấy du lịch Huế chỉ có phần sôi động vào ban ngày, với nguồn doanh thu chính từ vé tham quan, mà thiếu hẳn sinh khí cần thiết của một trung tâm văn hóa du lịch dịch vụ mua sắm, thưởng thức, đặc biệt là vào ban đêm, trong đó lĩnh vực SPTCTT gần như chưa có sức sống thuyết phục.
Một câu hỏi được đặt ra, là du khách đi đâu, có thể tiêu tiền cho mục đích gì khi đến Huế và trong đó, vấn đề SPTCTT hiện nay được xác định ở tọa độ nào? Có thể thấy rằng, Huế hiện tồn tại quá nhiều khoảng trống trong phần dịch vụ mua sắm vào ban đêm. Huế chưa thực sự thu hút khách ở lại nhiều thời gian.
Theo TS Trần Đình Hằng, chính từ những khoảng trống đó, văn hóa du lịch Huế phải có phương sách để lâp đầy, giải quyết hiện trạng này bằng những địa chỉ, không gian văn hóa có đủ sức hấp dẫn đặc trưng để thu hút du khách, níu kéo du khách đến và ở lại. Với phương châm níu giữ du khách ở lại lâu nhất thì Huế nên quy hoạch một khu trung tâm dành riêng cho các chủng loại hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm, giải trí, khám phá của du khách, đặc biệt là các SPTCTT.
“Không gian nghề TCTT Huế được chú trọng đầu tư không chỉ trong thời gian diễn ra Festival mà phải thường xuyên, quanh năm, thậm chí tất cả phải được xem xét, đặt trong môi trường chiến lược phát triển dài hạn, đến năm 2020, thậm chí 2030 theo lộ trình ý tưởng để hình thành và phát triển nghề TCTT một cách bền vững”- TS Trần Đình Hằng đề xuất.
Trải nghiệm thực tế các tour quốc tế, đại biểu Hà Thị Phước chia sẻ: “Huế được xem như một trong những điểm đến hấp dẫn nhất trên hành trình con đường di sản miền Trung. Huế không thiếu các làng nghề, thậm chí đây còn là nơi hội tụ của các làng nghề thủ công và các nghệ nhân thuộc vào hàng đầu cả nước song cho đến nay, thực trạng thị trường Huế khá yếu ớt, phát triển các SPTCTT để phục vụ du lịch hiệu quả vẫn đang là bài toán nan giải”.
Chị Phước dẫn chứng, đến với Hội An, hướng dẫn viên chưa cần giới thiệu thì du khách đã chủ động hỏi về các mặt hàng lụa tơ tằm, đèn lồng hay trầm hương. Thế nhưng, khi đến Huế, họ chỉ biết đây là cố đô của Việt Nam với quần thể di tích hoàng cung, lăng tẩm uy nghi, chứ không có khái niệm gì về sản phẩm của Huế. Đối với khách nội địa, họ biết đến cố đô với mè xửng, tôm chua, nón lá, áo dài...; nhưng đối với thị trường khách quốc tế thì quà lưu niệm mang dấu ấn của Huế vẫn là một khoảng trống lớn.
Nếu ở Hội An, các shop lưu niệm tại phố cổ nằm nối tiếp nhau, thống nhất trên một tuyến đường, với khối lượng hàng hóa đa dạng nên khách tham quan dễ dàng chọn lựa mua sắm. Còn ở Huế, các làng nghề truyền thống nằm tản mác, cách xa trung tâm thành phố nên không thuận tiện cho du khách dừng chân. Theo họa sĩ Đặng Mậu Tựu, nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh TT-Huế, du khách khi đến Huế để thấy được những mặt hàng có chất Huế và chỉ Huế mới có thì vẫn còn mờ nhạt, khách tìm mua vẫn chưa nhìn ra đâu là hàng của Huế, đâu là ở nơi khác đưa đến.
Nón lá, một trong những làng nghề truyền thống tiêu biểu của Huế (quãng diễn chầm nón tại Festival nghề truyền thống 2015). |
Cần phát triển SPTCTT ở các khu du lịch tâm linh
Theo TS Trần Đức Anh Sơn, TT-Huế là nơi có nhiều điểm du lịch văn hóa tâm linh (DLVHTL) bậc nhất Việt Nam nhờ vào hệ thống cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đồ sộ. Trong đó, chùa chiền Phật giáo, các lăng tẩm, đàn miếu thời Nguyễn; đình làng; đền miếu dân gian... là nguồn “tài nguyên” đặc biệt quan trọng. Đây chính là những lợi thế để loại hình DLVHTL phát triển và trở thành mũi nhọn du lịch ở TT-Huế nếu có chính sách, định hướng phát triển đúng và có các giải pháp khai thác, phát huy hiệu quả.
Loại hình sản phẩm được sản xuất, kinh doanh ở các điểm DLTL chủ yếu là đồ lưu niệm đơn giản, phần lớn các sản phẩm thủ công mỹ nghệ là hàng nhập từ nơi khác về, nhiều nhất là các mặt hàng có nguồn gốc Trung Quốc. Trong khi đó, nhiều SPTCTT có tiếng của Huế như: đúc đồng, đồ thêu, đồ mộc điêu khắc, đồ gốm, đồ pháp lam phục chế, tranh làng Sình... hoàn toàn vắng bóng tại các địa điểm DLVHTL có đón du khách đến tham quan, chiêm bái.
TS Trần Đức Anh Sơn cho rằng, trong khi đó, các nước trong khu vực như: Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc, đặc biệt là Nhật Bản thì việc sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ DLVHTL rất phong phú, đa dạng, giá cả thích hợp cho nhiều đối tượng, kích thước nhỏ gọn tiện cho việc đóng gói, vận chuyển.
Trước thực trạng này, TS Trần Đức Anh Sơn đề xuất những “hướng mở” để phát triển sản phẩm thủ công phục vụ DLVHTL như: cần lựa chọn những ngành nghề tiêu biểu để đầu tư phát triển những dòng sản phẩm riêng phục vụ du khách DLVHTL; lựa chọn những điểm DLVHTL thích hợp để xây dựng hệ thống bán hàng lưu niệm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc sản ẩm thực đã được lựa chọn phục vụ nhu cầu của du khách; phải xem việc sản xuất kinh doanh hàng lưu niệm, sản phẩm thủ công, đặc sản ẩm thực ở các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng là bình thường và tạo điều kiện cho những nơi này kinh doanh hiệu quả nhưng vẫn giữ được sự thanh tịnh, tôn nghiêm; cần có những cuộc vận động các quầy lưu niệm tại các điểm DLVHTL ở Huế ưu tiên bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ do người dân xứ Huế sản xuất...
H.Lan