Báo Công An Đà Nẵng

Sinh viên, học sinh cần rèn dưỡng ý chí lập thân, lập nghiệp

Thứ hai, 31/07/2017 11:32

Hiện nay, vấn đề nghề nghiệp, việc làm, khởi nghiệp vừa là nhu cầu, vừa là nguyện vọng chính đáng của tuổi trẻ nói chung và của các bạn học sinh, sinh viên nói riêng. Tuy nhiên, làm thế nào để giúp học sinh, sinh viên lựa chọn cho mình một con đường lập thân, lập nghiệp phù hợp với khả năng, trình độ, điều kiện hoàn cảnh thực sự là vấn đề trăn trở.

“Học đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công, nhưng nó lại là con đường rộng nhất và ngắn nhất” - PGS.TS Võ Văn Minh.

Dù lựa chọn những con đường khởi nghiệp khác nhau nhưng học sinh, sinh viên luôn có chung một khát vọng là được khẳng định mình và cống hiến cho xã hội. Tuy nhiên, làm thế nào để có thể biến ước mơ khởi nghiệp thành hiện thực lại là câu hỏi mà nhiều bạn trẻ và xã hội còn đang trăn trở. Theo PGS.TS Võ Văn Minh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng, hiện nay, trong xã hội có một số lượng lớn người đã tốt nghiệp đại học nhưng không có việc làm, trong khi rất nhiều trường đại học được mở ra, nhiều ngành nghề được cho phép đào tạo... Nhiều người bắt đầu đặt câu hỏi có nên học đại học hay không? Một số người khuyên “không nên học đại học” và viện dẫn các nhân vật thành công không qua đại học như Bill Gates, Steve Jobs, Mark Zckerberg... Họ bắt đầu tính toán chi tiết cho việc đầu tư học đại học như tiền bạc, thời gian, cơ hội... “Với góc nhìn của người làm công tác đào tạo bậc đại học, tôi khuyên các em học sinh nên sáng suốt cân nhắc kỹ và lựa chọn tương lai của mình. Tất cả chỉ là tham khảo”, PGS.TS Võ Văn Minh nói.

Theo PGS.TS Võ Văn Minh, học đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công, nhưng nó lại là con đường rộng nhất và ngắn nhất. Các trường hợp như Bill Gates, Steve Jobs, Mark Zckerberg... là những nhân vật hiếm, không phải phổ biến. Trong bối cảnh số người thất nghiệp ngày càng nhiều, liệu người không có bằng đại học hay đúng hơn là không được đào tạo bài bản có dễ xin việc hơn không?

PGS.TS Võ Văn Minh nhìn nhận: “Đã qua rồi cái thời kỳ kinh tế dựa vào sức lao động hay dựa vào tài nguyên thiên nhiên. Chúng ta đang sống ở thời kỳ kinh tế dựa vào tri thức và sắp tới đây cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.0 sẽ tạo ra làn sóng rất mạnh làm thay đổi thế giới. Nếu các em không được đào tạo bài bản ở trình độ trên phổ thông chắc chắn sẽ khó khăn để thích ứng với sự thay đổi đó. Tất nhiên, các em cần phải xác định rõ năng lực của mình, tìm hiểu kỹ về trường đại học và ngành học mà các em mong muốn học. Trên thị trường giáo dục hiện nay cũng rất đa dạng, vàng thau lẫn lộn, nên cần phải tìm hiểu kỹ trước khi nộp hồ sơ. Đừng quan niệm học đại một trường đại học nào đó có bằng rồi hãy tính. Hầu hết các trường đại học hiện nay đều có website, các em có thể tìm hiểu thông tin ở đó. Chất lượng của nhà trường cũng có thể đánh giá qua các kênh truyền thông khác nhau, các trường đã được kiểm định và công bố đảm bảo chất lượng cũng là 1 trong những tiêu chí đảm bảo độ tin cậy”.

“Tuy nhiên, vấn đề quan trọng không phải nằm ở trường đại học hay giáo sư đại học mà chính là ở chỗ các em. Học đại học là học cho các em, là tương lai của các em không phải của bố mẹ, gia đình các em và càng không phải là thương hiệu cho các trường, khoa đại học. Các anh chị sinh viên, cựu sinh viên than vãn về sự bất công của xã hội vì những nỗ lực của mình nhưng vẫn không có việc làm là vì lựa chọn sai đích đến. Thật đáng tiếc cho rất nhiều em sinh viên khi được hỏi vì sao chọn ngành này để học, câu trả lời là vì ba mẹ, thầy cô, anh chị định hướng hay vì em rớt ngành kia nên phải học ngành này... Chính vì không trực tiếp quyết định sự lựa chọn ngành học nên cũng chẳng quan tâm gì đến ngày mai sẽ ra sao, cần phải làm gì... Điều đó không có thái độ đúng đắn trong thực học”, PGS.TS Võ Văn Minh chia sẻ thêm. 

KHẢI MINH