Báo Công An Đà Nẵng

Sau Iran là Venezuela

Thứ sáu, 07/08/2015 10:12

(Cadn.com.vn) - Sau cái bắt tay lịch sử xuyên Đại Tây Dương với Cuba và Iran, Tổng thống Mỹ Barack Obama có thể lại tiếp tục gây bất ngờ bằng một cuộc đàm phán bước ngoặt với Venezuela.

Chỉ trong vài tuần qua, Tổng thống Obama bỗng trở nên "xa xỉ" khi liên tiếp mở ra mối quan hệ chính thức với Cuba và giành một thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran. Venezuela, đối thủ lâu năm của Mỹ, có thể sẽ là cái tên tiếp theo trong danh sách đàm phán hòa giải với Washington. Trong bài phát biểu đầu tuần này, ông Obama xác định cách tiếp cận với đối thủ Venezuela bằng những tuyên bố hòa giải của một nhà lãnh đạo Mỹ trước đó.

Nhưng để đi đến bước ngoặt lịch sử, cả hai nước cần phải vượt qua rất nhiều rào cản. Mỹ vẫn đang rất thận trọng khi tiếp cận với chính quyền Tổng thống Maduro. Trong khi đó, Caracas cũng liên tiếp cáo buộc Nhà Trắng can thiệp vào công việc nội bộ của họ. Trong tuyên bố mới nhất hôm 6-8, Caracas bác bỏ hoàn toàn những lo ngại của Mỹ về việc Hội đồng bầu cử quốc gia Venezuela ngăn cản hàng trăm chính trị gia đối lập tham gia các hoạt động hành chính và ứng cử vào Quốc hội trong cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra vào ngày 6-12 tới.

Chính phủ Venezuela tố cáo các chính trị gia đối lập bị bắt giam mà Mỹ yêu cầu thả có âm mưu đảo chính và châm ngòi cho vụ bạo loạn hồi đầu năm ngoái làm 43 người thiệt mạng, gần 900 người bị thương và gây thiệt hại kinh tế hơn 10 tỷ USD. Đây cũng là vụ việc khiến mối quan hệ Washington-Caracas thêm căng thẳng.

Nhà Trắng mới đây hối thúc Caracas dỡ bỏ lệnh cấm một số chính trị gia đối lập tham gia bầu cử Quốc hội và hối thúc Caracas trả tự do cho các "tù nhân chính trị" đang bị giam giữ. Tuy nhiên, Tổng thống Maduro nhiều lần khẳng định nước ông không có "tù nhân chính trị" mà chỉ có các "chính trị gia đi tù" do phạm tội.

Thực tế không phủ nhận, nền kinh tế Venezuela đang sa sút nhanh chóng, thậm chí tệ hơn so với Hy Lạp. Nền chính trị cũng khập khiễng với những cáo buộc lẫn nhau giữa phe đối lập và chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro. Venezuela và Mỹ không có đại sứ tại phái đoàn ngoại giao của mình ở Washington cũng như Caracas từ vài năm trở lại đây.

Dù giới phân tích cho rằng, các cuộc đàm phán sẽ không sớm diễn ra, nhưng phần còn lại của thế giới, đặc biệt là các nước khác ở Châu Mỹ Latinh, có thể giúp đỡ bằng cách cổ vũ cho các cuộc đàm phán Mỹ - Venezuela. Bởi lẽ, một sự sụp đổ của nền kinh tế Venezuela hay chính phủ của nó không đem lại lợi ích cho bất kỳ ai cả, nhất là các nước láng giềng.

Với trữ lượng dầu được cho là lớn nhất trên thế giới, Venezuela cuối cùng có thể là mô hình đáng để học tập cho các nước khác trong cách sử dụng nguồn tài nguyên tốt, thay vì là một bài học đáng buồn về tham nhũng và quản lý kinh tế yếu kém.

 Thanh Văn