Báo Công An Đà Nẵng

Sẻ chia gánh nặng với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản

Thứ hai, 04/12/2017 09:42

Cụm công trình nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) phụ nữ nhằm nâng cao chất lượng dân số của nhóm tác giả Trường Đại học Y Dược Huế do GS.TS.BS Cao Ngọc Thành - Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Huế, Chủ nhiệm đề tài thực hiện đã khẳng định vị thế ngành y học Việt Nam trên trường quốc tế. Với nhiều ứng dụng tiên tiến lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, cụm công trình này vừa vinh dự đón nhận giải thưởng Nhân tài Đất Việt.

BS Khoa Sản BV Trường ĐH Y Dược Huế đang tư vấn cho bệnh nhân.

Từ phác đồ dự phòng tiền sản giật...

Theo GS Cao Ngọc Thành, ngành Y tế Việt Nam nói chung và ngành sản phụ khoa nói riêng đã đạt được những thành tựu to lớn trong công tác CSSK bà mẹ trẻ em. Tuy nhiên, tiền sản giật - sản giật (TSG-SG) tại nước ta vẫn là một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm nhất. Những phụ nữ có bệnh lý này thường đến bệnh viện (BV) muộn, giai đoạn đã có bệnh lý rồi. Trong khi đó, những nghiên cứu về mặt nguyên nhân sinh bệnh TSG-SG vẫn có nhiều vấn đề bỏ ngỏ. Với mong muốn được sẻ chia gánh nặng của phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, nhóm tác giả Trường ĐH Y Dược Huế đã nghiên cứu mới và chuyên sâu về bệnh lý TSG- SG. Đây là bệnh lý thường gặp và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ và thai nhi trong thai kỳ.

GS Cao Ngọc Thành cho biết, trong thời gian nghiên cứu, đề tài đã sàng lọc, theo dõi gần 3.500 thai phụ tuổi thai từ 11-13+6 tuần thai kỳ; xây dựng mô hình dự báo có tỷ lệ phát hiện TSG phát triển trước 34 tuần lên đến 81,8%, tỷ lệ phát hiện TSG phát triển sau 34 tuần là 45,6% chỉ với tỷ lệ dương tính giả 5%. Kết quả sàng lọc vượt trội so với các phương pháp sàng lọc truyền thống. Qua đó, mô hình này đặc biệt hiệu quả cao đối với nhóm bệnh lý TSG xuất hiện sớm, đây là nhóm bệnh đi kèm với tình trạng diễn biến nặng cũng như kết quả thai kỳ bất lợi. Đây là mô hình sàng lọc kết hợp được nghiên cứu áp dụng đầu tiên tại nước ta cũng như công trình nghiên cứu về TSG trên cỡ mẫu lớn nhất được công bố ở Việt Nam…

Trên cơ sở dự báo sự hình thành TSG tại thời điểm 11-13+6 tuần thai kỳ, đề tài đã thực hiện thử nghiệm ngẫu nhiên về hiệu quả dự phòng TSG bằng aspirin liều thấp và bổ sung canxi. Kết quả nghiên cứu cho thấy, can thiệp aspirin liều thấp làm giảm 69% tỷ lệ TSG, trong khi bổ sung canxi làm giảm 49% tỷ lệ TSG. Như vậy, nghiên cứu khẳng định có thể tiếp cận điều trị dự phòng bệnh lý TSG ngay ở giai đoạn sớm trong thai kỳ mang thai trên nhóm đối tượng nguy cơ cao. Đây là phác đồ đầu tiên được đưa ra dựa trên dữ liệu nghiên cứu chính thức trên quần thể thai phụ tại Việt Nam.

"Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh sàng lọc trước sinh và sơ sinh, với lần khám sàng lọc đầu tiên ở tuổi thai 11-13+6 tuần thai kỳ là thời điểm áp dụng sàng lọc từ rất sớm trong thai kỳ những thai phụ có nguy cơ cao hình thành TSG và cho phép có khuyến cáo can thiệp dự phòng và quản lý hợp lý hơn, qua đó giúp làm giảm tỷ lệ bệnh tật cho bà mẹ và trẻ sơ sinh. Với kết quả đạt được, dữ liệu nghiên cứu đề tài đã trình Bộ Y tế tham khảo để đưa vào hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc SKSS cho sàng lọc và dự phòng bệnh lý TSG. Kết quả đề tài là cở sở khoa học để áp dụng vào công tác chăm sóc thai kỳ tại BV Trường Đại học Y dược Huế", GS Cao Ngọc Thành cho hay.

… đến dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung

Nằm trong cụm công trình được tôn vinh Nhân tài Đất Việt, công trình nghiên cứu ứng dụng phương pháp điều trị vô sinh do vòi tử cung - phúc mạc bằng phẫu thuật nội soi ở miền Trung - Tây Nguyên do Trường Đại học Y Dược - ĐH Huế chủ trì, có sự tham gia và phối hợp thực hiện của BVT.Ư Huế và BV Đà Nẵng. GS Cao Ngọc Thành cho biết: Đề tài đã phát hiện một số yếu tố nguy cơ và nguyên nhân liên quan đến vô sinh do vòi tử cung - phúc mạc. Các nguyên nhân chủ yếu như: nhiễm trùng, tiền sử phẫu thuật, do bệnh lý lạc nội mạc tử cung. Đề tài cho thấy hiệu quả của phương pháp phẫu thuật nội soi trong điều trị vô sinh do vòi tử cung - phúc mạc với tỷ lệ thông vòi tử cung sau phẫu thuật (79,5%), tỷ lệ có thai trong buồng tử cung sau mổ là 21,4%...

Một đề tài cuối cùng nằm trong cụm công trình nghiên cứu được trao giải Nhân tài Đất Việt là tình hình nhiễm Human Papilloma Virus (HPV) sinh dục và tổn thương cổ tử cung của phụ nữ và đề xuất giải pháp phòng chống. Đề tài được các BS Trường ĐH Y Dược Huế thực hiện nghiên cứu cộng đồng tại các huyện: Nam Đông, Phú Vang và TP Huế (TT-Huế). Đề tài khẳng định tính khả thi và giá trị của xét nghiệm Human Papillomavirus sinh dục các tuýp nguy cơ cao ở phụ nữ và đặc biệt là phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung (VIA) trong phát hiện các tổn thương cổ tử cung ở phụ nữ độ tuổi sinh đẻ và các yếu tố liên quan. Từ đó, giúp đưa ra một số giải pháp phòng chống nhiễm HPV sinh dục nữ cho người dân và giúp triển khai ứng dụng rộng rãi để sàng lọc ung thư cổ tử cung tại các hệ thống y tế trên địa bàn TT-Huế, đặc biệt là ở tuyến huyện và xã, nơi nguồn lực còn hạn chế.

"Công trình đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá loại xuất sắc và được tặng Giải thưởng Cố đô về khoa học và công nghệ tỉnh TT-Huế lần thứ III, năm 2017. Công trình là cơ sở quan trọng giúp phát triển kế hoạch hành động quốc gia về dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung giai đoạn 2016 - 2020 đã được Bộ Y tế ban hành vào tháng 9-2016. Đến nay, công trình đã được triển khai đến 63 tỉnh, thành trong toàn quốc", Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Huế - GS Võ Tam thông tin.

H.LAN