Báo Công An Đà Nẵng

Sau vụ tấn công cơ sở dầu mỏ Saudi Arabia: Bóng ma chiến tranh ám ảnh Trung Đông

Thứ ba, 17/09/2019 12:27

Tổng thống Mỹ Donald Trump tối 15-9 đã tuyên bố trên Twitter rằng: Mỹ “có lý do để tin” kẻ chịu trách nhiệm vụ tấn công vào cơ sở lọc dầu của Saudia Arabia, đồng thời nhấn mạnh Washington hiện đã “khóa mục tiêu và lên nòng sau cuộc tấn công”.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy các mục tiêu bị tấn công tại cơ sở sản xuất dầu của Saudi Arabia.  Ảnh: CNN

Mỹ đã “khóa mục tiêu và lên nòng”

“Nguồn cung dầu mỏ Saudi Arabia bị tấn công. Có lý do để tin rằng chúng tôi biết đâu là thủ phạm. Chúng tôi đã khóa mục tiêu và lên nòng và giờ chỉ còn phụ thuộc vào việc xác nhận, nhưng vẫn đang chờ ý kiến từ Saudi Arabia để biết họ tin ai đứng sau vụ việc này và với điều kiện nào thì chúng tôi sẽ hành động”.

Bài đăng của ông Trump, dường như làm dấy lên nỗi ám ảnh về phản ứng của quân đội Mỹ khi giải quyết căng thẳng trong khu vực sau cuộc tấn công táo bạo vào các nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia hôm 14-9. Ông Trump đã sử dụng ngôn ngữ tương tự hồi tháng 6 khi ông tuyên bố tạm ngừng tấn công vào Iran để "nạp đạn" cho các cuộc tấn công tiếp theo vì ông quyết định sẽ đáp trả bằng việc gây ra nhiều cái chết tương xứng với việc Iran hạ gục máy bay không người lái của Mỹ.

Hôm 14-7, các cuộc tấn công phối hợp vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia -  một trong những trung tâm sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới – khiến nguồn cung dầu toàn cầu mỗi ngày mất đi 5%. Lực lượng nổi dậy Houthi ở Yemen, vốn được Iran hậu thuẫn, đã nhận trách nhiệm về các vụ tấn công.

Washington vẫn đổ lỗi cho Iran

Một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đổ lỗi cho Iran về các vụ tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia và lập luận, “không có bằng chứng nào cho thấy các cuộc tấn công đến từ Yemen”, một quan chức chính quyền cấp cao khác của Mỹ khẳng định: tuyên bố của ông Pompeo là hoàn toàn có cơ sở. Quan chức này đã cung cấp cho CNN một số hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy, các cơ sở dầu mỏ bị tấn công đến từ Iraq hoặc Iran.

Quan chức này chỉ ra góc độ mà các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia bị tấn công, số lượng điểm ảnh hưởng và thông tin khác để cho rằng không có khả năng các cuộc tấn công đã được thực hiện bởi Yemen. Thay vào đó, quan chức này cho rằng, cuộc tấn công rất có thể bắt nguồn từ Iran hoặc Iraq. "Rất khó để thấy những thứ này có thể đến từ bất cứ nơi nào ngoài Iran hay Iraq", quan chức này nói.

Quan chức này cho biết, 19 mục tiêu của Saudi Arabia bị tấn công hôm 14-9 và lập luận, lực lượng Houthi, bên tuyên bố họ sử dụng 10 máy bay không người lái, không thể tấn công số lượng lớn mục tiêu như vậy. Quan chức này dựa vào các hình ảnh vệ tinh thương mại chỉ ra rằng, "tất cả các vị trí bị ảnh hưởng của các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia đều ở phía tây bắc, điều này hơi khó thực hiện từ Yemen". Quan chức này không thể nói liệu máy bay không người lái từ Yemen có thể đã chuyển hướng để tấn công các cơ sở phía tây bắc hay không.

3 chuyên gia quân sự đã được CNN mời nhận xét về các bức ảnh vệ tinh này. Đại tá Cedric Leighton, một chuyên gia tình báo chuyên về hình ảnh, cho biết những hình ảnh này hỗ trợ cho tuyên bố của chính quyền Tổng thống Trump rằng, máy bay không người lái có khả năng đến từ Iraq hoặc Iran, nhưng cảnh báo rằng chúng không phải là bằng chứng tuyệt đối. "Đây là công việc của một “diễn viên” rất tinh vi. Bản chất chính xác của tình báo được sử dụng để tiến hành nhắm mục tiêu, và lên nhiệm vụ để tránh bị radar phát hiện, cũng như việc lựa chọn mục tiêu cho thấy rất có khả năng đó là công việc của một nhóm làm việc cho chính phủ hoặc một nhóm được chính phủ tài trợ”, ông Leighton nói. Trong khi đó, tướng Mark Hertling nói rằng những hình ảnh "thực sự không thể hiện bất cứ điều gì, ngoài việc cho thấy độ chính xác khá cao trong vụ tấn công các cơ sở dầu mỏ.

Và cho đến nay, Iran vẫn bác bỏ cáo buộc đứng sau vụ tấn công này.

AN BÌNH