"Siết chặt quản lý phương tiện mang BKS ngoại giao, nước ngoài, biển xanh để hạn chế vi phạm"
(Cadn.com.vn) - Để tăng cường công tác quản lý, xử lý các trường hợp sử dụng phương tiện không đúng quy định, vi phạm TTATGT... thời gian qua, lực lượng CSGT CATP Đà Nẵng đã và đang rà soát tổng thể số ô-tô mang BKS nước ngoài (NN), ngoại giao (NG), BKS xanh trên địa bàn TP. Trao đổi với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, Thượng tá Lê Ngọc, Trưởng Phòng CSGT- CATP cho biết:
Thượng tá Lê Ngọc. |
P.V: Thưa Thượng tá, hiện công tác quản lý xe mang BKS NN, NG và BKS xanh tại TP Đà Nẵng như thế nào?
Thượng tá Lê Ngọc: Thực hiện kế hoạch tổng kiểm tra xe và xử lý vi phạm TTATGT của người điều khiển phương tiện mang BKS xanh (gọi tắt là biển xanh), cũng như công tác quản lý xe mang BKS NN, NG của Tổng cục CSQLHCVTTATXH (Bộ CA), giữa năm 2013, Giám đốc CATP đã chỉ đạo CA các địa phương, phòng ban nghiệp vụ triển khai nhiều chuyên đề kiểm tra, xử lý đối với số xe mang 3 loại BKS nói trên. Mục đích nhằm tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh, khắc phục tình trạng thanh lý, chuyển quyền sử dụng xe cho các tổ chức, cá nhân nhưng không làm thủ tục theo quy định...
Đến tháng 6-2014, Giám đốc CATP tiếp tục chỉ đạo lực lượng CSGT và CA các địa phương tiến hành rà soát toàn bộ xe ô-tô của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế, nhân viên nước ngoài đã đăng ký BKS tại Đà Nẵng và xe biển xanh trên địa bàn. Tính đến ngày 15-11, lực lượng CSGT đã tiến hành thông báo cho 66 xe mang BKS NN, NG, tuy nhiên hiện chỉ mới 34 xe đã thực hiện đổi lại BKS. Tương tự, đã thông báo đến các cơ quan, đơn vị đứng tên đăng ký 1.028 xe biển xanh và đề nghị có phản hồi để lực lượng CSGT rà soát, phân loại nhưng đến thời điểm này số cơ quan, đơn vị mới có phản hồi trở lại 486 xe, trong đó 411 xe chính chủ; 31 xe đã thanh lý, điều chuyển và làm thủ tục sang tên; 44 xe đã thanh lý, bán hóa giá, điều chuyển nhưng chưa làm thủ tục chuyển đổi tên; còn lại 542 xe chưa có phản hồi.
P.V: Sau khi rà soát, việc kiểm tra, xử lý số xe mang các loại BKS trên sẽ được thực hiện như thế nào, thưa Thượng tá?
Thượng tá Lê Ngọc: Với trường hợp xe biển số NN, NG (xe có sê-ri ký hiệu NG, NN, QT), hiện chúng tôi đang phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý tình trạng sử dụng không đúng quy định như: Xe đã bán cho người Việt Nam nhưng không làm thủ tục thu hồi đăng ký, BKS và chuyển nhượng, nộp thuế theo quy định; xe hết hạn sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký và quá hạn kiểm định. Với xe biển xanh, bên cạnh thống kê tổng số lượng xe, danh sách cơ quan, đơn vị để gửi thông báo, lực lượng CSGT cũng đang phối hợp với từng đơn vị tổ chức tuyên truyền, giáo dục cán bộ, công nhân viên chức, nhất là đội ngũ lái xe chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về TTATGT, có thái độ hợp tác với lực lượng CA trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm.
Đối với lực lượng CSGT và các lực lượng CS khác trong lúc làm nhiệm vụ sẽ được cung cấp danh sách thống kê toàn bộ số xe biển số NN, NG và biển xanh đã hết hạn sử dụng. Theo đó, nếu trường hợp người điều khiển xe đứng tên trong đăng ký xe (chủ xe) có đầy đủ giấy tờ thì yêu cầu đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục thu hồi đăng ký, BKS hoặc gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký xe, kiểm định xe theo quy định. Trường hợp người điều khiển không phải là chủ xe nhưng có đủ giấy tờ thì lập biên bản và có biện pháp yêu cầu chủ xe cùng đến cơ quan CA giải quyết. Riêng những trường hợp CQĐT đề nghị phối hợp bắt giữ xe vi phạm, lực lượng CSGT tiến hành dừng xe, kiểm tra và bàn giao cho CQĐT xử lý. Bên cạnh đó, nếu có căn cứ từ những nguồn thông tin của báo chí, quần chúng nhân dân cung cấp về các loại xe có BKS nói trên có hành vi vi phạm, chúng tôi cũng sẽ tiến hành dừng xe kiểm tra, xử lý nghiêm.
Chiếc ô-tô biển xanh của Đà Nẵng được bán thanh lý nhưng chủ sở hữu mới không làm thủ tục đăng ký nộp lại BKS mà rao bán xe trái quy định. |
P.V: Dư luận rất quan tâm đến việc các tổ chức, cá nhân có thể lợi dụng xe mang BKS NN, NG và biển xanh để thực hiện những hành vi phạm pháp, gây mất ATGT, ý kiến của Thượng tá về vấn đề này?
Thượng tá Lê Ngọc: Đúng là trên địa bàn cả nước thời gian qua cũng từng xuất hiện nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng các loại xe mang BKS nói trên để thực hiện những hành vi phạm pháp, song hầu hết là các xe đã hết thời hạn sử dụng nhưng chủ xe mới không làm thủ tục thu hồi đăng ký, đổi biển. Dù Đà Nẵng chưa có những vụ việc gây bức xúc cho dư luận, nhưng chúng tôi cũng chủ động quản lý chặt chẽ, ngăn ngừa từ đầu, hạn chế đến mức tối đa từng vụ việc nhỏ nhất xảy ra. Điển hình, đầu tháng 11-2014, một cá nhân rao bán xe ô-tô biển xanh ngoài đường trái quy định, đây là xe của một đơn vị ở TP Đà Nẵng đã được UBND TP Đà Nẵng cho phép bán thanh lý vào tháng 9-2014. Tuy nhiên, chủ mới chiếc xe không chịu làm lại thủ tục đăng ký theo quy định mà tu sửa lại rồi rao bán. Vì thế, khi xe mang biển xanh được chuyển nhượng cho người khác nhưng cơ quan chức năng không biết sẽ rất khó quản lý, từ đó tạo ra lỗ hổng để một số chủ xe mua lại lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm.
Tiếp tục thực hiện những quy định của các Bộ ngành liên quan, thời gian tới chúng tôi sẽ cùng với các lực lượng chức năng siết chặt hơn nữa công tác quản lý, xử lý vi phạm nhằm ngăn ngừa những trường hợp lợi dụng xe biển NN, NG và biển xanh thực hiện các hành vi phạm pháp, TTATGT, đồng thời kiên quyết xử lý chủ sở hữu mua lại những xe mang các BKS nói trên cố tình không làm thủ tục đăng ký nộp lại BKS, thực hiện các nghĩa vụ về thuế liên quan đến chuyển nhượng quyền sở hữu theo quy định.
P.V: Xin cảm ơn Thượng tá về cuộc trao đổi này!
Công Hạnh
(thực hiện)