Báo Công An Đà Nẵng

Số ca sốt xuất huyết tại Đà Nẵng, Quảng Nam tăng cao

Thứ sáu, 11/11/2022 10:59
Cán bộ Y tế dự phòng hướng dẫn người dân Đà Nẵng làm sạch vật dụng đựng nước ở những khu vực ẩm thấp để ngăn chặn việc sinh sôi, phát triển của lăng quăng, bọ gậy.

Đà Nẵng, 3 tháng tiếp nhận hơn 1.000 bệnh nhân

BV Đà Nẵng cho biết, trong 3 tháng vừa qua đã tiếp nhận hơn 1.000 bệnh nhân SXH. Riêng trong tháng 10, có hơn 500 ca mắc đến nhập viện điều trị. Mới đây nhất, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) cho biết, trong tuần đầu tiên của tháng 11 đã có hơn 450 ca mắc được phát hiện, là con số cao nhất trong một tuần trong vòng 7 năm qua. Trong đó, các địa phương như Cẩm Lệ, Liên Chiểu, Sơn Trà có xu hướng gia tăng các ổ dịch. Đại diện CDC Đà Nẵng nhận định, hiện tại đang là thời điểm bắt đầu gia tăng cả số ca mắc và ổ dịch trong năm. Chính vì vậy, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân, các khu dân cư tăng cường thực hiện các giải pháp phòng chống dịch như mắc màn khi ngủ và diệt lăng quăng, bọ gậy tại những nơi tù đọng, chứa nước lâu ngày.

Theo bà Ngô Thị Kim Yến - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, thành phố đã có công văn yêu cầu các địa phương xác định công tác phòng, chống dịch bệnh trong đó có dịch SXH là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm ổn định và phục hồi, phát triển KT-XH. Vừa qua, thành phố cũng đã ban hành kế hoạch đồng loạt ra quân làm vệ sinh môi trường, duy trì hoạt động ngày chủ nhật xanh – sạch – đẹp ở các khu dân cư. Để việc phòng chống dịch SXH hiệu quả, các địa phương chú trọng tuyên truyền người dân, các ban ngành, đoàn thể chú trọng dọn vệ sinh thường xuyên tại các bãi tập kết lốp xe, đồ phế thải, công trình xây dựng, cơ sở thờ tự tôn giáo, nhà trọ để hạn chế việc lăng quăng, bọ gậy sinh sôi, phát triển. Theo bà Yến: "Diệt lăng quăng, bọ gậy là biện pháp ưu tiên hàng đầu, ít tốn kém và hiệu quả nhất để chủ động chống SXH nên thành phố yêu cầu các quận huyện, phường xã tuyên truyền rộng rãi đến người dân những kiến thức cơ bản, hành động cụ thể để tự bảo vệ mình, phòng chống dịch đúng cách”.

Được biết, tính đến ngày 6-11-2022, thành phố Đà Nẵng ghi nhận 8.051 ca mắc SXH, tăng 16,5 lần so với năm 2021. Tuy chưa ghi nhận trường hợp tử vong do SXH trong năm 2022 nhưng số ca mắc đang có xu hướng tăng nhanh, tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện nhiều trường hợp biến chứng nặng, có thể dẫn đến tử vong.

Bệnh nhân điều trị SXH tại Bệnh viện đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam.

Quảng Nam, số ca sốt xuất huyết tăng 20 lần so với cùng kỳ 2021

Tính đến thời điểm hiện tại, Quảng Nam là địa phương ghi nhận có số ca mắc SXH cao nhất miền Trung, và đang nằm trong giai đoạn bùng phát các ổ dịch. Các BV trên địa bàn tỉnh tiếp nhận số bệnh nhân nhập viện điều trị SXH tăng đột biến.

Bác sĩ Tô Mười – Giám đốc BV đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam cho biết, tại BV này ca mắc SXH nhập viện rất nhiều, đặc biệt là trẻ em. Có thời điểm BV phải kê giường ra ngoài hành lang để phục vụ bệnh nhân và người nhà vì các phòng bệnh quá tải. Riêng tại khoa Nhi, chỉ tiêu là 60 giường nhưng tính đến tháng 11-2022, số giường thực kê tại khoa là 250 giường và có tới hơn 200 bệnh nhân mắc SXH.

Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, số ca mắc SXH tính đến ngày 6-11 là 14.669 ca, tăng gấp 20,4 lần so với cùng kỳ năm 2021 và gấp 3,4 lần so với trung bình 5 năm. Trong đó, số ca mắc trên 100.000 dân là 981 ca, đứng đầu khu vực miền Trung. Đến đầu tháng 11, toàn tỉnh đã xuất hiện 251 ổ dịch SXH ở 113 xã của 18/18 huyện, thị xã, thành phố. Các địa phương có bệnh nhân mắc SXH cao là TP Tam Kỳ, Đại Lộc, Thăng Bình, Điện Bàn, Phú Ninh, Duy Xuyên. Bệnh hiện nay đang rất nguy hiểm và diễn biến chuyển nặng nhanh. Cuối tháng 10 vừa qua đã ghi nhận một trường hợp tử vong do SXH.

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam Nguyễn Văn Văn cho biết, tỉnh đã thành lập 2.591 đội xung kích diệt lăng quăng, bọ gậy, triển khai mạnh mẽ chiến dịch vệ sinh môi trường trên địa bàn từ nay đến cuối năm và duy trì hoạt động 1 - 2 lần/tuần tại các khu vực có nguy cơ cao. Cùng với công tác tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng chống dịch, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương chủ động bố trí kinh phí, cơ số vật tư tiêu hao, trang thiết bị, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch SXH tại địa phương. Sở Y tế Quảng Nam cũng có văn bản yêu cầu các đơn vị dựa trên số lượng bệnh nhân đang được điều trị SXH chủ động xây dựng phương án phù hợp, chi tiết và tự điều tiết chuyển bệnh nhân từ khoa Y học nhiệt đới qua các khoa khác trong BV. Việc điều tiết bệnh nhân giữa các khoa cần linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ yếu tố về nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất, có đủ điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt nhất.

Tại cuộc họp về phòng chống dịch SXH mới đây, ông Trần Văn Tân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu tất cả địa phương nâng mức cảnh báo dịch bệnh, triển khai hàng loạt biện pháp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch. Các cơ sở y tế phải có phương án chủ động tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân, tránh quá tải điều trị do SXH tại các cơ sở y tế, tránh việc xử trí không kịp thời các trường hợp cảnh báo và ca nặng. Các địa phương phải tổ chức, duy trì đội xung kích tham gia dọn vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy, xử lý triệt để các ổ dịch dai dẳng, khó kiểm soát.

Đông A – Bão Bình