Báo Công An Đà Nẵng

Sáu thân (3)

Thứ bảy, 21/03/2015 07:00

Bài 3: Hổ về rừng!

Anh hùng Võ Hồng Thân nay vui thú điền viên.

(Cadn.com.vn) - Giam xà lim 21 ngày chúng lại đưa Sáu Thân ra phòng số 4. Sáu Thân hy vọng được đi hành dịch. Chờ đợi từng ngày rồi hy vọng cũng đến. Chúng chọn 14 tù nhân đi hành dịch, hôm ấy đi khuân vác, tổng vệ sinh cho cơ quan USOM, cạnh tỉnh đường. USOM mang danh là cơ quan viện trợ nạn nhân chiến tranh của Mỹ, thực chất là cơ quan của tình báo Mỹ giấu mặt. Sáu Thân còn nhớ trong số đi hành dịch hôm ấy có cô Hiền, người Tam Quang, anh Sơn người Tam Giang là rể bà Thu, anh Tam, nguyên Chính trị viên V 14 - bộ đội huyện. Mấy anh em dặn nhau: Coi chừng thằng Trung trưởng nghĩa quân. Mỗi lần đi hành dịch anh em xin cơm cháy theo ăn nửa buổi, trưa ở lại thì phân cho vài anh lo nấu cơm, số còn lại thì cứ làm việc như thường để cho tên giữ tù “tin tưởng”. Hôm ấy, Sáu Thân giành phần đi nấu ăn. Khu vực này gần nhà dân nên anh em thường vào xin nhà dân nấu ăn để có nước, nồi, củi lửa, nhiều khi xin được chút mắm cái ăn cho mặn miệng. Tù đi nấu ăn cũng có một người lính mang súng theo canh chừng. Người lính giữ tù hôm ấy thấy Sáu Thân có vẻ hiền lành, chất phác, nông dân một cục, hỏi: “Chú ở tù mấy năm rồi?”. Năm ấy Sáu Thân chưa đầy ba mươi nhưng gầy gò, đen đũi, già khọm.

- Tui ở đến bữa ni là đúng 7 năm (thực ra, Sáu Thân mới ở tù có 5 tháng).

Người lính trẻ thật thà, nói:

- Tội nghiệp, chú ở lâu rứa hỉ. Giữ mấy ông sướng chớ giữ mấy ông du kích mệt bởi mấy ổng hay chạy quá. Để mấy ổng chạy thì bọn tui bị phạt giam, cắt lương.

- Khi mô chú hết gác?-Sáu Thân thăm dò.

- Mười giờ tôi về ăn cơm. Đến mười giờ rưỡi thì tôi lại gác đến 3 giờ chiều.

Lúc nghỉ ăn trưa, Sáu Thân nói với Sơn em bà Phỉ, dân Tam Giang: “Chuẩn bị, tau với mi tẩu”.

- Đi sao?

- Tau đi sao, mi đi theo.

 Lúc ra chỗ bụi cây đi tiểu, Sáu Thân cố tình xé toạc cái quần đen đang mặc. Chỗ ngồi ăn cơm cách một tiệm may chừng 500 mét. Đó là quán may của cô Tri người Kỳ Trà. Sáu Thân đội cái nón lá đi vào cái quán may ‘‘nhờ vá cái quần’’. Vừa đến bên cái bàn máy may thì cô gái đang ngồi may, ngước lên hỏi:

- Mấy anh đi đâu?

- Khát nước.

Cô gái đứng dậy nói “để tôi pha”..., Sáu Thân đưa tay ngăn, ý là để tự xuống bếp uống một gáo nước lạnh cho đã. Sáu Thân đi xuống hướng nhà sau, bỗng thấy hai chồng nón mới liền lấy một cái đội trên cái nón lá đang đội rách bươm, lấy thêm một cái đưa cho Sơn. Chớp mắt, hai người đi tuột ra phía sau nhà, rúc ra khỏi bờ rào, không còn khoảng cách để thấy và nghe cô gái nói gì. Sau này Sáu Thân mới biết cô thợ may ấy là một cơ sở cách mạng của thị xã Tam Kỳ. Hai anh em xuống tới Ngã ba Nam Ngãi thì thấy một chiếc xe Lam từ trong chợ Trạm chạy ra đổ khách, quay đầu xe chuẩn bị chạy vào lại chợ Trạm. Trước đó ba ngày, nghe anh em nhắn về nhà sắp bị đưa đi Côn Đảo, ông Toản cha của Sáu Thân bán con bò cái được 40 đồng bảo mẹ Sáu Thân là bà Xãi đem hết ra cho anh bảo để con phòng thân. Đang đứng bên chiếc xe Lam thì bỗng gặp thằng Thọ, người cùng quê, cảnh sát tỉnh Quảng Tín đứng chân ở Quận Lý Tín, hỏi:

- Ông được trả tự do rồi hả?

- Không. Đang đi làm chỗ USOM của Mỹ thì gặp bà cô ở trong quê ra, hỏi thăm.

Lúc này đã gần một giờ chiều, trời nắng như thiêu, đường khá vắng người đi. Tức thì, hai anh bỏ việc đón xe vào chợ Trạm mà đi ngược lên hướng Quận Tam Kỳ, thẳng lên hướng Trường Xuân. Đến đường rầy xe lửa thì gặp một bốt gác, có hai nghĩa quân nằm ngửa, dựng hai cây Cạc bin, nhắm mắt thở khì khà. Sáu Thân nói để vào lấy súng thì Sơn run quá. Bỗng có một bà gánh đậu hũ đi lên, thế là Sáu Thân bỏ ý định lấy súng mà chạy theo bà gánh đậu hủ. Bà đậu hủ đi độ 400 mét thì tách vào cái nhà cạnh đường ray, chắc là nhà của bà. Hai anh em đi ngang qua nhà bà bán đậu hủ, theo con đường mòn trong xóm đi thẳng lên khu vực sau này có sân bay dã chiến Kỳ Nghĩa, gặp một cái bộng dầu. Bấy giờ, vào độ tháng tư, tháng năm, người ta đang ép dầu, mùi dầu phụng thơm lừng. Thấy anh em của Sáu Thân, một nghĩa quân hỏi:

- Mấy ông đi đâu?

 Sáu Thân hỏi lại: - Lính nào ở đây?

- Bọn em gác sân bay.

Lúc đó, Sáu Thân mới biết đây là khu vực Kỳ Nghĩa, đã ở khá xa tỉnh đường Quảng Tín. Từ đây chạy một mạch là lọt vào khu rừng Kỳ Ngọc, Kỳ Trà. Sáu Thân lên giọng quan trọng: Tau là tình báo của Tiểu khu đang chuẩn bị hành quân tảo thanh Cộng quân. Nghe Sáu Thân nói tình báo Tiểu khu, mấy dân vệ hơi khớp, lặng thinh. Sáu Thân nói rồi thì đi thọc ra hướng bờ sông Ba Kỳ. Ra đến bờ sông thấy năm sáu thanh niên châu đầu đánh bài, mấy cây súng dựng chụm đầu nhau, Sáu Thân đoán bọn này là thanh niên chiến đấu của quận, lên giọng: “Bọn bay làm chi ở đây mà chúi mũi đánh bạc?”. Một tên ngồi chầu rìa trình bày, đại khái, nghĩa quân thì gác ban đêm, còn ban ngày thì giao cho thanh niên chiến đấu. Sáu Thân chỉ vô chiếu bạc, nói như trách:

- Bay ơi, bay gác mà lo đánh bài đánh bạc, Cộng sản vô thì làm răng biết đàng!.

- Bọn em đánh bài, nhưng thay nhau quan sát.

- Chừ tau phải qua sông. Liệu bên kia có Cộng sản không?Tụi bay chớ dại lấp ló coi chừng Cộng sản bắn bia. Nghe nói Cộng sản khu vực này bắn bia trúng phát một.

Dọa để bọn này không theo ra bờ sông, đang chuẩn bị lội xuống sông thì thấy một đám choai choai lội xuống tắm. Thấy phía trên có một chiếc thuyền đãi sạn đoán là đoạn sông cạn. Sáu Thân hỏi Sơn:

- Mi biết bơi không?

- Không. Sơn lắc đầu. Chồng hai cái nón lá lên, lật ngửa nón ra, cởi áo quần bỏ lên nón, Sáu Thân bảo Sơn, một tay bợ cái nón, một tay bám vai mình, phòng chỗ nước lút đầu, nhắm hướng cây ổi rừng mé bờ bên kia lội qua. Từ bờ sông Ba Kỳ, hai anh em đạp ruộng, đi thẳng vô Kỳ Bích. Đến bìa rừng sát chân núi, Sáu Thân nói với Sơn:

- Sống rồi! Sơn cười mà cái mặt méo như khóc: “Hổ về rừng làm sao chết được”! Lúc đó hai anh em mới sực nhớ còn ở truồng, vội mặc áo quần vào, nhắm chóp núi Tư Yên, đạp đá sỏi leo lên đèo. Hai bàn chân đau điếng, toát mồ hôi, ngồi nghỉ thì thấy trong góc núi thấp có cái nhà tranh, hai anh em đạp thẳng vô cái nhà tranh. Vào nhà thấy có bốn người, người đàn bà đã ngoài năm mươi, trông ốm yếu, đang nằm trên cái giường tre, một thanh niên là con trai của người đàn bà, và hai cô gái. Sáu Thân hỏi thăm dò: - Nghĩa quân ở đâu mà không thấy? Một cô gái nói: Lâu lâu nghĩa quân mới đến. -Thế du kích đâu?- Bữa ni họ càn.

Cách trả lời của cô gái và thái độ có phần sợ sệt nghi ngại của người thanh niên, Sáu Thân nghĩ, vùng dân cư kiểu này, địch gọi là vùng ‘‘mất an ninh’’, bên ta thì gọi là vùng ‘‘tranh chấp’’. Chuyện chưa đến đâu thì thấy cô gái đi ra sân, nghĩ bụng, cô gái đi báo với ai đó, Sáu Thân gọi: Này, đi đâu? Đứng im đó. Nói như lệnh vậy rồi hai anh em ra khỏi nhà đi thẳng vào núi Kỳ Thạnh. Lên đến lưng chừng núi, Sáu Thân thấy một cây cao, trèo lên quan sát. Nhìn xuống làng xa xa, nhìn qua cánh đồng thì thấy một người đàn ông đội nón lá, tay cầm cây roi với 5 con bò đang gặm cỏ.

Sáu Thân trèo xuống, nói với Sơn, ta lội ra gặp người giữ bò hỏi thăm sao. Đến nơi thì thấy ông lão bị cụt một chân, hỏi thì biết ông là người tốt, ông nói sáng nay có lính càn, anh em du kích chạy lên trên đỉnh Đèo Tư Yên. Sau này biết ông là cha của anh Đinh. Sáu Thân đề nghị ông tìm cán bộ thôn cho gặp. Ông già đưa con roi cho Sáu Thân, nói: Anh giữ giúp mấy con bò để ông đi tìm cán bộ thôn. Ông già đi một chặp thì quay lại, đi sau là hai thanh niên quần đùi đen, áo cánh nâu. Sáu Thân bảo Sơn ngồi im trong bụi cây, tư thế cảnh giác không để họ thấy, để anh lại gần xem hai thanh niên đi theo ông giữ bò là ai. Bò lại gần, Sáu Thân nhận ra một trong hai người là anh Tùng. Khi ba người đến sát, Sáu Thân đứng dậy.Tùng liền ôm chầm lấy anh, khóc nghẹn. Rồi họ vào nhà, được vợ chồng ông già nấu cơm ăn. Thời điểm này vào dịp Mồng Năm tháng năm, tức vào đầu tháng 6-1963...                      

Hồ Duy Lệ
(còn nữa)