Sau 14 năm ra đời, SCIC vẫn đang đi dò dẫm
Ngày 11-4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
SCIC xúc tiến đầu tư tại Nga. |
Bảo toàn vốn nhà nước
Chủ tịch Hội đồng Thành viên SCIC Nguyễn Đức Chi cho biết, sau gần 14 năm đi vào hoạt động (8-2006), Tổng công ty đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước đối với các công ty cổ phần sau cổ phần hóa. SCIC triển khai thành công bước đầu mô hình đại diện chủ sở hữu thực hiện đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước với tổng vốn đầu tư đã giải ngân đến thời điểm hiện nay là khoảng 28.000 tỷ đồng, bảo toàn vốn và đạt hiệu quả khá cao.
Lũy kế từ khi thành lập đến hết năm 2019, vốn chủ sở hữu của SCIC đạt trên 51.911 tỷ đồng; tổng tài sản đạt trên 55.828 tỷ đồng (theo giá trị sổ sách); vốn hóa thị trường đạt 146.512 tỷ đồng (khoảng 6.2 tỷ USD). So với thời điểm thành lập, doanh thu của SCIC tăng gấp 46,8 lần; lợi nhuận sau thuế tăng gấp 37,1 lần; vốn chủ sở hữu tăng gấp 14,2 lần; tổng tài sản tăng gấp 10,5 lần. Hơn 3 tháng đầu năm 2020, doanh thu của Tổng công ty đạt 1.384 tỷ đồng, bằng 20% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế 858 tỷ đồng, nộp ngân sách ước đạt 762 tỷ đồng, bằng 22% so với kế hoạch.
Đến nay, SCIC đã tiếp nhận được 1.068 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước hơn 21.969 tỷ đồng, trong đó, năm 2019, tiếp nhận được 13 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước hơn 7.160 tỷ đồng. Từ khi thành lập đến nay, SCIC đã bán vốn tại hơn 1.000 doanh nghiệp với giá vốn 11.169 tỷ đồng và thu về 47.306 tỷ đồng. Các doanh nghiệp thuộc diện bán vốn chủ yếu có quy mô nhỏ, kinh doanh kém hiệu quả nhưng kết quả bán vốn thu được gấp 4,2 lần giá vốn (bình quân cả nước là 1,48 lần).
3 kịch bản phát triển
3 tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đối với nền kinh tế trong nước. Về đầu vào, với đặc thù hoạt động hiện tại, SCIC ít chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh đến việc huy động nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển (do Tổng công ty chưa phải vay nợ) và chi phí sản xuất (chủ yếu là chi phí quản lý và giá vốn các doanh nghiệp bán vốn, không trực tiếp sử dụng nguyên nhiên vật liệu, vận chuyển như các đơn vị sản xuất khác). Tuy nhiên, với phần lớn các doanh nghiệp trong danh mục quản lý của SCIC - là những doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh trực tiếp - bị ảnh hưởng rất nặng nề vì các đầu vào nói trên tăng giá hoặc khan hiếm, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, khó khăn trong việc tiêu thụ đầu ra.
Theo số liệu cập nhật đến cuối tháng 3-2020, một số doanh nghiệp ước tính thiệt hại rất lớn như: Tập đoàn Dệt may Vinatex dự kiến giảm 22% doanh thu (284 tỷ đồng) và 79% lợi nhuận (237 tỷ đồng) so với kế hoạch; Công ty Cổ phần viễn thông FPT – FPT Telecom dự kiến giảm 15% doanh thu (1.789 tỷ đồng) và 20% lợi nhuận (413 tỷ đồng); Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam dự kiến giảm 2.089 tỷ đồng doanh thu và 413 tỷ đồng lợi nhuận so với kế hoạch… Do đó, khả năng doanh thu năm 2020 của SCIC có thể bị ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh.
Theo ông Nguyễn Đức Chi, SCIC đã xây dựng 3 kịch bản triển khai kế hoạch trong năm 2020, trong đó, nếu dịch bệnh kết thúc trong quý II-2020, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của SCIC dự kiến cùng đạt 82% kế hoạch. Nếu dịch bệnh kết thúc trong quý III-2020, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của SCIC dự kiến đạt tương ứng 64% và 46% kế hoạch. Quý IV-2020 dịch Covid-19 mới kết thúc, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của SCIC dự kiến chỉ đạt tương ứng 50% và 16% kế hoạch. Hiện Tổng công ty vẫn quyết tâm chưa điều chỉnh kế hoạch năm 2020.
Tập trung vào những lĩnh vực trọng yếu, then chốt
Ghi nhận SCIC đã nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ giao và đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên các mặt hoạt động, góp phần đẩy nhanh tiến trình sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, với vị trí và tiềm lực của mình, SCIC có thể làm được nhiều hơn nữa. SCIC cần hoàn thiện định hướng chiến lược để phát triển cho trúng, đúng, nâng cao vị trí, vai trò của SCIC trong hệ thống doanh nghiệp nhà nước nói riêng, ngành kinh tế của đất nước nói chung. Một mặt, SCIC phải góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, nhưng đồng thời phải kinh doanh có lãi, phát triển được đồng vốn, đúng pháp luật.
Phó Thủ tướng lưu ý, SCIC “có thái độ dứt khoát là không nên ôm đồm quá nhiều doanh nghiệp địa phương chuyển về, không quản trị được, trong khi chiến lược chưa có, phương hướng, nhiệm vụ chưa rõ, lại đang chịu ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19, bán vốn khó, chứng khoán, cổ phiếu dao động, trái phiếu khó phát hành”. Phó Thủ tướng cho rằng, thể chế, pháp luật còn nhiều vướng mắc, cách làm của SCIC vẫn “đang đi dò dẫm, chưa có phương hướng rõ ràng để đi dài hơi, loay hoay cho từng năm”. Nhấn mạnh, không nên đầu tư quá phân tán, chỉ nên tập trung vào những lĩnh vực trọng yếu, then chốt của nền kinh tế như công nghệ cao, công nghệ thông tin, viễn thông, chế biến thực phẩm, tài chính, xăng dầu, vận tải hàng không, đường sắt…, Phó Thủ tướng yêu cầu SCIC làm rõ lĩnh vực, ngành nghề nào để thực hiện chiến lược phát triển, lĩnh vực, ngành nghề nào thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội, không sa vào vụn vặt, các công ty con cần cơ cấu lại, bán, cho thuê, sáp nhập, giải thể…, đảm bảo kinh doanh hoạt động theo hướng thị trường, mục tiêu bảo toàn vốn, tối đa hóa lợi nhuận.
“Xác định định hướng chiến lược để thực sự đưa SCIC trở thành doanh nghiệp trọng yếu hay quả đấm của nền kinh tế, nhưng phải thực sự tham gia vào hệ thống chủ đạo của kinh tế nhà nước một cách có hiệu quả”, đặt ra yêu cầu trên, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Tổng công ty xác định hướng đi cho đúng, huy động đúng tiềm lực, đầu tư đúng để phát triển. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, tạm thời dừng những hoạt động không hữu ích, hoạt động nào thích ứng được phải đẩy mạnh, quan trọng là phải có chiến lược đầu tư lâu dài.
QUỲNH NHƯ – TTXVN