Sẵn sàng cho những chuyến vươn khơi
(Cadn.com.vn) - Càng gần đến Tết Nguyên đán, không khí tại các làng chài ven biển Hà Tĩnh lại rộn ràng, khẩn trương hơn. Sau khi nhận được tiền đền bù sự cố môi trường biển, ngư dân Hà Tĩnh đã triển khai đầu tư sản xuất, ổn định cuộc sống. Những chuyến ra khơi đầu tiên từ sau sự cố môi trường thắng lợi, hứa hẹn một cái Tết ấm no đối với ngư dân Hà Tĩnh. Thôn Hội Tiến (xã Thạch Hội, H.Thạch Hà) là địa phương đầu tiên được nhận tiền đền bù sự cố môi trường biển của huyện từ ngày 31-10. Về Hội Tiến những ngày cuối năm, không khí càng trở nên tất bật với việc triển khai những dự định tái đầu tư sản xuất của người dân. Ngư dân Trần Văn Đông, cho biết: “Vừa qua, gia đình tôi nhận được 180 triệu đồng tiền đền bù sự cố môi trường biển. Tôi mua sắm thêm ngư cụ, lưới mới và sửa sang lại thuyền hết gần 15 triệu; còn lại tôi gửi ngân hàng để tiếp tục cho những dự định mới”. Anh Đông vui mừng chia sẻ thêm, gia đình anh có 2 chiếc thuyền với công suất 9 CV và 16 CV phục vụ đánh bắt gần bờ. Từ đầu tháng 11 đến nay, gia đình anh đã ra khơi được 10 chuyến với thu nhập mỗi lần khoảng hơn 1 triệu đồng. Cách nhà anh Đông không xa, hộ anh Hồ Văn Bồng những ngày này đang rộn ràng tiếng cưa, tiếng đục. Trong đợt chi trả tiền đền bù sự cố môi trường biển vừa qua, gia đình nhận được 80 triệu đồng, anh sử dụng ngay vào việc sửa sang lại tàu thuyền và mua máy mới với chi phí khoảng 20 triệu đồng để chuẩn bị ra khơi. Anh Hồ Văn Bồng vui mừng: “Số tiền đền bù thiệt hại là nguồn động viên lớn đối với gia đình tôi. Sau khi sửa sang lại thuyền, gia đình tôi lại sẵn sàng cho những chuyến vươn khơi bám biển mới”.
Ngư dân chuẩn bị tàu thuyền sẵn sàng vươn khơi. |
Anh Trần Văn Thành, Bí thư Chi bộ thôn Hội Tiến, cho biết: “Thôn Hải Tiến có 128 hộ dân được nhận tiền đền bù sự cố môi trường biển, cơ bản nhân dân đồng tình, phấn khởi khi nhận được tiền. Một số hộ dân đang sửa sang lại tàu thuyền, mua sắm ngư cụ và dự tính hùn tiền để cùng nhau đóng thuyền mới, công suất lớn hơn để đánh bắt xa bờ. Nhiều hộ dân sử dụng tiền đầu tư phát triển chăn nuôi lợn, gà và trồng rau củ quả sạch như hộ anh Nguyễn Văn Nga, Trần Văn Vỹ”.
H. Thạch Hà có 6.253 người dân ở 39 thôn, thuộc 12 xã bị thiệt hại do sự cố môi trường biển với tổng số tiền huyện đã phê duyệt đền bù là 194,049 tỷ đồng. Đến nay, huyện đã hoàn thành chi trả cho 10/12 xã bị thiệt hại. Trước và sau khi thực hiện việc chi trả tiền đền bù sự cố môi trường biển, H. Thạch Hà đã tổ chức tuyên truyền đến người dân về việc sử dụng có hiệu quả tiền đền bù vào việc mua sắm ngư cụ mới, tái đầu tư sản xuất. Cấp ủy, chính quyền các xã thành lập các tổ công tác phối hợp với Hội đồng chi trả kinh phí bồi thuyền của huyện thường xuyên đến tận các hộ dân trao đổi, tư vấn bà con sử dụng tiền có hiệu quả. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại trên địa bàn cũng cử cán bộ đến tận nơi tư vấn tín dụng cho những hộ dân chưa sử dụng hết tiền đền bù gửi tiền vào hệ thống ngân hàng để tránh lãng phí, lấy đó làm vốn để những năm sau tiếp tục tái đầu tư, sản xuất có hiệu quả.
Tại H. Lộc Hà, bà con ở các địa phương đã được nhận tiền đền bù sự cố môi trường biển cũng bắt đầu triển khai đầu tư sản xuất, bước đầu ổn định cuộc sống. Theo ông Nguyễn Công Trình, Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc – địa phương đầu tiên nhận tiền đền bù sự cố môi trường biển của H. Lộc Hà: Đến nay, cơ bản các hộ sau khi nhận được tiền đều đầu tư vào mua sắm ngư cụ mới, sửa chữa tàu thuyền để tiếp tục vươn khơi. Một số hộ đầu tư chăn nuôi thêm bò, lợn, gà... số tiền còn lại chưa sử dụng đến, đa số bà con đều gửi tiết kiệm để khi có điều kiện đóng thêm tàu mới công suất lớn hơn. Số tiền bồi thường thiệt hại đến tay người dân đã phần nào giúp bà con bị ảnh hưởng vượt qua khó khăn, tổ chức lại sản xuất và ổn định cuộc sống. Cùng với những định hướng của chính quyền địa phương, các cấp, ngành trong chuyển đổi sinh kế, giúp người dân vươn khơi bám biển, ngư dân Hà Tĩnh đang sẵn sàng tạo dựng một cuộc sống mới với niềm tin mới sau sự cố môi trường biển vừa qua.
H.N