Shisha - thú chơi tiềm ẩn nguy cơ sử dụng ma túy (2)
* Bài cuối: Nguy cơ ma túy “núp” bóng shisha
(Cadn.com.vn) - Cái sự "sang", "chảnh" mà nhiều bạn trẻ nói thì chưa thấy đâu nhưng chúng tôi nghĩ "hút thuốc luôn có hại cho sức khỏe". Ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe, một số đối tượng đã lợi dụng việc hút này để cho thêm các loại ma túy như: cần sa, ma túy đá vào bình shisha để tăng thêm độ phấn khích. Như vậy có thể tạm khẳng định, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và tội phạm khi sử dụng shisha là rất lớn...
Shisha vốn được nhập từ Arab, có tẩm các hương liệu trái cây. Ở Việt Nam, shisha được dùng như một loại thuốc lào, thuốc lá nhưng gây cảm giác khoan khoái và "phê" hơn nhiều. Qua tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các cửa hàng, địa điểm kinh doanh shisha đều khẳng định nguồn hàng của mình được nhập trực tiếp từ Saudi Arabia - nơi khai sinh của shisha. Tuy vậy, quá trình tìm hiểu về mặt hàng này cho thấy, phần lớn shisha lưu thông trên thị trường Việt Nam hiện nay chủ yếu được nhập về từ Trung Quốc, vì shisha nhập từ Trung Quốc có giá rẻ hơn nhiều so với nhập từ Arab hay Malaysia. Chính vì giá rẻ nên chất lượng thế nào thì chỉ có... người sản xuất mới biết. Riêng các loại bình sử dụng shisha có giá dao động từ 500.000-1.000.000 đồng, thậm chí có thể lên đến 5-6 triệu đồng/bình. Tại khu vực TP Đà Nẵng, shisha được bán khá phổ biến tại một số quán cà-phê, bar như đã nói ở kỳ trước, thậm chí có thể được giao tận nơi nếu khách có nhu cầu tuy nhiên vẫn chưa thấy sự kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng.
Bình shisha cỡ lớn do Nam gọi tại quán Karaoke-nhà hàng K.G. |
Về góc độ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhiều người lầm tưởng là khói từ shisha ít nguy hiểm hơn nhiều so với khói thuốc lá, bởi hơi nước do shisha tạo ra làm cho khói bớt khó chịu và gây ra cảm giác an toàn giả tạo, bớt lo lắng về tác hại thực sự đối với sức khỏe. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng, việc hút shisha cũng tàn phá sức khỏe y như hút thuốc lá và một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới cũng xác nhận kết quả này. Theo một số tài liệu chúng tôi tìm hiểu được cho thấy, khói shisha cũng "tàn phá" sức khỏe tương đương với khói thuốc lá. Thậm chí, trong một lượt hút shisha kéo dài một giờ, người hút sẽ phải hít một lượng khói nhiều gấp 100 - 200 lần và một lượng nicotine gấp 1,7 lần trong một điếu thuốc lá. Điều này gây ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng tới hệ hô hấp và hệ thần kinh. Nó chính là nguyên nhân dẫn đến các căn bệnh nguy hiểm về tim mạch, thần kinh, hô hấp… Thậm chí, hút shisha còn có nguy cơ gây ra các căn bệnh về răng miệng, bệnh ung thư phổi cho người sử dụng nhiều gấp 5 lần so với người không hút.
Shisha được rao bán trên mạng với giá 50.000 đồng/gói. |
Tuy nhiên, để thu hút khách hàng, một số nơi đã sử dụng "chiêu thức" chế shisha. Vì thế, không chỉ độc hại từ shisha "nguyên chất", người sử dụng còn có thể gặp nguy hiểm từ những thứ được chế vào đó như rượu, ma túy… nếu tiếp xúc với thú vui này. Cụ thể, rượu khi được chế vào shisha có thể gây dị ứng cho người hút, dẫn đến các triệu chứng như rát cổ, tê họng, bỏng… Thậm chí, nếu sử dụng phải rượu giả hoặc rượu không thích hợp, người hút còn có thể bị sốc, ngạt thở, trụy tim, suy hô hấp, nếu không được cấp cứu kịp thời còn có thể bị tử vong.
Bảng niêm yết bán công khai shisha tại quán cà-phê D. |
Dưới cái nhìn của nhiều người, shisha không gây nghiện và khá "an toàn". Tuy nhiên, sự thật thì hoàn toàn ngược lại, nó có thể gây ra những mối nguy hiểm rất khó lường. Đó chưa hẳn đã hết, bởi bản thân cấu tạo của bình hút shisha phải đốt bằng than, tạo nhiệt làm chín hương liệu cũng tương tự như việc sử dụng ma túy "đá" (ma túy tổng hợp) hoặc cỏ (cần sa, bồ đà) của các con nghiện để tăng thêm độ "phê"… thì nguy cơ gây nghiện sẽ rất lớn, ngoài ra còn đối mặt với việc xử lý của pháp luật.
CAP Bình Thuận làm việc với đối tượng hút shisha có trộn lẫn cần sa. |
Để tìm hiểu thêm việc sử dụng kèm các chất ma túy trong khi hút shisha, qua lời giới thiệu, tôi tìm gặp M., một tay chơi khá sành điệu về món shisha và các thú chơi kèm theo món này. M. khẳng định, "cỏ" (cần sa-P.V) thì có thể cho vào chứ nếu cho "đá" vào shisha thì sẽ rất tốn kém, bởi 1 bình shisa có thể cháy cả giờ đồng hồ, trong khi đó nếu chỉ cho vào 1 vài "chấm đá" thì chẳng ăn thua gì". M. nói là vậy nhưng tôi cũng thừa hiểu với dân chơi thì "không sợ gì mưa rơi".
Trên thực tế, qua công tác rà soát, phát hiện các con nghiện trên địa bàn TP Đà Nẵng và Q. Hải Châu, CA các đơn vị, địa phương cũng đã phát hiện nhiều đối tượng hút shisha có trộn lẫn cần sa để tăng tính kích thích. Mới đây nhất, vào sáng 31-1, CAP Bình Thuận (Q. Hải Châu) tiến hành gọi, thử test các đối tượng có dấu hiệu sử dụng chất ma túy trên địa bàn đã phát hiện Nguyễn Trương Hoàng P. (1992, trú P. Bình Hiên) cho kết quả dương tính với ma túy. Qua đấu tranh, P. khai nhận làm nghề đánh nhạc tại một số quán bar trên địa bàn TP Đà Nẵng, trong quá trình đó có hút shisha có cho hàng cần sa vào để tăng thêm độ phấn khích.
Trao đổi với chúng tôi, Đại úy Nguyễn Thanh Sang - Đội trưởng Đội ma túy CAQ Hải Châu cho biết, qua nắm bắt thông tin cho thấy hiện shisha được bày bán khá nhiều tại các quán bar, nhà hàng, quán cà-phê trên địa bàn Q. Hải Châu. Tuy nhiên, nó không nằm trong danh mục ma túy nên không xử lý được. Thời gian gần đây, qua công tác nghiệp vụ, Đội và CA một số phường cũng phát hiện các đối tượng trộn lẫn ma túy tổng hợp vào shisha để sử dụng nên có thể thấy nguy cơ tiềm ẩn về tội phạm ma túy đối với hình thức này là rất lớn. Trước tình hình đó, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo CAQ Hải Châu, Đội cũng đã phối hợp với CA các phường có biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở các điểm hạn chế bán shisha và tuyệt đối không để các đối tượng ma túy lợi dụng shisha để sử dụng kèm ma túy. Với những trường hợp phát hiện, CAQ Hải Châu sẽ xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật hiện hành.
Nguyễn Tuấn