Siết chặt chất lượng thực phẩm từ các chợ
(Cadn.com.vn) - Với một cơ chế đủ mạnh và quyết liệt, Đà Nẵng sẽ tiến hành siết chặt quản lý thực phẩm từ nơi sản xuất, các chợ và ngay trên các bàn ăn trước khi vào miệng người dân. Trong đó, thực phẩm ở các chợ sẽ bị “soi” rất kỹ chất lượng và BQL các chợ cũng không “vô can” trong vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) như lâu nay.
Phần lớn thực phẩm từ thịt cá, rau củ... cung cấp cho bữa ăn của người dân từ các chợ, nhưng lâu nay vai trò của BQL các chợ về quản lý chất lượng thực phẩm gần như “vô can”. Đây là một lỗ hổng, dẫn đến chất lượng thực phẩm trước khi lên bàn ăn của người dân rất tù mù. Ông Nguyễn Đỗ Tám- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng cho biết, sắp tới Đà Nẵng sẽ ban hành một văn bản pháp lý quan trọng để quản lý ATTP, trong đó vai trò của BQL các chợ rất lớn.
Cụ thể, các chủ hàng nhập rau củ quả và thủy sản về chợ tiêu thụ phải có hồ sơ nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng như tên sản phẩm, số lượng, nơi trồng, nhập của đơn vị nào... Khi xe hàng về chợ, chủ hàng phải xuất trình hồ sơ nguồn gốc, xuất xứ cho BQL chợ, nếu không thực hiện thì BQL chợ không cho hàng hóa đó vào chợ, yêu cầu xe hàng ra khỏi khu vực chợ, rời khỏi thành phố, đồng thời báo cho Quản lý thị trường xử lý. Đặc biệt, khi Đoàn kiểm tra lấy mẫu hàng kiểm tra, chủ hàng không cho lấy mẫu kiểm nghiệm ATTP thì BQL chợ không cho chủ hàng đưa hàng vào chợ tiêu thụ, thậm chí cấm kinh doanh tại chợ. Cũng theo ông Tám, TP sẽ nghiêm cấm các phương tiện giao thông đường bộ vận chuyển thực phẩm từ tỉnh ngoài vào đậu đỗ ngoài khu vực chợ, siêu thị để đưa hàng xuống xe nhằm né tránh sự kiểm soát của các lực lượng chức năng.
Sắp tới, mỗi củ khoai, mớ rau bán ở chợ Đà Nẵng cũng phải biết trồng ở đâu. Ảnh: V.T |
Như vậy, thay vì gần như “đứng ngoài cuộc chơi” lâu nay thì BQL các chợ sẽ phải có trách nhiệm bố trí lực lượng kiểm tra, giám sát về ATTP tại chợ thuộc phạm vi quản lý. Ngoài ra, BQL các chợ cũng phải trịu trách nhiệm quản lý cả nguồn hàng thực phẩm nhập vào chợ có đầy đủ hồ sơ nguồn gốc, xuất xứ, đảm bảo ATTP. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Phúc - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho rằng, việc giao trách nhiệm quản lý ATTP cho BQL chợ thì không có cơ sở pháp lý, hơn nữa BQL chợ không có cán bộ chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ đó. Ông Phúc phân tích, mỗi đêm hàng trăm xe chở nông sản về vây quanh chợ đầu mối Hòa Cường, BQL chợ thì nhân lực ít, làm sao kiểm tra hết được nguồn gốc, xuất xứ từng xe?
Chưa kể các chợ thuộc huyện quản lý, như chợ Túy Loan lớn thế, BQL cũng có 6 người, chia làm hai ca, mỗi ca 3 người, không thể nào kiểm soát hết được nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa vào chợ. Mặt khác, BQL chợ có chỗ do quận, phường cử ra, có chỗ là tư nhân, giao cho họ kiểm tra về ATTP thì không đúng chức năng. Việc kiểm tra chất lượng thực phẩm phải do cơ quan nhà nước có chức năng, như các chi cục của các Sở, chứ giao cho BQL chợ kiểm tra rất khó vì họ không có thẩm quyền xử phạt. Từ thực tế đó, ông Phúc đề xuất chỉ nên làm chặt ở chợ đầu mối, vì không đủ lực lượng làm hết 70 chợ trên địa bàn TP. Hơn nữa thực phẩm ở các chợ khác chủ yếu cũng nhập từ chợ đầu mối nông sản, thủy sản về.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng cho rằng, quản chất lượng thực phẩm phải nhiều bước, từ nơi sản xuất (không dùng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt), từ các chợ, vì trong quá trình vận chuyển từ nơi sản xuất về có thể bơm tẩm hóa chất nên vẫn phải soát xét. Và bước cuối cùng, kiểm soát cơ sở kinh doanh ăn uống, thức ăn đường phố trước khi thực phẩm vào miệng người dùng. Ông Dũng nói, thực phẩm nhập về Đà Nẵng, đến với người dân phải qua nhiều bộ lọc, trong đó lọc an toàn chất lượng ở các chợ là khâu quan trọng. Mỗi củ khoai, mớ rau cũng phải lọc giống như một sản phẩm công nghiệp, trước khi ra thị trường phải có bộ phận KCS, đủ điều kiện an toàn mới được xuất.
Ông Dũng cũng cho rằng, giao nhiệm vụ kiểm soát ATTP cho BQL chợ sẽ hiệu quả hơn là các Chi cục như hiện nay. Bởi lẽ hoạt động ở chợ nó diễn ra từng ngày từng giờ trong khi các Chi cục ở tận mây xanh, cũng không đủ người để xuống tận các chợ, kiểm soát sát việc như BQL chợ được. Về lý do BQL chợ không có thẩm quyền xử phạt, ông Dũng nói xử phạt có nhiều cách, phạt hành chính, phạt không cho thuê mặt bằng kinh doanh (vì đã có cam kết phải kinh doanh thực phẩm an toàn với BQL chợ), phạt bằng cách công bố rộng rãi trên thông tin đại chúng về hành vi kinh doanh thực phẩm không an toàn, vi phạm các quy định...
Cũng theo ông Dũng, lỗ hổng ATTP lâu nay không quản lý được từ các chợ, nay đã thấy rồi mà không làm được là yếu kém chứ là gì? Vì thế, Đà Nẵng sẽ quyết liệt quản chất lượng thực phẩm từ các chợ. Nếu BQL chợ không đủ người sẽ tăng thêm người. Nếu không đủ thẩm quyền, năng lực kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm thì sẽ tăng cường lực lượng từ các chi cục xuống BQL các chợ trực tiếp làm việc. Không chỉ chợ đầu mối mà phải triển khai đồng bộ tại tất cả các chợ trên địa bàn TP, tránh tình trạng bọc chỗ này, lòi ra chỗ khác, không cho xe hàng kém chất lượng vào chợ này sẽ chạy đi đổ hàng ở chợ khác. Ông Dũng cho rằng, khi quản chặt chất lượng thực phẩm ở chợ, như yêu cầu các hộ kinh doanh phải kê khai hàng hóa, nguồn gốc, xuất xứ chắc chắn tiểu thương sẽ kêu ca, vì từ trước giờ chưa bao giờ làm thế này. Vì thế, việc triển khai phải từng bước một, từ vận động, làm thử, siết dần. “Phải nghiến răng mà làm mới ra việc được”- ông Dũng nói.
Hải Quỳnh