Báo Công An Đà Nẵng

Sẽ thanh tra toàn diện hoạt động của các tổ chức tín dụng

Thứ năm, 19/06/2008 00:00

(Cadn.com.vn) - Sau hơn một tuần, thực hiện chính sách điều chỉnh lãi suất cơ bản lên 14%/năm và không được thu phí cho vay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, đến nay thị trường huy động vốn đã hình thành mặt bằng lãi suất mới, khá ổn định. Mức lãi suất huy động chung của các ngân hàng thương mại (NHTM) đã phần nào đáp ứng yêu cầu lãi suất thực dương của người gửi tiền. Về lãi suất cho vay, hầu hết các NHTM đã điều chỉnh tăng sát hoặc bằng mức tối đa 21%/năm.

Bên cạnh đó, NHNN vẫn tiếp tục triển khai các phiên chào mua giấy tờ có giá với khối lượng tương đối lớn, từ 6.000-15.000 tỷ đồng/phiên, kỳ hạn 7 ngày với lãi suất bằng lãi suất tái cấp vốn. NHNN cũng đang hỗ trợ các NHTMCP nhỏ qua kênh tái cấp vốn để đảm bảo thanh khoản. Theo NHNN Việt Nam, hiện tại số dư tiền gửi bình quân của hệ thống tổ chức tín dụng tại NHNN đã dư thừa so với dự trữ bắt buộc cần duy trì. Lãi suất liên ngân hàng cũng đã ổn định, mức giao dịch phổ biến 18%/năm (kỳ hạn 1 tháng)...

Riêng lãi suất huy động, mức điều chỉnh tăng lại tùy theo từng khối ngân hàng. Đối với khối NHTM Nhà nước, lãi suất huy động được điều chỉnh tăng từ 1,5-2%/năm, mức cao nhất là 17%/năm như lãi suất huy động VND kỳ hạn 6 tháng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là 17%/năm; Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) lãi suất VND cao nhất là 16%/năm. Khối NHTMCP vẫn huy động với lãi suất tăng tương đối cao từ 1,0-3,8%/năm, phổ biến ở mức 17% - 18%/năm, trong khi đó, mức điều chỉnh tăng lãi suất huy động của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài vẫn ở mức thấp, chỉ tăng khoảng 0,5%/năm.

Tuy nhiên, không phải NHTM nào cũng điều chỉnh lãi suất theo hướng tăng cao ngất ngưởng. Chỉ sau hai ngày đưa lãi suất huy động lên đến 19,2%/năm qua hình thức Tiết kiệm siêu lãi suất, NHTMCP Đông Nam Á (SeABank) đã quyết định ngừng chương trình này. Hiện lãi suất cao nhất tại SeABank 17,52%/năm, áp dụng cho khách hàng gửi 2 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 3-7 tháng. Các ngân hàng đã bắt đầu chuyển hướng huy động vốn tập trung cho kỳ hạn dài, đồng thời đưa ra các điều kiện để hạn chế khách hàng rút tiền trước hạn. NHTMCP Á Châu (ACB) đã ra thông báo về chính sách tiền gửi “lãi suất vượt trội”, nếu khách hàng cam kết tất toán đúng hạn sẽ được hưởng lãi suất cao hơn 0,5%/năm so với lãi suất tiền gửi kỳ hạn tương ứng. Cùng với mức lãi suất 17,8%/năm, NHTMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) áp dụng cho chương trình khuyến mãi “Cơn mưa vàng” còn NHTMCP Kỹ Thương (Techcombank) là sản phẩm “Tiết kiệm phát lộc”. Điều kiện chung của các ngân hàng là khách hàng không được rút tiền trước hạn. Trường hợp khách hàng có lý do đặc biệt cần rút trước hạn, Techcombank sẽ cho thế chấp sổ để vay tiền, số tiền vay tối đa 95% giá trị sổ tiết kiệm.

Chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng không còn đáng kể -
niềm tin đã trở lại với người đi vay tiền.

Điều đó chứng tỏ rằng, sau khi nghe ngóng phản ứng của thị trường, hầu hết NHTM đã điều chỉnh lãi suất huy động vốn cả VND, vàng và USD. Lần điều chỉnh này, các NHTM đều nhìn nhau để đưa ra biểu lãi suất phù hợp, không quá cao nhưng cũng đủ để hấp dẫn khách hàng. Một mặt bằng lãi suất mới được thiết lập, khoảng cách lãi suất giữa các khối không còn sự cách biệt đáng kể và thị trường huy động vốn đang dần đi vào ổn định.

Thời gian qua, thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam có nhiều biến động, từ cơ chế điều hành chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ để tăng cường các biện pháp kiềm chế lạm phát đến hoạt động quản lý, kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD), điều đó dẫn đến một số ngân hàng đua nhau tăng lãi suất, thu phí cho vay, mất tính thanh khoản... làm ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội. Do đó, đầu tháng 7-2008 tới, NHNN Việt Nam sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra, đánh giá một cách toàn diện hoạt động của các TCTD trên toàn quốc. NHNN sẽ thành lập nhiều đoàn thanh tra để tiến hành đồng thời, trọng tâm là các NHTM trên địa bàn TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Cùng với việc đánh giá hoạt động thực tế, xử lý các vi phạm của các TCTD; các đoàn thanh tra sẽ tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của TCTD trong thực hiện cơ chế, chính sách... Qua đó, kịp thời điều chỉnh nhằm thúc đẩy hoạt động ngân hàng phát triển an toàn, hiệu quả và bền vững trong thời gian tới.

Ngọc Tam