Shangri-La và an ninh Châu Á
(Cadn.com.vn) - Vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại biển Đông, biển Hoa Đông cùng mối lo an ninh cho Châu Á được cho sẽ là chủ đề bao trùm Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Châu Á (Đối thoại Shangri-La) lần thứ XIII diễn ra tại Singapore từ ngày 30-5 đến 1-6.
Vì sao như vậy? Bởi lẽ, tâm điểm an ninh khu vực hiện đang tập trung ở biển Đông sau khi Trung Quốc triển khai giàn khoan dầu Hải Dương-981 đến vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, làm bùng nổ căng thẳng. Động thái này được nhiều nhà bình luận ví như là chương mới nhất trong phương pháp tiếp cận ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh đối với lợi ích trong khu vực.
Theo Diplomat, từ cuối những năm 1990-2000, Trung Quốc thực hiện "cuộc tấn công quyến rũ" trong khu vực khi tìm cách phát triển quan hệ tốt với tất cả các nước láng giềng. Tuy nhiên, từ khoảng cuối năm 2009, Bắc Kinh kết thúc giai đoạn này, và có những hành động quyết đoán vô lý trong các tranh chấp với các quốc gia Châu Á, phủ bóng mây u ám lên bầu trời an ninh khu vực. Không kể những hoạt động vô lý ở biển Hoa Đông, "Hải Dương-981" đang ngày càng minh chứng một Trung Quốc ngày càng "lên gân" và gây bất ổn cho khu vực.
Nhưng cái lợi của Bắc Kinh luôn biết lái vấn đề theo hướng tích cực cho họ và đổ mọi tội lỗi cho các nước khác. Một ví dụ điển hình của việc này là cách tiếp cận của Bắc Kinh tại Shangri-La sắp tới.
Đối thoại Shangri-La là cơ hội cho các bộ trưởng quốc phòng Châu Á, các quan chức, chuyên gia và chính sách để trao đổi về tất cả các vấn đề an ninh trong khu vực. Nhưng Shangri-La năm nay đặc biệt khiến Bắc Kinh nóng mặt vì Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trở thành trung tâm sân khấu khi là diễn giả chính ngay trong đêm khai mạc.
Giới quan sát mong đợi bài phát biểu của ông Abe sẽ đề cập tới tình hình căng thẳng đang gia tăng tại khu vực Châu Á do các cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với một số quốc gia láng giềng trong thời gian gần đây. Ngoài ra, giới quan sát cũng trông đợi nhiều vào bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tại phiên họp toàn thể về chủ đề "Đóng góp của Mỹ vào ổn định ở khu vực" vào sáng 31-5.
Tại thời điểm căng thẳng tăng cao giữa Trung-Nhật, vai trò của ông Abe trở thành cú đấm vào tham vọng của Bắc Kinh. Ông Abe từng phát biểu coi hành động đặt giàn khoan Hải Dương -981 ở vùng biển Việt Nam là cuộc xâm lược và nhấn mạnh, khu vực này đang đối mặt với thời điểm năm 1914. Cụ thể hơn, ông đang nới lỏng những giới hạn lâu dài trên sức mạnh quân sự của Nhật Bản với mục tiêu "đứng lên".
Đã có nhiều suy đoán, Bắc Kinh có thể tẩy chay Shangri-La năm nay để phản đối sự xuất hiện của ông Abe. Nhưng không. Hiện, Bắc Kinh thay vì gửi báo cáo danh sách phái đoàn lớn tham dự, chỉ có tên người đại diện, bà Fu Ying - Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao của Quốc hội Trung Quốc. Bà Fu Ying được cho là người có cách tiếp cận mềm mỏng hơn.
Tuy nhiên, vẫn có bàn tay sắt bên dưới "găng tay nhung" này. Ở đỉnh cao tranh chấp biển Đông năm 2012, bà Fu Ying cảnh báo Manila "không đánh giá sai tình hình" và "không leo thang căng thẳng mà không xem xét hậu quả". Bà Fu Ying cũng mạnh mẽ với Tokyo khi hồi đầu năm nay công khai chỉ trích quá khứ quân phiệt của Nhật Bản.
Mặc dù do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tổ chức và trên danh nghĩa độc lập, Bắc Kinh thấy Shangri-La là sự phản ánh của hiện trạng và củng cố sự thống trị khu vực của Mỹ. Và Trung Quốc thì lại muốn thay đổi hiện trạng theo cách riêng của mình.
Thanh Văn