“Siêu trang trại”của ông Đoàn Nguyên Đức
(Cadn.com.vn) - Nằm ở vùng đất khá khô cằn của H. Mang Yang, trang trại chăn nuôi bò của Cty CP chăn nuôi Hoàng Anh Gia Lai (thuộc Tập đoàn HAGL) chỉ sau một thời gian ngắn đầu tư, xây dựng đã trở thành một vùng đất xanh mướt. Nơi đây, hơn 42.000 con bò đang được nuôi lấy thịt và 1.500 con bò chờ vắt sữa. Tính bình quân, mỗi con bò tăng 1,5kg/ ngày và hàng vạn con bò đang nuôi ở đây sẽ đem về dòng tiền lớn cho “ông bầu” phố núi Đoàn Nguyên Đức.
Ông Đoàn Nguyên Đức không giấu được vẻ tự hào về những cánh đồng cỏ, đàn bò đang sinh lợi cho mình. |
9 tháng để làm “siêu trang trại”
Trong cái nắng gắt đầu tháng 4 của mùa khô Tây Nguyên, ông bầu nổi danh đội bóng phố núi Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) Đoàn Nguyên Đức và cũng là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HAGL đích thân lội vào các cánh đồng cỏ để xem xét nguồn nguyên liệu cho đàn bò của mình. Cách đây chưa lâu, nơi đây là những cánh rừng cao su đã vài năm tuổi nhưng chậm phát triển và năng suất mủ chỉ lèo tèo bởi cái khô hạn, khắc nghiệt của vùng đất Đăk Yă (H. Mang Yang, Gia Lai) này.
Với tính cách quyết đoán và nhìn xa, ông Đức đã cho đốn bỏ những diện tích cây cao su đầu tư nhiều nhưng lợi nhuận chẳng bao nhiêu này để thay thế vào đấy là những cánh đồng mía xanh ngút tầm mắt và những trại nuôi bò. Vừa xây dựng, vừa trồng cỏ vừa đưa máy móc, công nghệ hiện đại cũng như nhập hàng nghìn con bò Úc chính hãng về là một công việc khổng lồ. Thế nhưng, chỉ 9 tháng sau, ở vùng đất hơn 700ha của mình, bầu Đức đã biến nơi đây thành một “siêu trang trại” với hơn 43.000 con bò đang được nuôi dưỡng, chăm sóc chờ xuất chuồng, vắt sữa.
Khu nhà làm việc, nhà ở cho nhân công trở thành “đại bản doanh” phục vụ cho 700ha trang trại chăn nuôi bò trở nên tất bật khi đàn bò gần 43.000 con được nhập từ Úc về thời gian trước. Thế nhưng, mọi thứ vẫn nền nếp khi ông bầu phố núi áp dụng các khoa học, kỹ thuật, cơ giới hóa với một quy trình khép kín vào trang trại này của mình. Với hơn 700ha thì hầu hết diện tích được dành cho việc trồng cỏ, bắp để làm thức ăn cho đàn bò. Giống cỏ voi cũng được nhập về từ Thái Lan với năng suất cũng như hàm lượng protein nhiều hơn so với các loại cỏ voi khác.
Ngay từ khâu chọn giống đến trồng cỏ, HAGL đã áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel (tưới bằng các đường ống theo kiểu nhỏ giọt) vừa tiết kiệm đến 70% lượng nước tưới, 30% phân bón so với kiểu truyền thống. Thế nên trong chuyến dẫn khách thăm cánh đồng cỏ của mình, ông Đức tự hào: “Điều này, giúp cánh đồng cỏ phát triển quanh năm, không ngại hạn hán hay mưa bão mà còn cho năng suất cao, chất lượng sạch cũng như giảm chi phí khi trồng 1 lần nhưng thu hoạch trong vòng 8 năm”. Không những vậy, ông Chủ tịch tập đoàn HAGL thuê hẳn một chuyên gia Israel để quán xuyến toàn bộ trang trại bò của mình cũng như hàng loạt máy móc hiện đại nhất từ trồng cỏ, gặt cỏ, trộn thức ăn đến cho đàn bò ăn đều được nhập về.
Chỉ cần 1 công nhân cùng chiếc máy thì có thể cho ăn, chăm sóc cho 1.000 con bò/ngày. |
“Milk, Meat Gia Lai”
Đó là điều mà ông bầu phố núi này đang thực hiện tiếp theo với một thương hiệu mai đây sẽ ra thị trường: Milk (sữa) Gia Lai và Meat (thịt bò) Gia Lai. Với một trang trại quy mô và được đầu tư bài bản với một quy trình khép kín và công nghệ hiện đại, mà theo như đánh giá của ông Peter Suton, chuyên gia kỹ thuật chăn nuôi của Cty Austrex – Cty xuất khẩu gia súc hàng đầu thế giới là: “Trang trại của HAGL đang theo đúng các tiêu chuẩn của các trang trại chăn nuôi bò tại Úc. Tôi nghĩ rằng ngành chăn nuôi bò thịt của HAGL đang triển khai sẽ có một tương lai tươi sáng tại Việt Nam”.
Điều đó cũng không hề lạ khi ông Đoàn Nguyên Đức đầu tư ở đây 1 hệ thống khép kín từ quy trình chăn nuôi, nguyên liệu đến trang trại. Nhìn hệ thống máy móc cũng như cách chăm sóc đàn bò với những chú bò Úc chính hãng lớn từng ngày khiến nhiều người thán phục. Từ những cánh đồng cỏ sau khi được thu hoạch bằng máy sẽ được cắt nhỏ và chuyển đến trạm trộn thức ăn. Tại đây, cỏ được máy xúc đưa vào bồn trộn chung với các thành phần khác như: rỉ mật, bắp xay, bã cọ dầu... được đưa về từ các trang trại của HAGL. Việc trộn thức ăn theo công thức và thời gian cho ăn cũng theo quy trình được các chuyên gia dinh dưỡng thẩm định nhằm đảm bảo quá trình tăng trọng của đàn bò.
Chỉ cần 1 công nhân và 1 chiếc xe trộn đã có thể chăm sóc cho 1.000 con bò trong một ngày với tất cả công đoạn từ việc trộn thức ăn đến rải thức ăn cho các trại bò và dọn dẹp chuồng trại. Và với hệ thống khép kín như vậy, đàn bò của HAGL đạt mục tiêu tăng trưởng 1,5kg/ con/ ngày và được kiểm soát qua hệ thống cân thủy lực. Những con bò Úc đều được gắn chíp và khi qua hệ thống cân thủy lực kiểm tra sẽ được quét để theo dõi các số liệu hàng ngày.
Qua đó, vừa kiểm soát được trọng lượng, thể chất của mỗi con bò cũng như phục vụ số liệu đó cho các nhà nhập khẩu và đối tác theo quy định, bảo đảm mỗi con bò khi được xuất cân nặng và chất lượng thịt đồng nhất. Mỗi con bò Úc này khi nhập về có trọng lượng trung bình 250kg, qua “bàn tay” chăm sóc ở đây mỗi tháng tăng thêm khoảng 50kg/con, khi đạt trọng lượng trung bình hơn 500kg sẽ được “trao” cho các nhà tiêu thụ. Nếu tính bình quân mỗi con bò thịt khi xuất chuồng sẽ mang về 35 triệu đồng cho tập đoàn, trừ đi các chi phí khác thì nhân với đàn bò đang ở đây sẽ đem về dòng tiền lớn cho Tập đoàn của ông bầu phố núi Đoàn Nguyên Đức.
Ông Đoàn Nguyên Đức dẫn khách tham quan trang trại đàn bò Úc được chăn nuôi theo một quy trình công nghệ cao. |
“Siêu trang trại” của bầu Đức đã khiến nhiều người thán phục trước cách làm nông nghiệp bài bản, công nghệ cao. Mới đây, trong chuyến thăm quan trang trại nhằm kêu gọi đầu tư vào địa phương, ông Võ Kim Cự, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã trầm trồ và hy vọng: “Cùng với Gia Lai, khi Tập đoàn HAGL đầu tư vào Hà Tĩnh thì những nơi đây sẽ trở thành trung tâm công nghệ cao về chăn nuôi bò của cả nước”. Được biết, sau chuyến thăm đó, giữa Tập đoàn và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có những động thái để thúc đẩy hợp tác đầu tư.
Nhìn đàn bò đang lớn rõ từng ngày và đồng cỏ rộng hàng trăm héc-ta của mình lên xanh ngút tầm mắt, ông Đoàn Nguyên Đức tự hào: Kế hoạch của Tập đoàn sẽ phát triển đàn bò lên 300.000 con vào năm 2015, trong đó ở Gia Lai khoảng 100.000 con, còn ở Campuchia và Lào mỗi nơi 100.000 con. Với việc làm nông nghiệp theo kiểu công nghệ cao, thời gian tới Tập đoàn sẽ mở rộng đàn bò sữa để tới đây sẽ có sữa và thịt bò mang thương hiệu của mảnh đất cao nguyên này.
Minh Tân