Báo Công An Đà Nẵng

Sẵn sàng tàu xe phục vụ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017

Thứ tư, 28/12/2016 10:50

(Cadn.com.vn) - Đã thành thông lệ, hằng năm, thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại của người dân Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung tăng đột biến. Để người dân có một mùa xuân mới an lành, hạnh phúc, những tháng cuối năm 2016, dịch vụ vận tải khách bằng đường ô-tô và tàu lửa trên địa bàn TP Đà Nẵng sớm xây dựng kế hoạch phục vụ hết sức chu đáo.

Trên 800 đầu xe ô-tô sẵn sàng phục vụ Tết

Theo ông Lê Viết Hoàng-Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cty Cổ phần vận tải và quản lý bến xe Đà Nẵng, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải và UBND TP Đà Nẵng, ngày 23-12, Cty đã xây dựng kế hoạch triển khai phục vụ vận tải trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân Đinh Dậu 2017. Mục tiêu của kế hoạch lần này là đảm bảo đầy đủ phương tiện vận tải để đáp ứng nhu cầu đi lại cho nhân dân. Đảm bảo tuyệt đối an toàn cho hành khách đi xe; hướng dẫn khách mua vé đi lại trật tự, không để xảy ra tình trạng bắt chẹt khách lấy cước giá cao. Đối với các phương tiện phục vụ, C.ty có quy định phải đảm bảo tình trạng kỹ thuật xe tốt, có đầy đủ giấy tờ liên quan đến phương tiện và niêm yết giá vé, tuyến đường theo quy định. Qua kinh nghiệm phục vụ hằng năm, lần này C.ty sẽ bố trí trên 800 đầu xe phục vụ tết. Cụ thể, giai đoạn trước Tết,  tuyến phía Bắc sẽ bố trí 351 xe  phục vụ khách đi Quảng Bình (53 xe), Hà Tĩnh (11 xe), Thanh Hóa (8 xe), Nghệ An (30 xe), Thái Bình (4 xe), Hà Nội (34 xe), Hải Phòng (13 xe), Hải Dương (3 xe), Thái Nguyên (2 xe), Quảng Ninh (11 xe), Lạng Sơn (2 xe), Lào Cai (1 xe) và Nam Định (5 xe). Tuyến lên Tây nguyên, Đắc Lắc (49 xe), Đắc Nông (11 xe), Gia Lai (55 xe), Kon Tum (32 xe), Lâm Đồng (15 xe). Những ngày giáp Tết  (từ 24-1 đến 26-1), C.ty tập trung giải tỏa khách các tuyến TT-Huế (91 xe), Quảng Trị (76 xe), Quảng Ngãi và Bình Định (49 xe), Quảng Nam... Sau tết (từ 29-1 đến 6-2) chủ yếu phục vụ các tuyến đi vào phía Nam. Cụ thể, Cần Thơ (2 xe), TPHCM (37 xe), Khánh Hòa (19 xe), Ninh Thuận (2 xe), Bà Rịa Vũng Tàu (4 xe), Bình Phước (2 xe)...

Nhằm tạo thuận lợi cho người dân,  tại Nhà ga Bến xe trung tâm TP Đà Nẵng có bố trí 37 phòng vé. Giá vé thực hiện cho hành khách theo giá do đơn vị vận tải đề nghị và được cơ quan nhà nước tiếp nhận, đóng dấu đến vào Biểu mẫu kê khai giá theo quy định tại Thông tư 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT. Theo đó, đảm bảo có đủ vé bán cho hành khách. Nghiêm cấm các hiện tượng đầu cơ vé, thu tiền của khách nhưng không xuất vé, dùng phiếu đặt chỗ không đúng quy định để bán cho hành khách dưới mọi hình thức.

Lượng khách trực tiếp đến mua vé tại Ga Đà Nẵng thưa thớt, giảm hơn rất nhiều so với
mọi năm do triển khai nhiều hình thức bán vé nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của hành khách.

Ga Đà Nẵng: Hết vé giường nằm, xuất hiện các website bán vé tàu giả

Ngày 26-12, trao đổi với PV Báo CATP Đà Nẵng, Kỹ sư Phạm Ngọc Thanh - Đội trưởng Đội vé, Chi nhánh Vận tải đường sắt Đà Nẵng (thuộc Công ty Cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn) cho biết: Kể từ 8 giờ ngày 1-10-2016, Chi nhánh tổ chức bán đồng loạt 2 chiều vé tàu trước và sau Tết Đinh Dậu 2017. Công tác bán vé diễn ra rất thuận lợi, chấm dứt tình trạng chen lấn, xô đẩy như các năm trước đây khi Ga Đà Nẵng triển khai nhiều hình thức bán vé cho hành khách. “Hành khách có thể trực tiếp đến ga mua vé, đặt vé trên website chính thức của ngành đường sắt như www.vetau.com.vn;http://dsvn.vn;www.vr.com.vn; saigonrailway.com.vn; danangstation.com.vn. Đồng thời, Chi nhánh có tổ chức bán vé tại 6 điểm đại lý và 11 cửa bán vé bên ngoài; bán vé tàu qua điện thoại, giao vé tận nhà không thu phí với cự ly dưới 7km; giao hàng hóa, hành lý từ nhà đến nhà, từ kho đến kho tại các tỉnh, thành từ Đà Nẵng đến các ga trên toàn tuyến đường sắt thống nhất... Bên cạnh đó, Chi nhánh cũng mở ra nhiều hình thức thanh toán thuận tiện, nhanh gọn nhằm phục vụ hành khách tốt nhất như thanh toán online, qua bưu điện hoặc ngân hàng, qua thẻ ATM”, ông Phạm Ngọc Thanh cho biết.

Cũng theo ông Thanh, trong ngày đầu tiên mở bán, lượng khách đến ga mua vé ít hơn so với mọi năm (khoảng 340 lượt khách), và chủ yếu là khách mua chiều đi vào sau Tết. Giá vé tàu vào các ngày cao điểm trước Tết (đi các tỉnh phía Bắc) và sau Tết (đi các tỉnh phía Nam) năm nay tăng khoảng 30-40%, thậm chí có thể tăng lên 70% tùy từng loại tàu so với ngày thường, và ngược lại giảm mức tương ứng đối với chiều vắng khách. “Điều dễ nhận thấy là năm nay, nhu cầu hành khách mua vé giường nằm tăng hơn nhiều. Tính đến ngày 26-12, vé tàu giường nằm đi các tỉnh phía Bắc trong các ngày cao điểm trước Tết (từ 23 đến 28-12 Âm lịch) đã bán hết, vé tàu ngồi mềm, ngồi cứng hiện vẫn còn trên 60%. Còn vé tàu vào các tỉnh phía Nam trong các ngày cao điểm sau Tết (từ ngày 6 đến ngày 10-1 Âm lịch) hiện đã hết tất cả các loại vé”, ông Thanh cho biết thêm. Tuy nhiên, ông Thanh cũng lưu ý, nếu hành khách có nhu cầu mua vé đi tàu trong các ngày cao điểm thì nên thường xuyên truy cập vào các website chính thức của ngành đường sắt như đã nói ở trên. Bởi có thể có một số hành khách sẽ trả hoặc đổi vé trong các thời điểm này. “Đặc biệt, số vé tàu trước và sau Tết Đinh Dậu 2017 hiện còn và hàng ngày vẫn được đăng trên trang www.facebook.com/duongsatsg. Hành khách có thể truy cập vào để lựa chọn mua vé”, ông Thanh thông tin thêm.

Ông Thanh cũng khuyến cáo, hiện nay trên mạng đã xuất hiện một số trang web bán vé tàu không phải của ngành đường sắt, bán với giá gấp 4 đến 5 lần so với quy định. Các trang web này có tên miền rất giống với trang website của ngành đường sắt như http://vietnam-railway.com; vietnamtrainticket.com; vietnamrailways.net; cheapvietnamtrain.com; dailytravelvietnam.com; yourlocalbooking.com..., nên một số hành khách, đặc biệt là khách nước ngoài đã hiểu nhầm các trang web đó là của ngành đường sắt. Vì vậy, Chi nhánh Vận tải đường sắt Đà Nẵng thông báo để khách hàng tránh nhầm lẫn khi đặt mua vé.

Đinh Nga – Doãn Hùng