Sau sạt lở bờ biển đến bồi lấp cửa sông
(Cadn.com.vn) - Cùng với quá trình biến đổi khí hậu, trong thời gian qua những bãi biển đẹp của Quảng Nam liên tục "kêu cứu" vì mức độ sạt lở, xâm thực nghiêm trọng. Mặc dù đã chi hàng tỷ đồng khắc phục nhưng đây vẫn là vấn đề khiến các ngành chức năng Quảng Nam phải đau đầu. Thế nhưng, còn một hệ quả nữa đang âm thầm diễn ra trong nhiều năm qua tại các khu vực ven sông là tình trạng bồi lấp gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào, neo đậu. Thực trạng "bên lở, bên bồi" khiến không chỉ ngành du lịch mà hàng ngàn phương tiện đánh bắt phải lao đao.
Thực tế tình trạng sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông có liên quan mật thiết lẫn nhau. Tại rất nhiều cuộc hội thảo các nhà khoa học đã đánh giá tác động liên quan, qua lại lẫn nhau khi cán cân bùn đất trở nên mất cân đối khiến cho cửa sông và bờ biển không còn giữ được thế cân bằng.
Tình trạng bồi lấp cửa sông diễn ra song song với sạt lở bờ biển. |
Cửa biển Cửa Đại là nơi con sông Thu Bồn, Trường Giang đổ ra biển lớn cũng là ngả ra biển của hàng ngàn ngư dân Quảng Nam. Cửa Đại rộng hơn 1.000m tính từ P. Cửa Đại (TP Hội An) qua xã Duy Nghĩa (H. Duy Xuyên) nhưng thường xuyên bị bồi lấp, có thời điểm lên đến 600m. Còn nhớ vào năm 2013 khi cơn bão Nari đổ bộ vào đất liền khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng đã gây mưa lớn trên diện rộng. Sau đợt bão ấy hàng chục tàu thuyền bị mắc kẹt tại các khu vực neo đậu mà không ra biển được bởi cửa biển bị bồi lấp nặng nề. Tuyến đường thủy từ Hội An ra Cù Lao Chàm cũng bị ngưng trệ. Để khắc phục, UBND tỉnh đã khẩn trương thực hiện nạo vét hơn 100.000m3 cát để thông luồng tạm thời. Thế nhưng dường như tình trạng bồi lấp hiện nay không đợi bão lũ về mà diễn ra quanh năm nhất là khi bờ biển Cửa Đại bị sạt lở nghiêm trọng từ năm 2014.
Ngư dân Nguyễn Văn Thành, chủ một tàu cá có công suất 50CV (trú xã Duy Nghĩa, H. Duy Xuyên) cho biết: "Ngư dân làm ăn bao đời nay dựa vào kinh nghiệm cha ông để lại thế nhưng hiện nay thời tiết thất thường quá chẳng biết đâu mà lần. Mùa mưa mùa nắng chi cũng bị bồi cả. Từ âu thuyền Hồng Triều đi chừng 2km là ra Cửa Đại nhưng hiện nay cửa biển này đã trở nên quá tải với tất cả các phương tiện, nhất là những tàu có công suất lớn". Trước đây con lạch từ Duy Nghĩa thông ra biển rộng gần 200m với 4 luồng tàu ra vào. Thế nhưng hiện nay cát đang từng ngày bồi đắp tạo nên những đụn cát lớn. Có thời điểm thủy triều xuống sâu chỉ còn 1-2m làm tàu thuyền bị mắc cạn, gãy chân vịt.
Âu thuyền Hồng Triều hướng ra cửa biển Cửa Đại nay đã trở nên quá tải vì tình trạng cát bồi lấp. |
Ông Thành cho biết tại Âu thuyền Hồng Triều không chỉ là nơi neo đậu của các phương tiện tại xã Duy Nghĩa mà còn có các chủ tàu từ Núi Thành, Thăng Bình cũng gửi tàu lại đây khi có bão lũ. Đã có trường hợp tàu ngư dân bị mắc cạn phải thuê tàu kéo mới ra biển được. "Mỗi lần cho thuyền ra biển hay về bờ là phải đi thăm dò trước. Nếu nghe nói nước cạn thì chúng tôi phải neo ngoài vịnh rồi đợi hôm sau thế nào mới dám cho thuyền về", ông Thành chia sẻ. Ông Nguyễn Tấn Nam (Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa) cho biết: "Đây là vấn đề nan giải gây khó khăn cho ngư dân và các phương tiện đánh bắt trên địa bàn. Xã cũng ghi nhận và báo cáo tình hình cho các cấp cao hơn. Tuy nhiên về lâu về dài phải có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng tìm nguyên nhân và có giải pháp thiết thực".
Ông Nguyễn Văn Dũng (Chủ tịch UBND TP Hội An) cho biết: "Tình trạng sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông diễn ra tại nhiều tỉnh thành trên cả nước và là vấn đề nan giải cần có hướng khắc phục lâu dài nhất là tại Quảng Nam có nhiều thủy điện gây tác động lớn đến sự hình thành cán cân bùn cát. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những hệ lụy sông và biển trong thời gian qua". Trong buổi đi kiểm tra thực tế vừa qua vào ngày 30-11 tại bờ biển Cửa Đại, Phó Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã xác định tình trạng trên vô cùng khẩn cấp. Nếu không có biện pháp không chỉ làm mất đi bờ biển đẹp mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực TP Hội An, để lại những hệ quả nặng nề có thể dự báo được. Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hỗ trợ cho Quảng Nam 40 tỷ đồng làm kè giải quyết tình trạng xói lở. Điều này có ý nghĩa quan trọng không chỉ để cứu bãi biển Cửa Đại mà còn giúp cân bằng dòng chảy tránh sức ép bồi lấp lên các cửa sông ra biển.
Đồng Dao