Số phận lênh đênh của kênh đào Kra
(Cadn.com.vn) - Eo biển Malacca từ lâu là cửa ngõ quan trọng từ Ấn Độ Dương đi vào khu vực Châu Á -Thái Bình Dương rộng lớn và cho phép vận chuyển dầu thô và các nguồn tài nguyên chiến lược khác đến nhiều cảng ở Đông Á, từ Manila đến Tokyo. Nhưng nó dường như đang quá tải.
Vì vậy, ý tưởng xây dựng một con kênh đi qua khu vực Kra Isthmus ở Thái Lan là vấn đề quan tâm của người đi biển, thương nhân, và các nhà chiến lược địa chính trị từ sau thế kỷ XVII tới nay. Eo đất Kra, chỉ rộng 44km tại điểm hẹp nhất, sẽ là tuyến đường cần thiết xung quanh toàn bộ bán đảo Malaysia, kết nối Đông - Tây, kết nối biển Andaman ở Ấn Độ Dương với biển Đông. Một kênh đào Kra như thế này không tiết kiệm nhiên liệu và thời gian nhiều như trường hợp của kênh đào Panama hoặc Suez, nhưng nó có thể làm dịu bớt tình trạng quá tải hiện nay của eo biển Malacca.
Rõ ràng, kênh đào này là một ý tưởng tuyệt vời, nhưng tại sao nó chưa được xây dựng?
Nỗ lực từ xưa
Trong lịch sử, nỗ lực đầu tiên nghiên cứu tính khả thi của một con kênh như thế thuộc về kỹ sư người Pháp De Lamar vào nửa sau thế kỷ XVII, theo yêu cầu của Vua Siam, Narai.
Ý tưởng này bị hoãn lại do những hạn chế về kỹ thuật vào thời điểm đó và được nhắc lại 1 thế kỷ sau đó dưới thời vua Rama I.
Tuy nhiên, một lần nữa, nó cũng không gặp may. Trong thời gian này, nền quân chủ Thái Lan công nhận tầm quan trọng chiến lược của kênh đào trong hoạt động chuyển quân. Sau đó, Cty British East India khảo sát nhưng từ bỏ dự án bởi địa hình núi khiến việc xây dựng con kênh ở mực nước biển sẽ rất tốn kém.
Sau một thời gian tạm lắng, khủng hoảng tài chính Châu Á vào cuối những năm 1990 khiến mối quan tâm đến kênh đào này hồi sinh. Quỹ cơ sở hạ tầng toàn cầu (GIF) của Nhật Bản tiến hành nghiên cứu khả thi, trong đó ước tính chi phí 20 tỷ USD để xây kênh đào dài 50km qua eo đất Kra.
Trong nhiệm kỳ của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra (2001-2006), dự án một lần nữa bị đặt ra ngoài bởi còn nhiều vấn đề khác cần ưu tiên thực hiện trước. Dưới thời Thủ tướng Yingluck Shinawatra, kênh đào một lần nữa được nhắc đến.
Theo một chuyên gia, bà Yingluck cam kết xem xét và khôi phục lại các dự án phát triển, trong đó có kênh Kra, với mục đích phát triển và hàn gắn nền kinh tế của đất nước.
Khu vực Kra Isthmus. Ảnh: Diplomat |
Tác động địa chính trị
Kênh Kra có vị trí địa chính trị vô cùng quan trọng trong khu vực. Do đó, các đối tác của Thái Lan trong ASEAN và các nơi khác ở Châu Á có những quan điểm khác nhau về dự án này.
Đối với Malaysia và Singapore, họ không muốn kênh đào được xây dựng, vì chuyển hướng giao thông và hoạt động ra khỏi bán đảo Malaysia là bất lợi cho lợi ích của cả hai. Tuy nhiên, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ lưu ý rằng, tầm quan trọng của Malacca đối với thương mại năng lượng toàn cầu sẽ không bao giờ mất đi dù kênh Kra được xây dựng.
Theo tổ chức này, Malacca "là tuyến đường quan trọng ở Châu Á với ước tính khoảng 15,2 triệu thùng/ngày trong năm 2011, so với 13,8 triệu thùng/ngày năm 2007 được vận chuyển qua đây". Nó vẫn là con đường ngắn nhất giữa các nhà cung cấp dầu ở Vịnh Ba Tư và người tiêu dùng Đông Á. Nếu kênh Kra được xây dựng, Malaysia và Singapore sẽ bị ảnh hưởng phần nào, nhưng Malacca sẽ luôn là tuyến đường chiến lược trong thương mại giữa Vịnh Ba Tư với Indonesia hoặc Australia.
Myanmar, Campuchia, và Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ kênh đào này. Myanmar có vùng biển bị cô lập khỏi biển Đông khiến thương mại giữa nó và các đối tác Đông Nam Á trên biển phụ thuộc vào Malacca. Kênh Kra sẽ làm giảm chi phí thương mại trên biển đáng kể cho Myanmar.
Campuchia dự kiến sẽ tăng trưởng kinh tế dọc theo các thành phố ven biển thông qua Hành lang Kinh tế Tiểu vùng sông Mê Kông (SEC). Với Việt Nam, nước có 90% hàng hóa giao dịch bằng đường biển, kênh Kra giúp chúng ta có thể cạnh tranh với Singapore, trở thành một trung tâm thương mại của khu vực Châu Á -Thái Bình Dương.
Ấn, Nhật, Trung, các nhà nhập khẩu năng lượng - sẽ được hưởng lợi từ Kênh Kra.
Vẫn chờ dài cổ
Thái Lan, đối tác kinh tế chiến lược với Trung Quốc, có thể chuyển dự án Kênh Kra cho các nhà đầu tư Bắc Kinh.
Chính quyền ông Tập Cận Bình vốn đang nỗ lực để chứng minh thiện chí đối với khu vực ASEAN, sẽ ủng hộ Bangkok thực hiện dự án kênh đào này. Đối với Ấn Độ, kênh đào Kra sẽ hỗ trợ chính sách "Hướng Đông" của mình. Kênh Kra cũng sẽ cải thiện cách tiếp cận của Ấn Độ đối với các đối tác chiến lược quan trọng trên biển Đông. Tuy nhiên, đối với Thái Lan, việc xây dựng kênh Kra có thể thúc đẩy phong trào ly khai của phần phía Nam của nước này.
Nếu được xây dựng, kênh Kra sẽ chuyển đổi sâu sắc bối cảnh chiến lược và kinh tế của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Thái Lan sẽ cân bằng an ninh quốc gia và lợi ích kinh tế để thực hiện các bước đi cuối cùng nhằm đưa kênh Kra đi vào hoạt động. Dự án cũng đại diện cho chủ nghĩa đa phương và hợp tác ở Đông Nam Á. ASEAN có thể chứng minh sự trưởng thành của mình như là một tổ chức khu vực bằng cách hợp tác dựa trên sự phát triển của kênh đào này.
Tuy nhiên, bất chấp những ý nghĩa tuyệt vời của Kênh Kra, trên thực tế, chúng ta có lẽ phải chờ đợi một thời gian nữa để kênh Kra trở thành hiện thực.
An Bình
(Theo Diplomat)