Báo Công An Đà Nẵng

DỰ ÁN MỞ RỘNG QUỐC LỘ 1A ĐOẠN QUA QUẢNG NAM:

Sẽ đối thoại với người khiếu nại lần cuối trước khi cưỡng chế

Thứ ba, 27/01/2015 10:38

(Cadn.com.vn) - Theo kế hoạch, tháng 6-2014, tất cả các địa phương tại Quảng Nam phải bàn giao mặt bằng để thi công công trình Dự án mở rộng QL1A đoạn qua các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành. Thế nhưng, đến nay vẫn còn nhiều hộ không chịu nhận tiền đền bù hoặc nhận tiền nhưng không bàn giao mặt bằng đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công...

Toàn tuyến mở rộng QL1A đoạn qua tỉnh Quảng Nam có 6.100 hộ bị ảnh hưởng, giải tỏa một phần đất hoặc vật kiến trúc trên đất. Dự án do 2 nhà thầu chính thực hiện là Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 5 và Công ty Xây dựng công trình 545. Sau 1 năm tiến hành giải tỏa, đền bù, đa số hộ dân đã chấp hành tốt chủ trương của Nhà nước, bàn giao mặt bằng sạch cho chính quyền địa phương và đơn vị thi công. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 100 hộ đã nhận tiền đền bù vẫn không chịu bàn giao mặt bằng hoặc không chịu nhận tiền và bàn giao mặt bằng, cụ thể, tại H. Thăng Bình còn 112 hộ, H. Núi Thành 42 hộ.

Những hộ dân cố tình không bàn giao mặt bằng để thi công Dự án mở rộng QL1A đều đưa ra nhiều lý do nhưng theo bà Lê Thị Thanh Mai, Phó Chủ tịch UBND H. Thăng Bình, thì tựu trung vẫn là vấn đề yêu cầu đòi tăng diện tích, tăng số tiền đền bù hoặc đòi hỏi phải đền bù tất cả diện tích đất bị thu hồi theo giá đất ở… Tại buổi làm việc với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng ngày 21-1, bà Mai cho hay, đối với mỗi trường hợp cụ thể có những tình tiết khác nhau và căn cứ vào những quy định của pháp luật chính quyền địa phương để có biện pháp giải quyết phù hợp nhưng trước hết phải đảm bảo tính khách quan, trung thực và đúng pháp luật. Cụ thể, UBND H. Thăng Bình đã nhiều lần tổ chức đối thoại trực tiếp từng hộ dân (mỗi hộ không dưới 3 lần) để lắng nghe ý kiến và tìm ra biện pháp giải quyết thích hợp song vẫn còn nhiều đối tượng không đồng ý, tỏ thái độ quá khích…

Ghi nhận của P.V tại hiện trường, với đoạn đường chưa đầy 4km từ khu vực giáp ranh giữa xã Quế Cường (H. Quế Sơn) đến TT Hà Lam (H. Thăng Bình) có hơn vài chục biểu ngữ, băng-rôn được các hộ dân treo trước nhà, trên cột điện với nội dung: “Đất đền bù trái pháp luật, không được thi công”… để tỏ thái độ chống đối. Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, những nội dung được nêu trong đơn, thư khiếu nại của 112 hộ dân ở H. Thăng Bình đều có những điểm giống nhau: Yêu cầu cơ quan chức năng phải công nhận tất cả diện tích đất họ đang sử dụng là đất ở để được Nhà nước bồi thường với mức 100%. Yêu cầu các cơ quan chức năng không được trừ 2m phần lộ giới đường bộ…

Một số hộ không chịu nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng.

Cụ thể, trường hợp các hộ Trần Tui, Trần Công yêu cầu: không thống nhất việc hỗ trợ 80% mà phải bồi thường 100%; trường hợp bà Dương Thị Cúc: gia đình bị ảnh hưởng 53,2m2 đất nhưng chỉ đền bù 25m2 là không đúng thực tế; bà Nguyễn Thị Nhì khiếu nại: đề nghị được hỗ trợ 100% đất diện tích đất bị ảnh hưởng; bà Phan Thị Lài yêu cầu xác định lại thời gian sử dụng đất để bồi thường thiệt hại đúng quy định…

Với những yêu cầu đó, bà Lê Thị Thanh Mai cho biết: Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể để có phương pháp giải quyết khác nhau và đã vận dụng những gì có thể được pháp luật cho phép để tăng mức đền bù cho người dân. Tuy nhiên, tất cả việc giải quyết này phải dựa trên những chứng cứ có trong hồ sơ, như: Hồ sơ xin đăng ký quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… nhằm xác định thời gian sử dụng và mục đích sử dụng diện tích đất thu hồi là đất ở hay đất trồng cây lâu năm để áp giá cho phù hợp. Mặc dù đã được UBND huyện và các cơ quan giải quyết một cách thấu tình, đạt lý nhưng 112 hộ dân nói trên vẫn không đồng ý.

Về biện pháp giải quyết những khiếu nại của người dân để Dự án mở rộng QL1A được thực hiện đúng tiến độ, bà Mai cho biết: Ngày 15-1-2015, ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp, cụ thể: Chốt danh sách các hộ chưa bàn giao mặt bằng và phân loại đối tượng để có biện pháp giải quyết; tổ chức vận động người dân tự nguyện bàn giao mặt bằng, trong trường hợp cần thiết sẽ tổ chức lực lượng bảo vệ để nhà thầu tiến hành thi công công trình; UBND H. Thăng Bình tổ chức đối thoại lần cuối cùng để giải thích, vận động người dân nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng. Đối với các hộ kiên quyết không chấp hành, UBND huyện phải hoàn tất các thủ tục cần thiết để tổ chức cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Đối với những trường hợp có nhu cầu khởi kiện ra tòa, các cơ quan chức năng cần hướng dẫn rõ những thủ tục, cung cấp đầy đủ các loại giấy tờ cần thiết để họ khởi kiện theo đúng quy định…

Theo chúng tôi, thông qua những buổi đối thoại trực tiếp, cho thấy các cơ quan chức năng tại Thăng Bình đã làm hết chức trách của mình và đưa ra những biện pháp giải quyết thấu tình, đạt lý. Vì vậy, những hộ dân chưa chịu bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công Dự án mở rộng QL1A đoạn qua H. Thăng Bình cần có sự đồng thuận cùng chính quyền để công trình mang tính trọng điểm này hoàn thành đúng tiến độ nhằm phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

M.T