Báo Công An Đà Nẵng

Sẽ không còn chuyện GDP các địa phương cao ngất ngưởng

Thứ bảy, 09/08/2014 06:46

(Cadn.com.vn) - Trong ngày làm việc thứ 2 Hội nghị ngành Kế hoạch và Đầu tư toàn quốc diễn ra tại Đà Nẵng 8-8, các đại biểu đã tập trung bàn thảo sâu về luật Đấu thầu, luật Đầu tư công và cách tính GDP của địa phương.

Hết thời GDP ảo

Ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, sở dĩ có chuyện GDP các địa phương luôn cao ngất ngưởng so với GDP chung của cả nước là bởi nguồn thông tin đầu vào để biên soạn bất cập.

Chẳng hạn một DN có trụ sở, đăng ký tại một tỉnh nhưng có nhiều chi nhánh ở các tỉnh, dẫn tới nhiều tỉnh đều “ghi nhận” thành tích của DN đó. Mặt khác, việc tính chỉ tiêu tăng trưởng của một số địa phương chịu ảnh hưởng mục tiêu phát triển KT-XH của từng thời kỳ của địa phương đó đề ra.

Mà công tác xây dựng kế hoạch hằng năm và 5 năm không dựa trên cơ sở nguồn lực thực tế của địa phương mà thường đề ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cao từ 11-13%, cá biệt tới 15%, cao hơn nhiều so với mục tiêu tăng GDP toàn quốc do Đại hội Đảng thông qua. Từ thực tế đó, số liệu GDP của các địa phương báo cáo lên rất cao, nhưng không phản ánh đúng thực tế, hay nói cách khác GDP ảo. Với phương pháp làm mới, các địa phương sẽ cung cấp số liệu lên cho Tổng cục Thống kê để Tổng cục tính chứ không để các địa phương tự tính như trước.

Ông Võ Thành Hạo, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho rằng, việc tính lại GDP địa phương theo phương pháp mới là cần thiết. Vấn đề không phải số liệu thấp hay cao, quan trọng là số liệu đó phải phản ánh chính xác để các địa phương có thể căn cứ hoạch định chiến lược phát triển của địa phương mình.

Đồng quan điểm, ông Văn Hữu Chiến- Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng cách tính GDP địa phương mới này phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo sự chính xác, cần thiết. Tuy vậy ông Chiến đề nghị phải có một bộ tiêu chí thống nhất cho tất cả các địa phương trong cách tính này vì các địa phương có những đặc trưng, ưu thế phát triển riêng, không giống nhau.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết việc chuyển đổi cách tính GDP từ các địa phương hiện nay lên Tổng cục Thống kê khá nhạy cảm nhưng vẫn phải làm, bởi vì nếu cứ để tình trạng thế này thì các địa phương cứ tính sai GDP, dẫn đến sự hiểu lầm, tưởng tăng trưởng 13% nhưng không phải vậy.

Chẳng hạn các tỉnh có cửa khẩu như TPHCM, Hà Nội, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh... mỗi năm xuất khẩu đi 3 – 5 tỉ USD nhưng đó không phải do các địa phương đó làm ra mà do các tỉnh thành khác sản xuất nhưng lại tính do mình làm ra. Như vậy là cả nước đã tính nhưng địa phương lại vẫn tính, thành ra tăng trưởng ảo. Mà hệ quả của tăng trưởng ảo thì rất lớn. Chúng ta đưa số liệu này vào nghị quyết rồi lấy đó làm mục tiêu chạy theo để phấn đấu là không đúng.

Mặt khác, tỉnh nào cũng tăng GDP từ 10-15% mà cả nước chỉ có 5-7%, quốc tế họ nhìn chúng ta thấy buồn cười lắm. Vì những lý do đó phải thay đổi cách tính GDP địa phương theo hướng Tổng cục Thống kê sẽ nhận số liệu từ các địa phương, sẽ loại những số liệu trùng nhau sau đó thống nhất lại lần cuối, so sánh với GDP chung của cả nước để có một công bố chính thức GDP của từng địa phương.

Đây là lúc phải thay đổi

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, đây là thời điểm chúng ta cần tăng cường dân chủ, tái cấu trúc nền kinh tế mạnh mẽ. Muốn làm được thế thì phải sửa luật, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, tạo sức hấp dẫn để thu hút các nguồn lực  đầu tư phát triển KT-XH.

Chẳng hạn luật Đấu thầu mà Hội nghị nói đến rất nhiều, Bộ trưởng Vinh nói, luật này đã đem lại hiệu quả thiết thực trong thời gian qua. Nhiều nước đang quan tâm đầu tư vào Việt Nam do đó luật Đấu thầu là công cụ thiết thực để thu hút đầu tư. Chúng ta cứ kêu gọi đầu tư nhưng những công cụ pháp lý để tạo sự bình đẳng, khách quan vẫn còn hạn chế, đó là lý do nhiều nhà đầu tư ngần ngại.

Với luật Đấu thầu mới sẽ có sự minh bạch, khoa học, các nhà đầu tư được bình đẳng, khách quan và hoàn toàn có thể yên tâm đấu thầu, đầu tư triển khai dự án. Đại diện Bộ Y tế cũng cho rằng việc triển khai luật Đấu thầu mới tạo sự khách quan, minh bạch và tiết kiệm được ngân sách. Thời gian qua Bộ Y tế đã triển khai một dự án áp dụng luật Đấu thầu mới và tiết giảm kinh phí hơn 2 tỷ đồng so với cách làm cũ.

Về vấn đề triển khai đầu tư công trung hạn, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đặt yêu cầu các địa phương không phải chờ đến khi ban hành luật Đầu tư công 1-1-2015 mới triển khai mà phải bắt tay làm ngay từ bây giờ. Cụ thể, các địa phương phải chốt lại nợ và có kế hoạch trả nợ cụ thể; phải nghiên cứu lập kế hoạch những dự án quan trọng thiết yếu cần ưu tiên, để khi có nguồn vốn cấp đầu tư công trung hạn chúng ta tiến hành làm ngay.

Bộ trưởng Vinh cũng lưu ý, để có thể triển khai hiệu quả kế hoạch 5 năm, kế hoạch đầu tư công 5 năm đòi hỏi các địa phương phải thay đổi tư duy, cách làm kế hoạch. Khó cũng phải làm nhưng không được làm một cách tùy tiện. Phải tính toán hiệu quả thật chắc chắn mới quyết định làm hay không.

Hải Hậu