Sinh khí mới ở Hòa Vang
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) ở H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) bao gồm một tổng thể các hoạt động nhằm cải biến sâu sắc nông thôn, nông dân và nền nông nghiệp địa phương. Theo đó, xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của đời sống nhân dân và giao lưu hàng hóa; nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa tiên tiến, hiện đại. Đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân được cải thiện, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Nhờ vậy, Hòa Vang đang dần chuyển mình thành miền quê đáng sống, là nơi mà những người con xa xứ luôn mong muốn sớm trở về.
Đường làng Dương Lâm 2 (xã Hòa Phong) thông thoáng từ việc người dân tự nguyện thu hẹp đất sản xuất. |
Theo ông Nguyễn Văn Lý - Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM, Trưởng Phòng NN-PTNT H. Hòa Vang, trong hành trình gần 10 năm xây dựng NTM ở địa phương, hàng năm, huyện chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức công khai các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp với Mặt trận, các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là trong tham gia đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng. Những đổi thay tích cực từ việc xây dựng NTM đã làm tăng dần niềm tin của nhân dân. Điều đó đồng nghĩa với việc đóng góp của dân ngày càng tăng. Điều này là yếu tố quyết định trong xây dựng NTM. Cụ thể, tổng kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng NTM trên địa bàn huyện là 3.691,5 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 951,2 tỷ đồng; Ban Dân vận Thành ủy vận động các địa phương, đơn vị hỗ trợ 188,8 tỷ đồng; nhân dân đóng góp 717,9 tỷ đồng... “Bên cạnh đó, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của vùng đất nông nghiệp, địa phương đã chú trọng nhiều hơn đến phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng. Trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, huyện từng bước hình thành những vùng sản xuất tập trung có hiệu quả. Trong đó, huyện đã xác định được những cây, con giống chủ lực để đầu tư phát triển phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thực hiện các dự án cụ thể để xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa phục vụ đô thị”, anh Nguyễn Văn Lý cho biết thêm.
Cùng với việc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn thì việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cũng được Đảng bộ, chính quyền H. Hòa Vang tập trung thực hiện bằng nhiều giải pháp. Trong đó, chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn. Ví như trong việc huy động nguồn lực đầu tư để thực hiện các công trình thì ngoài nguồn lực đầu tư của Nhà nước, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cán bộ, đảng viên nêu gương sáng, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân; người dân tự nguyện hiến đất mở rộng hệ thống giao thông nông thôn, góp ngày công lao động và tham gia giám sát để các công trình sớm hoàn thành và đảm bảo chất lượng... Qua đó, giúp các địa phương từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển, phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân.
Lão nông Võ Ngọc Xuân (thôn Dương Lâm 2, xã Hòa Phong) phấn khởi bộc bạch: “Đường sá khang trang, cảnh quan sạch đẹp. Vẫn công việc nhà nông gắn bó với ruộng đồng, nhưng chúng tôi không chỉ gắn bó với cây lúa để đủ sống như trước mà chủ trương chuyển đổi giống cây trồng, đã cho bà con gắn bó với cây rau để làm giàu. Ô-tô vào tận ruộng chở hàng xuống nhập vùng nội thành, bà con có tiền lại chung sức cùng Nhà nước xây dựng NTM”.
Có thể nói, chương trình xây dựng NTM ở H. Hòa Vang đã mang đến luồng sinh khí mới, mang đến niềm vui cho người nông dân khi chất lượng cuộc sống được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần. Cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 43,97 triệu đồng, tăng 3,65 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ tính theo chuẩn nghèo NTM còn 0%; tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm đạt 97,25%... Cùng với đó, một lớp nông dân mới năng động, dám nghĩ, dám làm đang xuất hiện ngày càng nhiều. Với bàn tay cần cù lao động và hướng đi phù hợp, họ đang dần “đánh thức” những vùng đất khó. Chính vì vậy, ngoài việc khuyến khích phát triển các mô hình chăn nuôi hộ gia đình, các cấp chính quyền còn chỉ đạo ban ngành, đoàn thể lồng ghép nhiều chương trình, dự án để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Các ngành chức năng của huyện còn tổ chức nhiều lớp tập huấn, định hướng cho các địa phương triển khai thực hiện tốt các vùng sản xuất chuyên canh phát triển kinh tế hiệu quả, như: trồng lúa hữu cơ, sản xuất rau sạch, trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung. Rõ ràng, trong xu thế đô thị hóa, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở vùng nông thôn ngày càng giảm dần, nhưng hiệu quả sản xuất từng bước nâng cao.
Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Trần Văn Trường đúc kết, cho dù làm bất cứ việc gì nếu không nhận được sự đồng thuận, nhất trí của người dân thì không thể thành công được. Do đó, trong suốt quá trình thực hiện phong trào xây dựng NTM, lãnh đạo huyện luôn chỉ đạo các ban ngành và địa phương đề cao tính “dân chủ”, mỗi phong trào triển khai đều tham vấn người dân, để người dân tham gia ý kiến rồi đi đến quyết định. Vì lẽ đó, người dân đã hài lòng về kết quả xây dựng NTM, ngày càng yêu quý nơi họ sinh sống và chung tay vì sự phát triển bền vững.
VY HẬU