Sinh viên Đà Nẵng vẽ ký họa các địa chỉ đỏ rồi số hóa để lưu trữ, quảng bá văn hóa
Trước khi thực hiện mô hình, các thành viên của Sketchers DAU đã có hơn 6 năm rong ruổi khắp các tỉnh miền Trung để vẽ hàng ngàn bức tranh ký họa. Từ các địa danh nổi tiếng, công trình kiến trúc tiêu biểu cho đến những con phố, góc nhỏ của TP Đà Nẵng đều được Sketchers DAU ký họa sinh động, đa dạng về góc độ, màu sắc, chất liệu. Trước đây, khi được hỏi, các thành viên trong CLB đều muốn tác phẩm của mình không bị cuộn lại một góc, bị thời gian lãng quên nên khi tác phẩm được số hóa đã nhận được sự quan tâm rất lớn.
Anh Ngô Tuấn Anh - Bí thư Đoàn Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng cho biết, tranh ký họa mang đến góc nhìn mới mẻ về di tích, địa điểm vốn tưởng chừng rất quen thuộc. Việc xây dựng những kho ký họa số hóa sẽ tạo cho sinh viên có điều kiện tiếp cận các tác phẩm dễ dàng hơn và giúp các đơn vị, địa phương có thêm nguồn dữ liệu hình ảnh và nội dung độc đáo để sử dụng với đa dạng mục đích.
Ngoài TP Đà Nẵng, CLB cũng phối hợp mở nhiều trại sáng tác ở Mỹ Sơn, Hội An. Đặc biệt trong chuyến tình nguyện tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, CLB đã thực hiện bộ tranh ký họa về những danh thắng, di tích, lễ hội, nét sinh hoạt đặc trưng của huyện đảo. Trong 10 ngày dừng chân ở Lý Sơn, hơn 40 tác phẩm ký họa được các tình nguyện viên của CLB Ký họa hoàn thành. Những tác phẩm sau đó được số hóa để xây dựng kho tranh ký họa số, hỗ trợ địa phương trong các hoạt động quảng bá, giới thiệu huyện đảo đến đông đảo du khách.
Anh Ngô Tuấn Anh cũng thông tin, trong năm 2023, hưởng ứng lời kêu gọi của Thành đoàn Đà Nẵng và gắn với cuộc thi “Tự hào Đà Nẵng - Số hóa địa chỉ đỏ 2023” về đồng loạt trong thực hiện các video thuyết minh về 74 địa chỉ đỏ, di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn TP Đà Nẵng và gắn mã QR code để cung cấp thông tin; Đoàn trường đã chủ động thực hiện mô hình “Số hóa địa chỉ đỏ bằng tranh ký họa” mà nòng cốt là Câu lạc bộ Sketchers DAU thực hiện. Mô hình này nhằm mục đích lưu giữ những địa chỉ đỏ, những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tại Đà Nẵng thông qua những bức tranh ký họa.
Theo anh Nguyễn Hoàng Quân (Giảng viên khoa Kiến trúc, cố vấn Câu lạc bộ Sketchers DAU), việc số hóa góp phần nâng cao chất lượng tranh, giúp ghi lại những chi tiết nhỏ, tinh tế, mang lại cho tác phẩm sự chân thực và sống động hơn. Trước đây, tranh ký họa thường được lưu giữ dưới dạng bản cứng, khó khăn trong việc lưu trữ và chia sẻ. Bây giờ, với sự phát triển của công nghệ số, tranh ký họa được lưu trữ dưới dạng file số, dễ dàng chia sẻ trên các nền tảng trực tuyến như mạng xã hội, website... Nhờ đó, tranh ký họa có thể được tiếp cận với nhiều người hơn, ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Họ có thể tìm hiểu được các địa chỉ đỏ của Đà Nẵng thông qua các tác phẩm tranh bằng các nguồn như Meta, Behance, Youtube,QR Code... Điều này đã góp phần thúc đẩy sự lan tỏa các yếu tố văn hóa, lịch sử của tranh ký họa, giúp gìn giữ bản sắc, văn hóa.
Mặt khác, sinh viên có thể dễ dàng chia sẻ tác phẩm ký họa của mình với cộng đồng, nhận được phản hồi và góp ý từ những người khác. Điều này góp phần thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển của tranh ký họa. Trong mô hình, sinh viên đã sử dụng các nền tảng trực tuyến như Behance, Artstation,... để trưng bày tác phẩm của mình. Bên cạnh đó, các video hướng dẫn vẽ ký họa trên YouTube, TikTok đã giúp nhiều người có thể học vẽ ký họa một cách dễ dàng.
Mô hình được Hội sinh viên TP Đà Nẵng đánh giá rất cao, hội tụ đủ tiêu chí gồm: tính mới, sáng tạo; tính hiệu quả, tính lan tỏa và tính điển hình. Với hiệu quả mang lại, mô hình được triển lãm tại “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Hội sinh viên thành phố Đà Nẵng cũng chấm điểm và lựa chọn trao “Giải thưởng 9/1” ở hạng mục “Sáng tạo, khởi nghiệp”. Năm 2023, toàn thành phố chỉ có 3 mô hình được tôn vinh. Kết quả trên là minh chứng cho những nỗ lực và sáng tạo của sinh viên Việt Nam trong việc góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
MAI VINH