Báo Công An Đà Nẵng

Sau này có còn tiếng chim?

Thứ năm, 23/06/2016 10:58

(Cadn.com.vn) - Ruộng đồng nông thôn Hòa Vang (Đà Nẵng) mênh mông như thế, nhưng đi đến đâu cũng đụng người. Thời buổi người khôn của khó, người bẫy chim ngày càng nhiều, nên chim ngày càng khan hiếm. Ngày trước còn chọn lựa, bây giờ loại chim nào họ cũng bẫy tuốt...

Sáng 22-6, thấy anh K. (quê Quảng Ngãi) "rình rập" bẫy chim trên đoạn đường bê-tông thôn Phước Thái (xã Hòa Nhơn, H. Hòa Vang), chúng tôi lân la đến gần. Một bộ đồ nghề bẫy chim khá đơn giản, gồm 1 cây cần tự chế có 2 thanh ngang bằng nhôm được bôi một lớp keo dính đặt áp sát vào cột điện. Tiếng chim phát ra từ loa máy nhỏ gọi đàn đặt phía dưới. Trên trời từng đàn chim sẻ bắt đầu quần đảo. Khi chúng tôi mường tượng đến cảnh những con chim sẻ sà xuống dính keo ngược đầu kêu thảm thiết như đã từng chứng kiến trước đây thì bất chợt, nhiều chiếc xe máy chạy qua, âm thanh động cơ làm đàn chim bay hỗn loạn...

Nhẫn nại đợi thêm vài phút, lớp keo khô dần dưới cái nắng chói chang mà đàn chim cũng chẳng quay lại. Anh K. uể oải thu dọn đồ nghề, chuẩn bị di dời qua địa điểm khác. Anh K. cho biết, nghề chính của anh là nghề bán võng dù, giường xếp. Hằng ngày, rảo xe ở các vùng quê, anh đã nhiều lần chứng kiến việc bẫy chim sẻ bằng keo rất hiệu quả. Cùng chỗ thuê trọ với anh, có nhiều người mỗi ngày bẫy cả trăm con chim, chim khỏe thì bỏ mối cho những người bán chim phóng sinh cầu an, chim chết thì làm thịt bỏ cho các nhà hàng, quán nhậu làm đặc sản với giá 5 ngàn đồng/con. Họ kiếm tiền dễ hơn anh nhiều. Họ vác sào, lưới đi suốt ngày đêm, lặn lội lên rừng, xuống phố...

Thợ bẫy chim sẻ bằng keo dính đang áp cần vào cột điện.

Đợi cho xe anh K. khuất cuối đường, ông Bốn Nhượng (cư dân địa phương) mới cho chúng tôi hay, thực ra việc nhiều xe máy chạy ngang qua điểm bẫy chim cùng lúc là do thanh niên trong làng tự dàn dựng để xua đuổi đàn chim khỏi dính bẫy. Bởi, thời gian gần đây, ở vùng nông thôn mà tiếng chim cứ thưa dần, lượng chim giảm sút nghiêm trọng. Điều này dẫn đến tình trạng mất cân bằng sinh thái. Mùa màng bị xâm hại, năng suất thấp do sâu bệnh hoành hành. Người nông dân buộc phải sử dụng hóa chất độc hại để diệt trừ sâu dẫn đến sự ô nhiễm nguồn nước và phải hứng chịu hậu quả do ô nhiễm môi trường... "Với quan niệm "chim trời, cá nước" ai cũng có thể đánh bắt tùy theo ý thích, có người bắt chim để phục vụ nhu cầu giải trí hoặc làm mồi nhậu, cũng có người xem đó là công việc mưu sinh. Cho dù với mục đích gì, chính việc làm thiếu ý thức săn bẫy chim một cách tràn lan như vậy sẽ dẫn đến nguy cơ làm tuyệt chủng nhiều loài chim và ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người. Bên cạnh đó, hiện nay chính quyền địa phương vẫn chưa có quy định nào cấm người dân săn bắt nên nguy cơ chim trời bị tận diệt là điều sẽ xảy ra"", ông Bốn Nhượng trăn trở.

Chim ri mắc lưới dưới cánh đồng vừa thu hoạch.

Trước đó, nhiều thợ bẫy vùng giáp ranh Điện Hòa (TX Điện Bàn, Quảng Nam) căng mắt nhìn các vuông lưới giăng dưới các đồng lúa vừa thu hoạch ở thôn Lệ Sơn 2 (xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang). Trời nhá nhem nên màu xanh của các vuông lưới cũng nhạt nhòa. Theo các anh, thời điểm này bẫy chim ri, mỏ nhát là "ngon" nhất, chim đi kiếm ăn trước khi bay về nơi trú ngụ. Một người cho biết, nghề này vất vả lắm, nhưng vẫn cứ đi. Xong một ngày leo giàn giáo làm thợ nề, chiều tối là xuống ruộng bẫy chim để có đồng ra đồng vào phụ vợ nuôi con. Mỗi con bán cho các quán nhậu được 15 ngàn đồng... Sau khi dính lưới gần chục con tại chân ruộng, các anh lập tức cuốn lưới, di chuyển sang cánh đồng kế bên. Lần này, các anh không giăng bẫy ở chân ruộng nữa, mà đặt lưới sát triền bao theo hướng gió, đón lõng đàn chim di chuyển trước khi chúng tách đàn, sà xuống từng đám ruộng... Dân gian có câu "Đất lành chim đậu". Điều này đang trở thành nghịch lý. Những cánh đồng phì nhiêu, màu mỡ mang lại cuộc sống đủ đầy cho người nông dân, vô tình trở thành nơi cạm bẫy để một bộ phận người dân tận diệt chim trời. Nếu không kịp thời ngăn chặn, sau này liệu mọi người có còn được nghe tiếng chim?

Chứng kiến những người thợ bẫy chim hành nghề, ông Hai Giác (trú xã Hòa Tiến) nhớ lại, ông từng có tiếng "sát" chim thời trai trẻ nhưng gia đình ông vẫn không khá nổi. Cứ mỗi lần thấy ông mang lưới ra ruộng bẫy chim là vợ con ông liên tục lên "án"... "Người ta xót lòng khi thấy chim trời bị săn bẫy nên phát lòng từ bi mua thả lại thiên nhiên. Trong khi đó, vì mưu sinh mà mình tìm mọi cách sát hại chúng. Như vậy là mình mang tội với trời, với đất thì ai giúp mình khấm khá lên được", ông Hai Giác bày tỏ nỗi lòng mà nhiều năm trước, khi từ bỏ nghề ông đã cay đắng thốt lên.

An Dương