Báo Công An Đà Nẵng

Sản phẩm OCOP Đà Nẵng tìm đường xuất ngoại

Thứ hai, 13/02/2023 17:01
Khách hàng tham quan và dùng thử sản phẩm OCOP bánh dừa nướng TOPCOCO.

Vươn ra thị trường quốc tế

Sau Nhật Bản và Hàn Quốc, năm 2022 vừa qua, sản phẩm bánh dừa nướng TOPCOCO - sản phẩm OCOP 5 sao của Công ty Mỹ Phương Foods (xã Hòa Sơn, H.Hòa Vang) có thêm thị trường xuất khẩu mới là Lào. Bà Mai Thị Ý Nhi, Giám đốc kinh doanh Công ty Mỹ Phương Foods chia sẻ: Hiện bình quân mỗi tháng, doanh nghiệp này xuất khẩu từ 3 - 4 container sản phẩm bánh dừa nướng TOPCOCO sang các thị trường nói trên. "Hy vọng, với sự hỗ trợ của chính quyền TP và các sở, ban, ngành hữu quan, đặc biệt là Sở Công Thương TP thông qua các chương trình kết nối giao thương, quảng bá, xúc tiến thương mại, trong năm nay, chúng tôi sẽ có thêm các đối tác thị trường Mỹ và Trung Quốc", bà Mai Thị Ý Nhi chia sẻ thêm. Ngoài sản phẩm nói trên, TP còn có nhiều sản phẩm OCOP khác đã có mặt trên thị trường quốc tế với kim ngạch xuất khẩu tăng đều qua từng năm như: bánh tráng Đại Cường của Công ty TNHH Đại Cường (xã Hòa Phú, H.Hòa Vang); chả cá thu, chả mực, cá đét khô tẩm gia vị của Công ty TNHH Bắc Đẩu (Khu công nghiệp Thủy sản Thọ Quang, phường Thọ Quang, Q.Sơn Trà); lót giày Hương Quế của Công ty TNHH Sản xuất - Chế biến - XNK Hương Quế (phường Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu).

Ông Huỳnh Đức Sol, chủ Cơ sở bánh khô mè Bà Liễu Mẹ (phường Hòa Thọ Đông, Q.Cẩm Lệ) với sản phẩm bánh khô mè đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, cho biết, hiện thị trường tiêu thụ trong nước đã cơ bản ổn định, trong năm nay, cơ sở này đặt ra mục tiêu vươn ra thị trường quốc tế. Cơ sở bánh khô mè Bà Liễu Mẹ đang có đối tác nước ngoài đến tìm hiểu, đàm phán để hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Đây là tín hiệu lạc quan và hy vọng mục tiêu xuất khẩu bánh khô mè Bà Liễu Mẹ sớm trở thành hiện thực. Ông Huỳnh Đức Sol cũng mong muốn ngành Công Thương TP tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn TP nói chung, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP nói riêng trong công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương với các thị trường quốc tế…

Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương TP cho biết, trong thời gian tới Sở sẽ tiếp tục phối hợp tốt với đầu mối Bộ Công Thương, các đơn vị liên quan thực hiện hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn TP nói chung, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP nói riêng nâng cao năng lực cạnh tranh; tổ chức các chương trình kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu giữa các doanh nghiệp TP với doanh nghiệp nước ngoài đạt hiệu quả, chất lượng, trong đó, nghiên cứu lựa chọn 1 - 2 thị trường trọng điểm để ưu tiên tổ chức các hoạt động xuất khẩu…

Sản xuất sản phẩm OCOP bánh khô mè Bà Liễu Mẹ.

100% xã, phường có sản phẩm OCOP

Tính đến tháng 2-2023, toàn TP Đà Nẵng có 64 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, sản phẩm bánh dừa nướng mè TOPCOCO của Công ty Mỹ Phương Foods là sản phẩm OCCOP đầu tiên trên địa bàn TP được UBND TP Đà Nẵng đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia đánh giá, công nhận đạt hạng 5 sao. Bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT TP Đà Nẵng, cho biết: Từ nay đến hết năm 2025, TP đặt mục tiêu sẽ có 135 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, 56/56 xã phường sẽ có sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP. Trong đó, sẽ nghiên cứu, hoàn thiện, chuẩn hóa và nâng cấp 2 - 3 sản phẩm OCOP 4 sao tiềm năng lên thành sản phẩm OCOP 5 sao đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia. Đáng chú ý, TP sẽ cho hình thành trung tâm trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP cấp TP và đẩy mạnh hình thành các điểm/trung tâm trưng bày OCOP cấp quận/huyện, phấn đấu mỗi quận/huyện đều có ít nhất 1 điểm giới thiệu, trưng bày hoặc trung tâm OCOP cấp quận/huyện...

Để đạt được các mục tiêu trên, TP Đà Nẵng sẽ tập trung ưu tiên phát triển chủ thể thực hiện Chương trình OCOP là HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp vừa và nhỏ; phấn đấu có ít nhất 40% chủ thể là HTX, tổ hợp tác và 20% chủ thể là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó có ít nhất 30% chủ thể OCOP là doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh, ưu tiên các sản phẩm đã được đánh giá và phân hạng…

TP Đà Nẵng cũng sẽ tập trung hoàn thiện, chuẩn hóa sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến, phấn đấu có trên 70% sản phẩm OCOP được chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng (ISO, HACCP, VietGAP, GLOBALGAP, hữu cơ,...) và ít nhất 80% sản phẩm OCOP đã được cấp chúng nhận nhãn hiệu hoặc hoàn thành hồ sơ đăng ký nhãn hiệu; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phấn đấu có ít nhất 60% chủ thể OCOP tham gia vào kênh bán hàng (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, điểm trưng bày sản phẩm OCOP...) với chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 80% sản phẩm OCOP được quảng bá trên môi trường trực tuyến (sàn thương mại điện tử, website thương mại điện tử, v.v…). Được biết, tổng kinh phí dành cho Chương trình phát triển sản phẩm OCOP TP Đà Nẵng giai đoạn từ nay đến hết năm 2025 là 29,6 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện chương trình OCOP là 14,7 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, chính sách, dự án hỗ trợ của TP và các nguồn vốn khác là 14,7 tỷ đồng…

PHÚ NAM