Báo Công An Đà Nẵng

Sợ kiện tụng, Hà Lan sắp rút lại quyết định hủy bỏ giải vô địch quốc gia

Thứ năm, 30/04/2020 23:25

Làn sóng phản đối dữ dội từ các CLB có thể khiến Liên đoàn bóng đá Hà Lan làm chuyện hy hữu: Rút lại quyết định hủy bỏ mùa giải.

Giải bóng đá Hà Lan 2019 - 2020 lại có cơ hội quay trở lại dù đã bị hủy.   Ảnh: Eurosports

Ngày 24-4, Ban tổ chức các giải đấu Hà Lan xác nhận, mùa giải kết thúc ngay lập tức sau khi Chính phủ nước này cấm mọi hoạt động tụ tập đông người tới đầu tháng 9. Dù tuyên bố kết thúc giải, nhưng Liên đoàn Bóng đá Hà Lan (KNVB) không trao danh hiệu vô địch cho những đội bóng dẫn đầu, cũng như không có đội bóng nào ở cuối bảng phải xuống hạng. 

Theo đó, các suất dự cúp châu Âu được xác định dựa trên thứ hạng hiện tại. Ajax (hạng 1) và AZ Alkmaar (hạng 2) sẽ dự vòng sơ loại Champions League, Feyenoord (hạng 3) vào thẳng vòng bảng Europa League, PSV và Willem II (hạng 4, 5) dự vòng sơ loại thứ 2. Quyết định này đang gây ra làn sóng phản đối từ các CLB mà quyền lợi của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ban lãnh đạo Utrecht đang tiến hành các thủ tục pháp lý để khởi kiện Liên đoàn Bóng đá Hà Lan. Trước khi hủy giải, Utrecht xếp thứ 6 ở Eredivisie. Với vị trí này, Utrecht không có cơ hội tham dự Europa League chỉ vì kém 3 điểm so với đối thủ xếp ngay trên Willem II, đội cuối cùng có suất tham dự cúp châu Âu (nhưng vẫn đá ít hơn 1 trận). Utrecht có cơ hội qua mặt Willem II với 1 chiến thắng, bởi họ đang có hiệu số bàn thắng - bại rất cách biệt (+16, so với +3 của Willem II). Utrecht còn mất luôn cơ hội tranh vé Europa League thông qua cúp Quốc gia dù đã góp mặt ở chung kết (giải đấu này cũng bị hủy).

CLB Cambuur là đội dẫn đầu giải hạng Nhì Eerste Divisie với 4 điểm, nhiều hơn đội xếp thứ 2 De Graasfchap và 11 điểm so với đội xếp thứ 3 Volendam. Với lợi thế lớn này nhưng họ lại không có cơ hội thăng hạng mùa tới.

Ông Ard de Graaf - Tổng Giám đốc của Cambuur bày tỏ sự không đồng tình với việc KNVB hủy mùa giải 2019 - 2020: "Thật không thể hiểu nổi, đây là một quyết định bất công".

Utrecht và Cambuur chính là hai đội bóng đầu tiên đề xuất khởi kiện KNVB và nhận được sự ủng hộ từ nhiều đội bóng khác. Trong khi đó, Ajax Amsterdam và AZ cũng không hài lòng với quyết định hủy giải. Hai đội này đang cạnh tranh quyết liệt cho chức vô địch với cùng điểm số, Ajax tạm xếp trên do hơn về hiệu số bàn thắng - bàn bại nhưng lại thua AZ Alkmaar cả hai lượt trận. Ajax lỡ cơ hội vô địch lần thứ 35 và AZ Alkmaar chưa thể giành danh hiệu thứ 3.

Phía AZ Alkmaar vô cùng bức xúc vì phải dự vòng sơ loại thứ 2 Chamions League, còn đối thủ được góp mặt tại vòng sơ loại cuối cùng. Feyenoord cũng không thể hài lòng với quyết định này. Họ đang đứng thứ 3 với 50 điểm và vẫn còn cơ hội tranh chấp ngôi vô địch. Chưa kể, đội bóng thành Rotterdam còn lọt vào trận chung kết Cup Quốc gia với Utrecht.

Theo phân tích của giới luật sư chuyên về lĩnh vực thể thao, khả năng chiến thắng của vụ kiện này là khá cao, tuy nhiên vụ kiện sẽ tốn nhiều thời gian. Các CLB đã được tham khảo ý kiến về việc hủy bỏ mùa giải với 16 đội bỏ phiếu cho giải pháp có đội thăng hạng, xuống hạng tại Eredivisie. Tuy nhiên, 9 đội bỏ phiếu chống trong khi 9 đội khác bỏ phiếu trắng, trao quyền quyết định cuối cùng cho KNVB. Đó là lý do để có quyết định gây tranh cãi trong vài ngày qua.

KNVB chấp nhận tổn thất lớn với quyết định này, bởi theo nhật báo Daily Mail (Anh), Chính phủ Hà Lan đã nhận được đơn xin viện trợ 350 triệu bảng để giải quyết vấn đề tài chính của bóng đá Hà Lan khi mùa giải phải kết thúc sớm.

Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) từng khuyến cáo các quốc gia phải làm mọi cách để kết thúc mùa giải 2019 - 2020, hoặc đối mặt với việc các CLB trong nước sẽ mất quyền tham dự Champions League và Europa League. Nhưng UEFA mới đây nới lỏng quan điểm, khi chấp nhận cho hủy các giải VĐQG nếu chính phủ nước đó cấm tổ chức các sự kiện thể thao hoặc các đội bóng tại giải khánh kiệt về tài chính. 

MINH ĐĂNG/TIN TỨC

Ở châu Âu, Hà Lan và Bỉ là hai quốc gia đã tuyên bố hủy bỏ giải vô địch 2019 - 2020. Việc tuyên bố "xóa sổ" mùa giải tưởng chừng đơn giản, nhưng hóa ra lại phức tạp, khó lường. Không chỉ phải đau đầu tìm cách xác định đội vô địch và các đội được quyền tham dự 2 cúp châu Âu mùa tới, các LĐBĐ quốc gia còn phải lo xử lý sao cho ổn thỏa các suất xuống hạng, thăng hạng mà không để xảy ra kiện cáo. Việc Bỉ kết thúc sớm đi ngược lại ý chí của UEFA và các giải châu Âu khác. Để các giải có thêm thời gian kết thúc mùa giải hiện tại, UEFA đã phải lùi Euro sang năm 2021. Hành động trên của Bỉ đã đối diện với án phạt bị loại khỏi 2 cúp châu lục mùa tới của UEFA.