Báo Công An Đà Nẵng

Saudi Arabia không kích ở Yemen

Thứ sáu, 27/03/2015 09:51

(Cadn.com.vn) - Vậy là cuối cùng, Saudi Arabia và các quốc gia liên minh trong Vùng Vịnh quyết định tham chiến ở Yemen, giúp chính phủ Sanaa chống lại các phiến quân Houthi.

Saudi Arabia dẫn đầu liên minh các nước bắt đầu không kích ở Yemen vào sáng 26-3 nhằm chống lại phiến quân Houthi, vốn đang bao vây thành phố phía nam Aden, nơi Tổng thống Mansour Hadi được Mỹ hậu thuẫn lánh nạn.

Các cuộc không kích diễn ra sau khi Đại sứ Saudi Arabia tại Washington, Adel al-Jubeir, chính thức tuyên bố về các hoạt động này. “Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì để bảo vệ chính phủ hợp pháp của Yemen”, ông Jubeir nói tại cuộc họp báo ở Washington.

Người dân mang thi thể một nạn nhân thiệt mạng ra khỏi ngôi nhà bị sập trong chiến dịch không kích của Saudi Arabia ở Yemen hôm 26-3. Ảnh: AP

YEMEN THÀNH “VÙNG CẤM BAY”

Saudi Arabia tuyên bố không phận của Yemen là “vùng cấm bay”.

Hình ảnh từ Đài truyền hình Al-Arabiya cho thấy, Riyadh đóng góp nhiều nhất là 150.000 binh sĩ và 100 máy bay chiến đấu trong các hoạt động tấn công ở Yemen. Không có xác nhận ngay lập tức về những con số này từ Riyadh. Trong khi đó, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) điều 30 máy bay chiến đấu tham gia các hoạt động tấn công, cùng với 30 máy bay khác từ Bahrain và Kuwait, 10 chiếc của Qatar, 3 chiếc của Jordan, Morocco cùng 3 chiếc từ Sudan. Trong khi đó, 4 tàu hải quân Ai Cập vượt qua kênh đào Suez hướng đến Yemen trong sứ mệnh đảm bảo an ninh cho Vịnh Aden.

Các máy bay chiến đấu tấn công các trại quân sự của Houthi ở thủ đô Sanaa, trong đó có căn cứ không quân Al-Dailamy ở phía bắc và phá hủy đường băng gần sân bay dân sự. Ngoài ra, các cuộc không kích còn nhằm vào các kho vũ khí tại căn cứ tên lửa ở phía nam Sanaa do lực lượng quân đội trung thành với cựu Tổng thống Saleh kiểm soát. Người ta có thể nghe thấy tiếng pháo phòng không rền vang khắp thủ đô. Các nước cũng tấn công nhằm vào thành phố Aden ở miền nam Yemen, nơi Tổng thống Hadi đang ẩn náu. Reuters dẫn lời một nhân chứng ở thủ đô cho biết, khoảng 5 ngôi nhà gần sân bay Sanaa bị phá hủy. Ít nhất 13 dân thường thiệt mạng, trong đó có một bác sĩ được kéo ra từ đống đổ nát của một bệnh viện.

Theo các nguồn tin, Saudi Arabia có thể cần phải mở chiến dịch tấn công trên bộ để khôi phục trật tự tại Yemen, quốc gia tuyên bố đóng toàn bộ các hải cảng chính do xung đột ngày càng leo thang.

NGUY CƠ CHO TRUNG ĐÔNG

Trong tuyên bố đầu tiên về các vụ không kích này, Tehran yêu cầu ngừng ngay lập tức mọi hành động quân sự tại Yemen, cảnh báo, động thái trên có khả năng làm phức tạp thêm vấn đề, cản trở nỗ lực giải quyết khủng hoảng bằng các biện pháp hòa bình.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nhấn mạnh, quốc gia Hồi giáo sẽ nỗ lực hết mình kiểm soát cuộc khủng hoảng tại Yemen. Iran cũng lên án gay gắt Saudi Arabia và các đồng minh, đồng thời cáo buộc đây là “hành động xâm lược được Mỹ hậu thuẫn”. Tuy nhiên, theo các nguồn tin, Saudi Arabia có tham vấn vấn đề tham chiến ở Yemen với Mỹ nhưng Washington tuyên bố không tham gia vào chiến dịch quân sự trên. Nhà Trắng chỉ ủng hộ hậu cần và tình báo.

Xung đột ở Yemen bắt đầu lan rộng trên khắp đất nước bán đảo Arab kể từ tháng 9-2014, khi các phiến quân Houthi chiếm giữ thủ đô Sanaa và tiến vào khu vực người Hồi giáo Sunni, buộc Tổng thống Hadi phải trốn khỏi thủ đô. Thực tế cho thấy, việc Yemen đang tiến gần đến cuộc nội chiến làm bùng nổ mặt trận khốc liệt trong cuộc cạnh tranh giữa phe Sunni ở Saudi Arabia với phe Shiite ở Iran, quốc gia mà Riyadh cáo buộc khuấy động xung đột giáo phái khắp khu vực.

Và cuộc khủng hoảng hiện nay có nguy cơ leo thang thành chiến tranh toàn khu vực nếu Tehran quyết định tham chiến giúp phe Houthi. Một cuộc xung đột mở rộng ở Yemen cũng có thể gây rủi ro cho nguồn cung dầu toàn cầu. Trên thực tế, giá dầu thô Brent tăng vọt lên gần 6% ngay sau khi Saudi Arabia bắt đầu không kích.

Khả Anh