Sanduk Ruit - người “mang ánh sáng”
(Cadn.com.vn) - Bác sĩ Sanduk Ruit chỉ mất khoảng 5 phút để thay đổi cuộc sống của một người. Vị bác sĩ người Nepal rạch một đường nhỏ ở mắt bệnh nhân, loại bỏ thủy tinh thể bị đục làm ảnh hưởng tầm nhìn và thay thế bằng một thấu kính nhân tạo rẻ tiền. Sau nhiều năm sống trong cảnh tăm tối, bệnh nhân lần đầu tiên nhìn thấy ánh sáng.
Trong 30 năm qua, bác sĩ Ruit đã đích thân phục hồi thị giác cho hơn 100.000 người trên khắp Châu Á và Châu Phi, và giảng dạy phương pháp phẫu thuật nhanh cho vô số các bác sĩ mắt ở nhiều nơi trên thế giới, kể cả Triều Tiên.
Bệnh nhân của ông bị các bệnh về mắt hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Nhưng vì nghèo đói và không được tiếp cận với các dịch vụ y tế công cộng, họ không được chữa trị. Đây là tình trạng phổ biến ở các nước đang phát triển. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính có khoảng 39 triệu người mù trên toàn thế giới.
Bà Kim Chun Son, 48 tuổi, xúc động khi bác sĩ Sanduk Ruit cởi miếng che mắt sau ca phẫu thuật ở Triều Tiên năm 2005. Ảnh: CNN |
Tiếp cận những khu vực xa xôi...
Với niềm tin, những người nghèo trên thế giới xứng đáng được hưởng chế độ chăm sóc mắt an toàn, giá cả phải chăng và chất lượng cao giống như bất cứ ai khác, bác sĩ Ruit thực hiện sứ mệnh tiêu diệt bệnh mù lòa.
Năm 1994, ông cùng với bác sĩ nhãn khoa và nhà từ thiện người Australia Fred Hollows, người thầy và là người bạn thân của ông, thành lập bệnh viện mắt Tilganga ở Kathmandu chuyên cung cấp các dịch vụ chăm sóc mắt đẳng cấp thế giới cho người dân Nepal. Bệnh viện sản xuất các loại thấu kính thường được sử dụng trong điều trị đục thủy tinh thể hoặc cận thị, và xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia trên thế giới.
Đối với những người không thể đến thành phố chữa bệnh, bác sĩ Ruit và nhóm của ông thành lập các trại chữa mắt di động đến các vùng xa xôi Nepal và các nước lân cận. Nhóm phải mất nhiều ngày đến nơi và biến các phòng học hoặc thậm chí là chuồng gia súc để sử dụng như các phòng mổ tạm thời.
Nhưng thành quả họ nhận được là vô cùng to lớn: khoảnh khắc các bệnh nhân được gỡ băng và nhìn thấy ánh sáng vốn được nhiếp ảnh gia người Australia Michael Amendolia chụp lại.
...và cả Triều Tiên
Năm 2006, bác sĩ Ruit và các bác sĩ phẫu thuật Nepal thực hiện chuyến đi đầu tiên đến Triều Tiên. Ông thuyết phục các nhà chức trách cho phép nhóm phẫu thuật và đào tạo cho các bác sĩ tại thành phố Haeju, sau khi chữa trị thành công cho một nhà ngoại giao tại Đại sứ quán Triều Tiên ở Kathmandu.
Amendolia cho biết, các bác sĩ phẫu thuật Triều Tiên từ khắp nơi trong cả nước kéo về Haeju để được tận mắt học hỏi bác sĩ Ruit phẫu thuật.
Thay đổi cuộc sống
Một trong những bức ảnh xúc động nhất trong bộ sưu tập của Amendolia là cảnh một người đàn ông ở Triều Tiên 80 tuổi nhìn thấy con trai của mình lần đầu tiên sau 10 năm mù cả hai mắt. Những bệnh nhân bị mù cả hai mắt cần được chăm sóc, trở thành gánh nặng cho gia đình, khiến họ bị mắc kẹt trong vòng nghèo đói. Phẫu thuật giúp họ được tái sinh.
Bác sĩ Ruit sinh ra và lớn lên tại ngôi làng nhỏ nằm cô lập trong dãy Himalaya. Trường học gần nhất cách đó 1 tuần đi bộ. Khi 17 tuổi, em gái ông qua đời vì bệnh lao dù căn bệnh này có thể điều trị được. Mất mát này là động lực giúp Ruit theo đuổi con đường y học, giúp đỡ người khác, chứ không chỉ cho bản thân mình. Đó là quyết định mà ông không hối tiếc.
Ở tuổi 59, lòng nhiệt huyết với công việc mang lại cho ông đầy sức trẻ. Vẫn còn rất nhiều điều phía trước mà ông muốn thực hiện.
An Bình
(Theo CNN)