Báo Công An Đà Nẵng

Siêu tàu Ever Given được giải cứu 80%, vẫn còn nhiều mối lo

Thứ ba, 30/03/2021 15:16

Tàu container Ever Given đã nổi lên trên mặt nước sau nỗ lực giải cứu ngày 29-3.   Ảnh: AFP

Chủ tịch Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA) Osama Rabie ngày 29-3 thông báo rằng siêu tàu chở container Ever Given của Panama đã bắt đầu nổi được sau những nỗ lực giải cứu mới nhất. 

Vị trí của con tàu đã được dịch chuyển đáng kể và đạt tới 80%, với đuôi tàu di chuyển ra xa bờ khoảng 102m thay vì 4m. Những hình ảnh đăng tải trên các trang mạng giám sát hoạt động đường biển Vesselfinder và myshiptracking cho thấy phần đuôi tàu đã dần dịch chuyển ra xa phần bờ phía Tây của kênh đào Suez. Reuters dẫn các hình ảnh và nguồn tin hiện trường cho thấy siêu tàu container dần thoát khỏi vùng mắc cạn, chuyển động dọc theo dòng nước và trở lại hướng di chuyển thông thường, tạo những khoảng trống rất cần thiết trên mặt kênh. Các đội kỹ thuật đang kiểm tra sơ bộ các bộ phận của tàu, khởi động động cơ và tàu chuẩn bị được lai dắt về phía Hồ Lớn (Great Lakes).

Đây được xem là bước tiến quan trọng sau nhiều nỗ lực giải cứu tàu Ever Given vốn bị mắc cạn và chặn ngang kênh đào Suez gây tắc nghẽn tuyến vận tải biển quan trọng trong giao thương Á-Âu. Theo ông Rabie, các hoạt động lai dắt tàu Ever Given vẫn tiếp tục được thực hiện trong ngày 29-3 khi mực nước tăng lên đến độ cao tối đa trong khoảng thời gian từ 11 giờ 30 cùng ngày (giờ địa phương) lên đến 2m, cho phép điều chỉnh hoàn toàn hành trình của con tàu trên tuyến đường thủy ở kênh đào Suez.  Ông Rabie cho biết thêm, hoạt động hàng hải trong kênh đào Suez sẽ hoạt động trở lại sau khi tàu được thả nổi hoàn toàn và di chuyển đến khu vực Hồ Đắng để kiểm tra kỹ thuật. 

Nhà chức trách Ai Cập đã triển khai nhiều nỗ lực để giải cứu con tàu khổng lồ này, lực lượng cứu hộ đã làm việc liên tục trong suốt 7 ngày qua. Vì vậy, đây là diễn biến rất được mong đợi. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ khi nào nhà chức trách Ai Cập sẽ cho khôi phục hoạt động qua kênh đào khiến cho mối lo ngại về đình trệ giao thương vẫn còn đó. Ngoài ra, khối lượng hàng hóa đang nằm trên tàu mắc kẹt và những chiếc tàu khác neo đậu để đợi di chuyển qua đây cũng là một gánh nặng lớn. Theo các nguồn tin, ước tính, cả một "núi" hàng, từ đồ gia dụng cho đến hàng trăm nghìn con gia súc đang chờ thông tuyến.

Gần 400 tàu đang mắc kẹt ở Địa Trung Hải về phía Bắc kênh đào và ở Biển Đỏ phía bên kia cũng như ở các điểm tạm dừng kể từ khi tàu Ever Given chặn ngang kênh đào Suez. Các chuyên gia ước tính một số lượng hàng hóa có tổng giá trị  từ 3 đến 9,6 tỷ USD đang lênh đênh trên biển với nhiều nguy cơ rình rập. Khoảng 1,74 triệu thùng dầu được vận chuyển qua kênh đào này mỗi ngày và theo MarineTraffic, tính đến ngày 28-3, khoảng 100 tàu chất đầy các thùng dầu hoặc các sản phẩm hóa dầu đang neo đậu tại khu vực chờ. Ngoài hàng hóa, khoảng 130.000 con gia súc cũng đang chờ đợi trên 11 con tàu đến từ Romania khiến không ít người lo ngại nguồn thức ăn và nước uống dự trữ cho đàn gia súc này sẽ cạn kiệt do thời gian mắc kẹt quá lâu trong khi việc bổ sung thức ăn sẽ gặp nhiều trở ngại về thủ tục. 

Hãng sản xuất đồ gia dụng IKEA thông báo có 110 container trên tàu Ever Given và nhiều tàu khác đang xếp hàng tại khu vực này. Một người phát ngôn IKEA cho biết sự cố lần này càng làm gia tăng áp lực lên các chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu vốn đã điêu đứng vì đại dịch COVID-19. Trong khi đó, tập đoàn sản xuất trà Van Rees, có trụ sở tại Rotterdam (Hà Lan), cho biết, 80 container trà nguyên liệu của Cty đang nằm trên 15 tàu mắc kẹt lênh đênh trên biển. Sự cố càng lâu được khắc phục thì nguy cơ Cty gặp rắc rối vì thiếu nguồn cung càng cao. Một số Cty gặp rắc rối hoặc mất uy tín khi phải giải thích với đối tác về những chậm trễ liên quan sự cố này. Những hãng vận tải đường biển lớn như Maersk đã phải điều hướng nhiều tàu của mình theo lộ trình dài hơn qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi), khiến lịch trình di chuyển kéo dài thêm ít nhất 7 ngày.

Kênh đào Suez là tuyến đường quan trọng, phục vụ khoảng 15% công suất vận tải biển của toàn thế giới. Đây cũng là nơi mang lại nguồn thu ngoại hối quan trọng của Ai Cập. Sự cố lần này được cho là khiến Ai Cập thiệt hại khoảng 14 đến 15 triệu USD mỗi ngày.

KHẢ ANH