Báo Công An Đà Nẵng

Săn trứng kiến

Thứ tư, 02/05/2018 18:00

Cuối tháng 3, đầu tháng tư âm lịch, cao nguyên đầy nắng và gió rát bỏng. Khi những chỏm lá khô vàng trên những rừng khộp đổi màu, bầy kiến tụ lại làm tổ trong những bìa rừng. Anh Ksor Rin (43 tuổi, xã Ia Khươl, Chư Păh, Gia Lai) lại bắt đầu mùa săn kiến. Tôi theo chân anh vào rừng săn kiến khi cái nắng cháy mặt miền cao nguyên bắt đầu lên. Đồ nghề của anh chỉ là cây sào, chiếc bao tải nhỏ, cùng với đó là lòng can đảm của một người yêu rừng. Anh bảo, kiến vàng đẻ trứng quanh năm, nhưng thời điểm trứng kiến to và béo ngậy nhất là từ tháng ba âm lịch. Loài kiến vàng rất thích làm tổ trên những cây lá to, người săn kiến lành nghề chỉ cần nhìn tổ lá khô là biết kiến già, trứng đã nở hết thì không lấy, còn tổ nào ở cây màu sậm, cành cây hơi trĩu thì chắc chắn trứng kiến nhiều, mập ú. Phải mất cả tháng tổ kiến mới hồi sinh và tạo ra lứa trứng mới, nắm quy luật này mới thu hoạch mẻ trứng ngon nhất.

Anh Rin đang lấy trứng kiến.

Trời nắng mới đi lấy trứng kiến, vì khi hạ tổ kiến xuống mà gặp nắng to, kiến sẽ tản ra ngoài nên dễ dàng lấy trứng. Còn nếu mưa, kiến "nằm lỳ" bên trong, rất khó lấy trứng. Mà phải là kiến vàng, hoặc kiến nâu thì trứng mới thơm và ngậy. Lấy trứng cũng là một nghệ thuật, và người săn trứng kiến cũng phải là người rành về tập tính và cuộc sống của từng loài kiến. "Nơi nào ít hơi người lui tới, không mùi thuốc trừ sâu, đốt phá... là nơi kiến vàng tụ tập về làm tổ, đẻ trứng to hơn những nơi khác", Ksor Rin nói rồi khum tay nhìn lên những tán lá ngược nắng,  rồi mừng rỡ thốt lên: "Nó đây rồi! Tổ này ngon lắm!".

Đưa tay vén mớ dây leo chằng chịt, Ksor Rin vô tình làm động tổ kiến. Thế là hàng loạt chú kiến kềnh, kiến thợ với đôi càng dữ tợn ào ào chui ra khỏi tổ tỏa ra khắp nơi. Anh leo lên thân cây thoăn thoắt, cây sào gắn một đầu được sử dụng một cách thành thục. Giữa trời nắng gắt, lũ kiến càng hung dữ túa ra tấn công, Rin liên tục khua tay đuổi những con kiến đang cắn khắp người, một tay vẫn cố giữ nguyên cây vợt để tất cả trứng kiến được thu gom một cách trọn vẹn. Hơn 10 phút, những tép trứng kiến trắng ngà đã được sàng lọc tạp chất, nằm gọn trong chiếc bao nhỏ anh mang theo. Lội qua một khoảnh savan nhỏ sau hơn một tiếng lùng tìm, anh Rin lại mừng rỡ khi phát hiện hai tổ kiến vàng nằm lưng chừng trên bụi cây nhỏ. Nhìn hai tổ kiến khá lớn, Rin chắc mẩm ít nhất cũng thu được cả cân trứng kiến. Chọn nơi đất bằng, quang, anh vội vàng đặt mấy cành cây xung quanh, rồi chặt đôi tổ kiến. Cả đàn kiến  tràn ra, chạy tán loạn, gặp phải cành lá, chúng bám chặt lấy. Kiến bò đầy lên cành thì lại thay cành khác. Thì ra là vậy, đó là mẹo để kiến không lao vào người. Anh Rin cầm sống dao, gõ vào tổ kiến đã chặt đôi, từng hạt trứng như hạt gạo, căng mọng rơi xuống bao đặt sẵn.

Hai tổ kiến anh Rin gặp được tại một khoảnh savan trong rừng.

Ngồi nghỉ sau khi vật lộn với hai tổ kiến, tôi giật mình khi nhìn thấy khắp người anh chi chít vết kiến cắn đã sưng đỏ, nhiều chỗ gai cào từng đường dài đang tứa máu. Vậy mà Rin vẫn cười hềnh hệch vui sướng với thành quả thu được. Cuộc đi săn kết thúc khi mặt trời lưng lửng phía triền tây. "Chiến lợi phẩm" được anh bày ra để loại bỏ tạp chất, lá cây và những con kiến già rồi nhẹ nhàng cho vào một chiếc bao khác sạch sẽ để đem bỏ mối các tiệm. Với hơn 1kg trứng kiến anh bảo bán được hơn 200.000 đồng. Rin nói, so với nhiều nghề, công việc bắt trứng kiến không mấy nặng nhọc nhưng đòi hỏi ở "người thợ săn" sự khéo léo và tỉ mỉ. Nghề này cũng hiếm người theo vì nguy hiểm cao. Ngoài chuyện hay bị rắn rết cắn, không ít lần đang phá tổ thì có gió lớn thổi mạnh làm rơi tổ kiến xuống ngay người. Ấy là chưa kể trong những chuyến săn phải thất bại khi đụng trúng ong rừng, rắn độc cắn, hay chấp nhận với cả những tai nạn không thể tránh khỏi như cây đâm, té ngã gãy chân tay... Anh kể, một lần suýt chết, khi đang loay hoay bắt tổ kiến thì cũng là lúc anh phát hiện ra con rắn hổ dưới chân mình đang thụt thè cái lưỡi chực đớp. Hoảng hồn, anh quẳng sào phi thân. Cũng may lần đó chỉ bị cây đâm chảy máu, uống vài bữa thuốc là lành vết thương.

Trứng kiến vàng là đặc sản của rừng.

Trứng kiến là sản vật ngon, lạ, bổ dưỡng. Hiện, trứng kiến được bán với giá 150.000 - 200.000 đồng/kg, nhưng không có để mua. Vì vậy, trứng kiến còn được gọi là "lộc rừng". Trứng kiến có thể chế biến các món ăn như xôi, làm bánh, ăn gỏi, nấu cháo, ăn cùng bánh đa, trộn lẫn trứng gà hoặc thịt băm để rán... Trong nhiều món ăn được chế biến từ trứng kiến thì xôi trứng kiến là phổ biến nhất. Ngoài xôi trứng kiến, còn có nem trứng kiến, bánh bột nếp nhân trứng kiến. Thế mới biết, trứng kiến là món ăn ngon, quý, đâu phải món ăn dân dã. "Làm nghề, phải biết bảo vệ sự sống cho loài kiến thì mới có nguồn trứng lâu dài. Không nên sử dụng thuốc xịt kiến hay chặt cây phá cây, phá tổ... để bắt kiến theo kiểu tận diệt", Rin bộc bạch. Thế nên, mỗi ngày đi săn anh đều không dùng tới hóa chất, chủ yếu là bằng kinh nghiệm của mình. 10 năm với nghề, anh Rin đã đeo đuổi những mùa săn như thế này, còn nếu tính thời gian lội rừng kiếm sống trước đây thì cũng tròm trèm 25 năm. Chừng ấy năm, anh như con chim rừng bay nhảy khắp các núi rừng Chư Păh, Đăk Đoa, lặn lội sang cả Sa Thầy của Kon Tum mỗi mùa đỏ nắng. Thời còn sung sức, mỗi ngày bắt 7 - 8 kg trứng kiến. Bây giờ sức khỏe yếu, hơn nữa hạn hán quá cây cối khô cằn, ít lá, lãnh địa của loài kiến cũng thu hẹp, bắt được vài kg trứng kiến cũng bở hơi tai.

Tôi theo anh về lại làng. Thành quả ngày hôm nay khiến anh vui vì mang được chút tiền về cho vợ, mua thêm được ít gạo và tập sách vở cho hai con. Ngày mai, anh lại tiếp tục cuộc đi "săn"...

MINH NGỌC