Báo Công An Đà Nẵng

Sáng kiến "Một vành đai, Một con đường": Những thách thức an ninh

Thứ sáu, 22/12/2017 11:26

Khủng bố, sự bất ổn chính trị, và các cuộc tranh giành ảnh hưởng địa chính trị đang đe dọa làm phức tạp Sáng kiến "Một vành đai, Một con đường" (BRI) của Trung Quốc trong năm 2018.

Sáng kiến "Một vành đai, Một con đường" của Trung Quốc đi qua nhiều khu vực xung đột trên thế giới, trong đó có Syria. Trong ảnh: Thành phố Homs của Syria hoang tàn do chiến tranh. Ảnh: AP

Với hơn 140 quốc gia và 80 tổ chức quốc tế hỗ trợ và tham gia vào BRI, dự án khổng lồ này sẽ bước vào giai đoạn mới trong năm 2018. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gần đây tuyên bố tại lễ khai mạc Hội thảo về Phát triển Quốc tế và Ngoại giao Trung Quốc vào năm 2017 rằng Trung Quốc đã sẵn sàng làm việc với các bên để "tạo động lực mới và phát huy BRI".

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là các rủi ro an ninh mới đang ảnh hưởng không tốt đến sáng kiến khổng lồ này. Mặc dù cả Syria và Iraq đều tuyên bố chiến thắng trước phiến quân Hồi giáo IS, mối đe dọa khủng bố mà BRI đang đối mặt đang thực sự gia tăng chứ không hề giảm. Nếu trước đây, các thỏa thuận thương mại và các dự án cơ sở hạ tầng dọc theo dự án BRI hầu như đều tránh được các mối đe dọa khủng bố bằng cách phá hoại các địa điểm mà những kẻ khủng bố tụ tập, chiến thuật này sẽ không còn hiệu quả nữa.

Các phiến quân bị đẩy ra khỏi chỗ đứng tại Syria và Iraq hiện đang phân tán ở Châu Âu, Trung Đông và Bắc Phi, Trung Á, Nam Á và Đông Nam Á, tất cả đều là các "đầu cầu" dọc theo dự án BRI. Đặc biệt, địa hình đồi núi và các mạng lưới khủng bố hiện có ở Afghanistan và Pakistan làm cho hai quốc gia này có thể trở thành điểm tập trung mới của IS. Điều này có nghĩa là mối đe dọa khủng bố đang đến rất gần với BRI, và các dự án cốt lõi của BRI như Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan.

Sự mất ổn định về chính trị làm nảy sinh mối quan ngại khác. Theo Chỉ số Các quốc gia dễ Xung đột (FSI), Yemen, Somalia, Syria, Afghanistan và Iraq vẫn là những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới. Việc cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh bị nhóm nổi dậy ở Houthi giết hại và các cuộc bạo loạn ở khu vực người Kurd của Iraq cho thấy tình hình của các nước này thậm chí còn xấu đi trong năm 2018.

Thêm vào đó, tình trạng bất ổn về chính trị ngày càng gia tăng ở một số quốc gia được coi là ổn định dọc theo dự án BRI. Chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ, có điểm số FSI đã giảm 3,5 điểm, vì hiện đang trải qua một cuộc đấu tranh vũ trang khốc liệt giữa chính phủ và PKK, cuộc khủng hoảng ở Syria. Một ví dụ khác là Ethiopia, nơi đang chứng kiến những vết nứt về chính trị và xã hội.

Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, trò chơi quyền lực đang gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới có khả năng làm leo thang xung đột khu vực. Chẳng hạn như, ở Trung Đông, những nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm cáo buộc Iran không tuân thủ thỏa thuận hạt nhân và việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel làm tăng căng thẳng trong khu vực và gây xung đột giữa Palestine và Israel cũng như giữa "trục Shiite" đứng đầu là Iran và liên minh Sunni do Saudi Arabia dẫn đầu.

Nga và các nước Châu Âu, điển hình là Pháp, đã tăng cường sự hiện diện của họ trong khu vực bằng cách liên tục đến thăm đến Trung Đông và tích cực làm trung gian trong các tranh chấp khu vực. Cuộc tranh giành quyền lực giữa các cường quốc ở Trung Đông có thể làm phức tạp thêm tình hình khu vực, không chỉ gây ra những rủi ro mới cho các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở Trung Đông mà còn làm cho Bắc Kinh không thể duy trì vai trò "trung lập" trong các cuộc xung đột tại đây.

Nhìn chung, sự phân tán của khủng bố, gia tăng bất ổn về chính trị ở các nước dọc theo dự án BRI, và xung đột khu vực leo thang đang đặt ra những thách thức mới cho BRI trong năm tới. Điều này đòi hỏi Trung Quốc phải có biện pháp ứng phó với những rủi ro về an ninh để dự án có thể được thực hiện suôn sẻ.

AN BÌNH (Theo Diplomat)