Báo Công An Đà Nẵng

Sáng tác văn học nghệ thuật cho thiếu nhi: Vì sao ít tác giả mặn mà?

Thứ bảy, 07/11/2020 19:20

Sáng 6-11, tại Cung văn hóa thiếu nhi TP Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo “Phát triển Văn học- Nghệ Thuật đối với lứa tuổi thiếu nhi trong giai đoạn hiện nay” do Hội đồng Lý luận phê bình Văn học- Nghệ thuật (VHNT)- Liên hiệp các Hội VHNT TP Đà Nẵng tổ chức. Tham luận của đại diện các ngành văn hóa, giáo dục, các nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ đến từ Đà Nẵng và Quảng Nam quan tâm đến thực trạng: Vì sao số lượng các tác phẩm văn học dành cho lứa tuổi này chiếm một tỷ lệ cực kỳ khiêm tốn, vô cùng nhỏ so với các tác phẩm văn học dành cho người lớn?

Quang cảnh hội thảo.

Khai mạc hội thảo, nhà nghiên cứu Bùi văn Tiếng- Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP Đà Nẵng nêu rõ: “Hội thảo này có nội dung trao đổi tương đối rộng, không chỉ bàn về văn học mà còn bàn về mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu, múa… liên quan đến thiếu nhi; không chỉ bàn về việc sáng tác cho thiếu nhi mà còn bàn về việc thiếu nhi sáng tác; không chỉ bàn chuyện sáng tạo nghệ thuật mà còn bàn chuyện giáo dục nghệ thuật, nhằm nâng cao thị hiếu thẩm mỹ và rèn luyện nhân cách cho thế hệ tương lai đất nước”.

Ở lĩnh vực âm nhạc, nhạc sĩ Văn Thu Bích qua tham luận “Âm nhạc cho thiếu nhi cần phù hợp lứa tuổi” nêu thực trạng, những tác phẩm âm nhạc hay dành cho thiếu nhi dường như chìm vào quên lãng, ngày càng thiếu vắng, mờ nhạt dần và thiếu sự đổi mới, đã đưa ra nhận định: “Hiện nay, nhiều nhạc sĩ không “tha thiết” viết nhạc thiếu nhi vì lợi nhuận quá thấp so với sáng tác các thể loại âm nhạc khác. Viết nhạc thiếu nhi thì hiếm khi được đặt hàng, hoặc nếu được hợp đồng viết thì giá cũng không cao. Nhạc thiếu nhi cũng khó thể thu hút trên mạng xã hội hoặc biểu diễn thì cũng thi thoảng… Ngay cả giải thưởng cho nhạc thiếu nhi cũng hiếm hoi. Hiện nay chỉ có Hội nhạc sĩ Việt Nam là trao giải định kỳ hàng năm, còn thi thoảng mới có một vài hội, đoàn. Chính vì không nhiều thuận lợi nên các nhạc sĩ ngại viết ca khúc cho thiếu nhi”.

Nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh, tác giả tập sách “119 trò chơi đồng dao dành cho trẻ em” vừa được Nxb Đà Nẵng ấn hành gần đây lưu ý nhiều hơn vai trò “Đồng dao cho trẻ em- góc nhìn trong xã hội đương đại”. Nhạc sĩ lưu ý: Không nói đến trẻ con thành phố, vậy thì trẻ con nông thôn hiện nay đang chơi những trò chơi gì? Đa số con trai chơi bóng đá, con gái phụ giúp gia đình. Hết thời gian học bài trẻ em thường dán mắt vào tivi hoặc chơi điện tử trong điện thoại. Có thể nói, đa phần các trò chơi mà cha mẹ chúng đã chơi trước đây hầu như không còn hấp dẫn với chúng nữa. Người lớn và các vị quản lý VHNT dân gian nghĩ gì về tình trạng này?”.

Cũng với một tham luận về chủ đề “Đồng dao”, nhạc sĩ Phan Văn Minh khẳng định: “Có lẽ không phải là cường điệu khi bảo rằng đồng dao chính là tâm hồn, là bóng dáng, là tiếng nói trẻ thơ của cả một dân tộc. Giữ được đồng dao là bảo tồn được vẻ đẹp hồn nhiên, trong sáng trong tâm hồn và nuôi dưỡng tâm thức nguồn cội cho các thế hệ mai sau”.

Ở lĩnh vực mỹ thuật, họa sĩ Nguyễn Thị Dư Dư với tham luận “Giáo dục hội họa thiếu nhi” cho rằng, so với những năm trước, hiện nay chương trình của Nxb Giáo dục là kim chỉ nam, là định hướng, có cơ sở đúng đắn, có nền tảng vững chắc để  chúng ta hướng dẫn học sinh. Trình độ học sinh ngày càng cao, do sự tiếp cận nhanh chóng với nhiều thông tin… Tuy nhiên, những tác phẩm của các em hiện nay chưa có tính đột phá, chưa mạnh dạn, tự tin thể hiện tác phẩm riêng mình. Họa sĩ đề xuất nhấn mạnh một số chia sẻ: “Giáo viên cần tham khảo thêm nhiều tác phẩm, tư liệu, trải nghiệm và thực hành nhiều hơn yêu cầu của chương trình học để hướng dẫn cụ thể, tạo hưng phấn cho các em. Ngoài ra, sự phát triển của các em bao giờ cũng cần đủ 3 yếu tố: gia đình để hỗ trợ, nhà trường và nỗ lực của các em”.

Nói về “Thực trạng và hướng phát triển sân khấu dành cho thiếu nhi”, nhà biên kịch Trần Quang Kỳ cho hay: “Hiện nay tại Đà Nẵng có một vài địa chỉ đáng tin cậy dành cho các em, đó là Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh với chương trình Rối cạn “Ngày hè sôi động” được đầu tư công phu, hay nhóm kịch rối, ca múa nhạc thiếu nhi Việt Sky, hay các chương trình văn nghệ tạp kỹ của Cung thiếu nhi Đà Nẵng, nhưng hầu hết các chương trình đó chỉ diễn ra trong các dịp hội hè, hoặc các ngày lễ của các em, cái mà chúng ta đang thiếu là một sân khấu hoạt động cuối tuần (chí ít là vậy) để các em có thể đến vui chơi, và được bay bổng với màu sắc sân khấu. Biết rằng, điều này rất khó trong giai đoạn hiện nay, nhưng nếu chúng ta chung sức, chung lòng thì vẫn tràn đầy niềm hy vọng…”.

Ở lĩnh vực văn học, có khá nhiều tham luận của các nhà văn, nhà thơ từng có nhiều tác phẩm phổ biến dành cho tuổi thơ như: Thanh Quế, Nguyễn Kim Huy, Lê Trâm… đều gặp gỡ ở một góc nhìn chung: “Số lượng các tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi luôn chiếm một tỷ lệ cực kỳ khiêm tốn, vô cùng nhỏ so với các tác phẩm văn học dành cho người lớn, trong khi dù ở bất cứ thời đại nào, đất nước nào, chắc chắn số lượng độc giả tuổi thơ luôn áp đảo số lượng độc giả lớn tuổi, và nhu cầu đọc sách của tuổi thơ cũng mạnh mẽ, cấp bách không kém gì nếu như không thể nói là còn tha thiết hơn người lớn. Vậy tại sao luôn tồn tại nghịch lý này?”. Trước thực trang đó, nhà văn Thanh Quế không ngần ngại nêu đề xuất: “Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực, phấn đấu của từng người viết, cần có sự động viên, hỗ trợ tinh thần và vật chất của cấp ủy, chính quyền mà đại diện là Hội VHNT địa phương. Hội cần tổ chức những trại sáng tác, những cuộc thi để giúp đỡ và thu hút những người có đề tài và ý định sáng tác cho thiếu nhi. Thậm chí, Hội đứng ra đầu tư sáng tác hay in ấn cho các tác phẩm tốt. Có như thế mới động viên và thu hút lực lượng sáng tác cho các em, từ đó sẽ gặt hái được những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật như ta hằng mong ước”.

TRẦN TRUNG SÁNG