Báo Công An Đà Nẵng

Saudi Arabia mạnh tay xóa tham nhũng

Thứ hai, 06/11/2017 14:20

11 hoàng tử, 4 Bộ trưởng đang tại nhiệm và hàng chục cựu Bộ trưởng bị bắt giam sau khi Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz al-Saud thành lập ủy ban chống tham nhũng.

Tỷ phú, Hoàng tử al-Waleed bin Talal, một trong những người bị bắt lần này.   Ảnh: Reuters

Ủy ban chống tham nhũng, do Thái tử Mohammed bin Salman lãnh đạo, có thẩm quyền điều tra, bắt giữ, ban hành lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản của những người được cho là tham nhũng. Sắc lệnh hoàng gia cho biết, ủy ban này được thành lập là cần thiết trong bối cảnh "nhiều quan chức có xu hướng lạm dụng, đặt lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích công cộng và trộm cắp quỹ công" và sẽ "theo dõi và chống lại nạn tham nhũng ở mọi cấp độ".

Saudi TV, cơ quan phát sóng chính thức của chính phủ Saudi Arabia cho biết, 3 bộ trưởng bị sa thải gồm: Bộ trưởng Kinh tế và Kế hoạch Adel bin Mohammed Faqih, Bộ trưởng Quốc phòng, Hoàng tử Miteb bin Abdullah bin Abdulaziz và Tư lệnh Hải quân, Đô đốc Abdullah bin Sultan bin Mohammed Al-Sultan. Truyền thông Arab Saudi đưa tin tỷ phú, Hoàng tử al-Waleed bin Talal, chủ Cty đầu tư Kingdom Holding, cũng bị bắt. "Quy mô đợt bắt người dường như chưa từng có trong lịch sử Arab Saudi hiện đại. Hoàng tử al-Waleed bin Talal nếu thực sự bị bắt sẽ tạo ra cơn chấn động với cộng đồng kinh doanh nội địa và nước ngoài", Kristian Ulrichsen, nhà nghiên cứu tại Viện Baker về Chính sách công, đại học Rice, Mỹ, cho biết.

Kingdom Holding hiện chưa có bình luận. Ngoài là một trong những cổ đông lớn nhất của Citigroup, Kingdom Holding còn có cổ phần trong tập đoàn truyền thông News Corp của tỷ phú Mỹ Rupert Murdoch và Twitter. Cổ phiếu của Kingdom Holding đã mất giá 9,9% trong phiên mở cửa của thị trường chứng khoán Saudi Arabia.

Theo một nguồn tin hàng không, Arab Saudi cấm bay đối với các phi cơ riêng tại thành phố Jeddah, dường như để ngăn nghi phạm rời đi.

Nỗ lực quét sạch tham nhũng

John Defterios, biên tập viên kỳ cựu CNN tại Saudi Arabia, cho biết nỗ lực quét sạch nạn tham nhũng lần này là một phần của cuộc cải tổ từ trên xuống dưới của Thái tử Mohammed bin Salman.

Vị thái tử 32 tuổi này từ lâu là một nhân vật nổi bật trong nền chính trị Saudi Arabia, được xem là một người nắm quyền lực then chốt đằng sau Quốc vương và là một nhà cải cách quan trọng. Từ khi được cho làm người kế vị hồi tháng 6, Thái tử Mohammed bin Salman xóa bỏ một số hạn chế đối với phụ nữ, thề sẽ tiêu diệt "các tư tưởng cực đoan" nhằm trả lại "một đất nước Hồi giáo ôn hòa". "Từ kế hoạch Tầm nhìn 2030 cho đến những cải cách xã hội, chẳng hạn như cho phép phụ nữ lái xe, và hiện giờ là phần thứ ba, mạnh tay loại bỏ tham nhũng tận gốc rễ", ông Defterios nhận định.

Theo ông Defterios, từ lâu đã có những lo ngại về tham nhũng ở Saudi Arabia. "Sự điều chỉnh giá dầu đã làm thay đổi cuộc chơi mà họ đã làm trong 20 năm qua. Đó là lý do tại sao, Thái tử muốn đa dạng hóa nền kinh tế và cố gắng loại trừ tham nhũng", ông Defterios cho biết.

Tạo môi trường đầu tư

Thái tử Mohammed bin Salman đang hướng đến chương trình cải cách kinh tế đầy tham vọng nhằm thu hút thêm đầu tư của khu vực tư nhân và nước ngoài vào Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới và là nước giàu nhất trong vùng Vịnh Arab.

Bộ Tài chính Saudi Arabia cho rằng, quyết định thành lập ủy ban chống tham nhũng và bắt giữ các nhân vật nổi bật đã khiến nền kinh tế Arab vững tin vào luật pháp. Quyết định này cũng góp phần giữ gìn môi trường đầu tư của Saudi Arabia.

AN BÌNH

Saudi Arabia chặn tên lửa bay gần thủ đô

Saudi Arabia cho biết nước này vừa chặn đứng một quả tên lửa đạn đạo từ Yemen bay gần thủ đô Riyadh.

Hãng thông tấn Al-Arabiya dẫn lời lực lượng phòng vệ Saudi Arabia cho biết, nước này vừa đánh chặn tên lửa được bắn đi từ khu vực đông bắc thủ đô của Yemen, sau một vụ nổ lớn gần sân bay ở Riyadh. Trong khi đó kênh truyền hình của nhóm phiến quân Houthi ở Yemen cho biết, tên lửa đã được bắn đi nhằm vào sân bay quốc tế King Khalid của Saudi Arabia. Một số nguồn tin cho biết, không có thiệt hại sau vụ việc.