Báo Công An Đà Nẵng

Sinai: Khu vực bất ổn nhất của Ai Cập

Thứ năm, 15/08/2013 09:34

(Cadn.com.vn) - Thế giới đang tập trung chú ý vào Cairo, nơi Tổ chức Anh em Hồi giáo (MBO) khẳng định ít nhất 100 người thiệt mạng và hơn 2.000 người bị thương khi cảnh sát Ai Cập trấn áp hai trại quy mô lớn của người biểu tình ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi tại thủ đô Cairo hôm 14-8. Nhưng sự hỗn loạn tại Sinai thể hiện một viễn cảnh đáng lo ngại hơn. Không giống MBO- nhóm cam kết sẽ không bạo động - các phần tử thánh chiến tại Sinai luôn muốn sử dụng máu để hành động và khẳng định sức mạnh.      

Bạo lực lan tràn

Cứ vào lúc chạng vạng, các đường phố thị trấn sa mạc gần biên giới Israel vắng tanh. Những tiếng súng nổ bắt đầu vang lên. Kết quả là sáng hôm sau, một binh sĩ chết, một trạm kiểm soát cảnh sát lỗ chỗ đạn, nhiều vụ bắt cóc xảy ra.

Phía Bắc bán đảo Sinai, một khu vực vô luật lệ, trở thành dấu hiệu đen tối cho thấy những gì có thể xảy ra ở nơi khác ở Ai Cập nếu chính phủ lâm thời không thể giải quyết một cách hòa bình với những người biểu tình Hồi giáo đang cắm trại ở Cairo. Hiện, đụng độ vẫn liên tiếp nổ ra ở trung tâm thủ đô Cairo khi hàng nghìn người ủng hộ ông Morsi bị tấn công trên đường tuần hành đến Bộ Nội vụ. Trong 5 tuần kể từ khi quân đội Ai Cập lật đổ ông Morsi, bạo lực lan tràn tại đây với những cuộc nổi dậy, các tay súng bí ẩn tấn công các cơ sở quân sự và cảnh sát mỗi đêm, hành động được cho là trả thù cho phe Hồi giáo.

Bạo lực đe dọa lan sang cả Israel. Hôm 8-8, Israel tạm thời đóng cửa một sân bay tại khu nghỉ mát Eilat ở Biển Đỏ sau khi các quan chức Ai Cập cảnh báo về khả năng các phiến quân Sinai bắn rocket sang nước này. Và sau đó, sáng 13-8, Israel bắn hạ một tên lửa nhằm vào thành phố nghỉ mát phía Nam Eilat, gần biên giới với Bán đảo Sinai. Nhóm Hồi giáo cực đoan Magles Shoura al-Mujahideen hoạt động tại Sinai cho biết, họ bắn tên lửa vào thành phố Eilat để trả thù cho vụ giết hại 4 chiến binh Hồi giáo trên núi Sinai hôm 9-8.

Khu vực phía bắc Sinai có thể là triệu chứng và cũng là nguyên nhân gây ra khủng hoảng Ai Cập: một trong những lý do quân đội lật đổ ông Morsi là ông quá nhẹ tay với các chiến binh thánh chiến ở đây và xem họ như những đồng minh tiềm năng. Tuy nhiên, quân đội hiện nay dường như không thể ngăn chặn các nhóm tay súng bí ẩn ở đây. “Tất cả mọi thứ đều dừng lại, không có công việc, nhà thờ đóng cửa, các linh mục bỏ trốn”, Mitri Shawqi, một nhân viên bán hàng người Kitô giáo nói.

Một nhà thờ Thiên chúa giáo ở El Arish, trên núi Sinai, phải đóng cửa gần đây. Ảnh: NYT

Ai gây ra?

Tại Ai Cập, ngay cả những nhận thức cơ bản nhất của cuộc xung đột phản ánh sự đối đầu giữa những người ủng hộ và phản đối ông Morsi. Những người ủng hộ có xu hướng đổ lỗi cho quân đội gây ra các cuộc tấn công gần đây nhằm tạo lý do cho một cuộc đàn áp trong tương lai.

Thánh chiến là một vấn đề lâu đời tại Sinai, từ thời chiếm đóng của Israel 1967-1982. Bộ lạc Bedouin độc lập không muốn lệ thuộc vào chính phủ, nạn buôn lậu và buôn bán ma túy vào nước láng giềng Israel và Dải Gaza tràn lan ở đây trong nhiều thập kỷ. Nhưng chính nhà nước Ai Cập khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn. “Họ đối xử với chúng tôi như thể tất cả chúng tôi đều buôn bán người và tội phạm. Điều này đã biến nơi đây thành một mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa khủng bố”, Sheik Abdelhadi Etaik Sawarka, một nhà lãnh đạo của một trong những bộ lạc chính trong khu vực cho biết.

Sau cuộc cách mạng năm 2011 ở Ai Cập, các cơ quan an ninh rút khỏi Sinai, để lại một khoảng trống bạo lực và những người Hồi giáo vũ trang phát triển mạnh. Một số tay súng chiến đấu nước ngoài tràn vào khu vực. Các phiến quân cũng tiếp cận với vũ khí tinh vi hơn từ Libya. Thậm chí, có tin rằng, các tay súng đã mua tên lửa đất đối không có thể bắn máy bay ở Ai Cập và cả Israel.

Trong khi đó, danh tính của những kẻ tấn công ở Sinai vẫn còn là điều bí ẩn: không ai nhận trách nhiệm, và các nhà chức trách Ai Cập cũng không thanh minh. Các tay súng Hồi giáo cực đoan đang lợi dụng tình hình gây bất ổn để chiếm trọn Sinai.

An Bình

         (Theo New York Times)