Báo Công An Đà Nẵng

Sang Mỹ học cách giữ "báu vật Đà Nẵng"

Thứ năm, 08/09/2016 10:30

(Cadn.com.vn) - Trong thời điểm voọc chà vá chân nâu trở thành hình ảnh nhận diện của TP Đà Nẵng tại APEC 17, nhóm cán bộ của Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) đã săn được gói "học bổng" từ một tỷ phú địa ốc người Mỹ để tới xứ sở cờ hoa học cách bảo tồn nữ hoàng linh trưởng. Không chỉ học cách nghiên cứu, giáo dục về bảo tồn mà họ còn tranh thủ các hội nghị quốc tế để đưa báu vật Sơn Trà đến với các chuyên gia nghiên cứu linh trưởng toàn thế giới.

Để hiểu tập tính các gia đình voọc chà vá chân nâu, cán bộ GreenViet và các tình nguyện viên phải làm người rừng hàng tháng trời trong rừng Sơn Trà.

Người ta mong ước như mình

Vì đi "du học" theo hình thức cuốn chiếu nên trong khi Phó Giám đốc phụ trách truyền thông Lê Thị Trang và Trưởng phòng nghiên cứu Bùi Văn Tuấn đã kết thúc 45 ngày trên đất Mỹ thì Giám đốc GreenViet Trần Hữu Vỹ vẫn còn ở ráng thêm mấy ngày để gặp được nhiều chuyên gia, tích cóp thêm những kiến thức về bảo tồn linh trưởng. "Được tham dự chuỗi tập huấn bảo tồn linh trưởng tại vườn thú lớn nhất thế giới Sandiego và Hội nghị linh trưởng quốc tế là cơ hội hiếm hoi để chúng tôi có thêm kiến thức về nghiên cứu cũng như giáo dục nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo tồn voọc ở Sơn Trà. Đó là một khoá du học không dễ gì có được", anh Vỹ tâm sự.

Theo Lê Thị Trang, khi được giới thiệu về khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, các chuyên gia nghiên cứu, bảo tồn linh trưởng quốc tế đều mơ ước, vì ở đây có đầy đủ cả yếu tố thuận lợi cả về địa hình và thiên nhiên. Trang cho hay: "Những chuyên gia hàng đầu đều khẳng định, các khu bảo tồn nổi tiếng thế giới hiện tại đều phải trải qua khoảng 40 năm mới có được môi trường tự nhiên để nuôi dưỡng các loài thú quý hiếm. Trong khi đó, Sơn Trà của Đà Nẵng là khu bảo tồn hoàn toàn tự nhiên, không cần đầu tư xây dựng gì cả. Môi trường thì mình lợi hơn họ gần nửa thế kỷ nhưng yếu tố con người, vấn đề tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức cộng đồng thì mình thua họ rất xa". Ở Mỹ cũng như nhiều nước trên thế giới, môi trường tự nhiên của họ rất khô hạn, không đa dạng nhưng công tác bảo tồn động vật hoang dã lại cực tốt. Không những vậy, khi tuyên truyền, giảng dạy, họ đều có những con số, dẫn chứng khoa học cụ thể và thường gắn vào những câu chuyện điển hình chứ không nói suông cho xong.

Khi được hỏi làm sao có thể "săn" được suất học bổng cho chuyến "du học", Trang khẳng định chắc chắn là cơ duyên do voọc chà vá chân nâu của Sơn Trà mang lại. "Chúng tôi may mắn gặp được Beth Molasky, người đàn bà quyền lực trong giới địa ốc của Mỹ nhưng lại có một tình yêu đặc biệt dành cho động vật hoang dã. Khi tới Sơn Trà, bà ấy đã nói với chúng tôi rằng, voọc cũng có gia đình, chúng sống túm tụm với nhau rất hạnh phúc. Trách nhiệm của con người là phải bảo vệ những gia đình ấy trước nhiều nguy cơ. Khi những sự kiện về bảo tồn linh trưởng diễn ra trên đất Mỹ, bà ấy đã lập tức tài trợ cho 4 người chúng tôi qua đó học tập hàng tháng trời", Trang kể.

Cán bộ GreenViet nói chuyện cùng bà Jane Goodall- Nhà bảo tồn tinh tinh nổi tiếng thế giới bên lề hội nghị linh trưởng quốc tế.

Bài học cho Sơn Trà

Sau chuyến "du học", tài sản của Bùi Văn Tuấn - Trưởng phòng nghiên cứu của GreenViet là những cuốn sách cũ chuyên về địa lý, tự nhiên, sinh học, bảo tồn được bán rất rẻ ở Mỹ. Ngoài những giờ học hỏi, trao đổi với chuyên gia tại các diễn đàn, Tuấn dành thời gian tham quan vườn thú và lùng sách. Chủ nhân của video clip phá rừng Sơn Trà cách đây hơn nửa năm cho biết, anh gặp được chuyên gia của các nước để tìm hiểu về thành công cũng như thất bại của họ trong công tác bảo tồn linh trưởng. "Nhiều nước thành công nhưng cũng không ít nơi hết sức nan giải. Có 5 nguyên nhân cản trở công cuộc bảo tồn động vật hoang dã, đó là mất rừng, nạn săn bắt trái phép, suy giảm diện tích đất, nhận thức của người dân và thiếu sự hỗ trợ của chính quyền. Để bảo vệ được báu vật của mình, Đà Nẵng cần giải quyết tốt 5 vấn đề này", Tuấn tâm sự. 9 năm gắn bó với công tác bảo tồn, chàng trai đã sống cùng voọc đến sốt rét, đi hết các bệnh viện trên cả nước, uống đủ loại kháng sinh... cho rằng, không chỉ trong nước mà giờ đây cả thế giới đều đã biết đến "nữ hoàng linh trưởng" gắn với hình ảnh của thành phố Đà Nẵng. Chính vì vậy, đây là lúc thuận lợi để ngành chức năng có cuộc điều tra, đánh giá tổng thể số lượng, khu vực sinh sống của các gia đình voọc chà vá chân nâu Sơn Trà để có kế hoạch bảo tồn thực sự chuyên nghiệp. Vì đã là hình ảnh nhận diện mà không bảo vệ được thì mất mặt lắm. Khi thành công, đây có thể là hình mẫu cho các khu bảo tồn của các địa phương khác trên cả nước. Đà Nẵng làm được thì chắc chắn địa phương khác cũng làm được. Trang và Tuấn cho biết, ngoài chương trình "Hiệp sĩ rừng Sơn Trà" tuyên truyền về ý thức bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã cho học sinh Đà Nẵng, GreenViet cũng đã từng bước xây dựng đội ngũ tình nguyện viên góp công sức, vật chất cho các dự án nâng cao nhận thức của người dân và khách du lịch. "Với các tour du lịch, chỉ thực sự tốt khi nâng cao được ý thức của du khách, công tác quản lý phải chặt chẽ. So sánh thì hơi khập khiễng, ở các nước tiên tiến, người ta chen chúc nhau đi xem thú nhưng họ rất ý thức, hạn chế tới cả tiếng nói, tiếng cười, nhạc chuông điện thoại, âm thanh máy ảnh. Chứ ở mình, nhiều người chạy xe máy lên để ngắm voọc, nói là tham quan nhưng đưa bia lên đó uống rồi về. Như thế sẽ chẳng bao giờ thấy mặt con voọc chứ đừng nói gần gũi, bảo vệ nó", Trang chia sẻ.

Công Khanh