Báo Công An Đà Nẵng

Sản xuất công nghiệp với “mục tiêu kép”

Thứ năm, 20/08/2020 11:29

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, ngành dịch vụ, du lịch gần như tê liệt thì sản xuất công nghiệp đang là cứu cánh cho kinh tế Đà Nẵng. Các nhà máy trong khu công nghiệp vừa phải sản xuất, vừa phải chống dịch để đảm bảo việc làm cho hơn 70 ngàn lao động.

Nhân lực làm việc tại Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ của UAC tại Khu CNC Đà Nẵng trong điều kiện phòng dịch nghiêm ngặt.

Ghi nhận tại nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ của UAC ở Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, hàng trăm nhân lực chất lượng cao vẫn vào ca sản xuất trong điều kiện phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt. Ông Võ Văn Phước, đại diện nhà máy chia sẻ, hoạt động sản xuất của nhà máy vẫn diễn ra bình thường trong điều kiện tăng cường các biện pháp phòng dịch theo quy định. Cụ thể, 500 nhân lực của nhà máy được chia 3 ca, chia kíp, giãn tiến độ sản xuất. Công nhân đi làm bằng xe buýt của Cty (giảm 50% lượng người trên xe theo quy định), khi ra vào nhà máy phải đeo khẩu trang, sát khuẩn, kiểm tra thân nhiệt, ngồi làm việc giãn cách 2m, bữa ăn ở căng-tin chia theo giờ để giảm số lượng người tập trung.

Cũng theo ông Phước, do ảnh hưởng chung của tình hình dịch bệnh, vận chuyển hàng không khó khăn, tuy nhiên Cty vẫn có giải pháp chủ động kiểm soát hoạt động sản xuất, đảm bảo kịp tiến độ giao hàng cho các đơn vị đã ký hợp đồng cam kết. Hiện tại hoạt động nhập nguyên liệu, xuất hàng của đơn vị tuy có chậm hơn trước song vẫn diễn ra. Mặt khác, do nhà máy được vận hành theo quy trình khép kín, trang bị hệ thống máy móc, công nghệ hiện đại, áp dụng nghiêm ngặt các quy định của Hệ thống quản lý an toàn quốc tế nên yêu cầu, mức độ an toàn phòng dịch cao.

Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh, tuy vậy công nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản của Đà Nẵng vẫn tăng trưởng.  Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Cty thủy sản Thuận Phước cho biết, các quốc gia khác ngừng sản xuất hoặc dịch lây lan không thể sản xuất được thì Việt Nam vẫn thực hiện “mục tiêu kép” vừa sản xuất vừa chống dịch. Vì vậy, mặc dù sức tiêu thụ thủy sản của thế giới giảm mạnh nhưng một số quốc gia xuất khẩu trước đây cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Indonesia, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan đã ngừng sản xuất nên xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vẫn cao.

Đơn cử như tại Cty Thuận Phước, đến hết tháng 7 đã xuất khẩu khoảng đạt 60 triệu USD, tăng hơn 8% so với cùng kỳ. Cũng theo ông Lĩnh, trong bối cảnh hiện nay, DN phải duy trì sản xuất trong điều kiện phòng dịch tốt nhất. Tại Cty Thuận Phước bình thường có khoảng 2.200 lao động, tuy nhiên từ khi dịch bệnh số lao động đã giảm từ 10-20% do một số về quê không ra được vì giãn cách, một số ở trong khu vực cách ly, một số thuộc diện F1, F2 không được tới Cty.

Vì có đông lao động cùng sản xuất nên yêu cầu phòng dịch càng phải khắt khe. Ông Lĩnh nói: Vốn dĩ Thuận Phước là DN sản xuất thực phẩm xuất đi thị trường khắt khe như Châu Âu, Nhật, do vậy yêu cầu vệ sinh thực phẩm, an toàn lao động phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh luôn được áp dụng nghiêm ngặt. Trước khi chưa có dịch Covid-19 thì công nhân ra vào nhà máy vẫn phải đeo khẩu trang, mang đồ bảo hộ 2-3 lớp, vẫn phải rửa tay sát khuẩn thường xuyên.

Từ khi có dịch thì tăng cường thêm các giải pháp như: công nhân vùng bị cách ly về thì không được tới Cty, ở nhà ăn trước đây 1 mâm 6 người ăn chung, giờ thì chuyển ra 3 ca ăn, mỗi mâm chỉ 2 người, mỗi người đều được đánh số ở vị trí cố định, ai ngồi ghế nào thì ngồi sẵn, nếu có dấu hiệu sẽ cách ly ngay. Nhờ áp dụng nghiêm ngặt tiêu chuẩn đó nên việc phòng chống dịch tốt, Cty duy trì được hoạt động sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.

Trong khi đó, tại KCN Hòa Cầm, Cty Điện tử Foster Việt Nam với hơn 1.000 công nhân, các hoạt động phòng dịch để đảm bảo duy trì sản xuất cũng được thực hiện nghiêm ngặt. Ông Nguyễn Quan Hoàng cho biết, các dây chuyền sản xuất được giãn ra, khu sản xuất được chia ra nhiều phân xưởng ở các tòa nhà khác nhau. Bên cạnh đó, công nhân được chia làm nhiều ca, xen kẽ nhau phòng trường hợp nếu có công nhân mắc Covid-19 thì chỉ một ca nhỏ, số ít lao động bị ảnh hưởng. Đặc biệt, tất cả lao động khi vào Cty đều phải kê khai y tế, bật ứng dụng Bluezone.

Theo BQL Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng, với 490 dự án, hiện có hơn 70 ngàn lao động làm việc trong các KCN. Trong đó, 16 công nhân ở 4 KCN đã mắc Covid-19, khiến 3 DN phải ngừng hoạt động. Tính từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khoảng 2.000 công nhân phải ngừng việc, nghỉ việc. Chỉ số sản xuất công nghiệp của TP tháng 7-2020 giảm 2,3%, 7 tháng giảm 11,5%. Từ thực tế đó cho thấy, giải pháp phòng chống dịch trong KCN phải thực hiện nghiêm ngặt mới có thể duy trì sản xuất, giải quyết việc làm, cứu cánh cho tăng trưởng kinh tế TP.

HẢI QUỲNH