Báo Công An Đà Nẵng

Số phận những thông dịch viên cho Mỹ tại Afghanistan

Thứ ba, 02/12/2014 11:02

(Cadn.com.vn) - Những thông dịch viên từng làm việc với lực lượng Mỹ tại Afghanistan đang bị Taliban truy tìm và giết hại. Hàng ngàn người di cư sang Mỹ, nhưng nhiều người khác bị cấm, từ chối thị thực, và đang gặp nguy hiểm.

Đầu năm 2014, 2 người đàn ông đến nhà Nader và bấm chuông cửa. Khi Nader xuất hiện, họ dụ dỗ ông ra ngoài và kéo ông vào nghĩa địa làng. “Khi tôi nhận ra rằng họ đưa tôi đi đâu đó để giết tôi, tôi bắt đầu la hét. Anh trai tôi đi tìm tôi, nhưng khi ông đến, họ đã bắn tôi. May mắn tôi không trúng đạn vào đầu và họ bỏ đi”, Nader nói. Ông bị thương ở chân.

Làng của Nader, nằm cách Kabul khoảng 1 giờ lái xe về phía bắc, là lãnh thổ thù địch đối với Taliban. Hiện, Taliban vẫn tiếp tục tìm kiếm giết Nader. Vì vậy, cũng như nhiều thông dịch viên khác còn ở lại Afghanistan, ông phải trốn đến Kabul.

Một thông dịch viên của quân đội Mỹ tại Afganistan (phải). Ảnh: BBC

Bị sa thải

Các quan chức Bộ Ngoại giao cho biết, 13.000 người Afghanistan, từng làm việc với Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế, đã chạy trốn sang Mỹ theo một chương trình đặc biệt dành riêng cho họ. Khoảng 70% trong số này là thông dịch viên.

Nhưng đối với hàng trăm người như Nader, những người bị sa thải, tính mạng đang bị đe dọa. Những người này bị sa thải vì những sai lầm chẳng hạn như đem theo điện thoại di động khi đi tuần - hành vi bị cấm vì nó có thể cảnh báo cho Taliban biết sự hiện diện của binh sĩ. Một số người vô tình mang theo cái quần dài của quân đội Mỹ trong túi xách khi rời khỏi cơ sở - sai lầm nguy hiểm vì nếu quần rơi vào tay kẻ xấu nó có thể được một chiến binh sử dụng ngụy trang. Nhiều người trong số những người thông dịch không làm gì sai, họ chỉ thất bại trong bài kiểm tra nói dối.

Thông dịch viên thường xuyên bị kiểm tra nhằm loại bỏ những người có tình cảm với Taliban. Tuy nhiên, nhiều thông dịch viên cho rằng, bài kiểm tra này không đáng tin cậy. Một trong số họ, Sayid, nói rằng, ông không kiểm tra đơn giản chỉ vì ông rất lo lắng. Sau 7 năm phục vụ cho các lực lượng Mỹ và Canada, một ngày nọ, ông không được phép vào căn cứ nữa. Có thể, một số người cho rằng, những người này xứng đáng bị sa thải, nhưng việc đưa họ vào danh sách đen là tương đương với bản án tử hình. Sayid nói rằng ngay cả khi đã ở Kabul, ông cũng không an toàn.

Và bị đưa vào danh sách đen

Danh sách đen ban đầu được áp dụng để theo dõi các chiến binh Taliban, những người trồng thuốc phiện và tội phạm, bằng cách quét dấu vân tay. Nó trở thành cơ sở dữ liệu sinh trắc học của bất cứ ai từng tiếp xúc với các lực lượng liên minh.

Nằm trong danh sách đen có nghĩa là những thông dịch viên này không được làm việc với bất kỳ lực lượng nước ngoài, quân đội, bất kỳ Cty nước ngoài, hoặc bất kỳ chi nhánh nào của chính phủ Afghanistan, bao gồm cả quân đội hay cảnh sát. Họ sẽ không được phép lên máy bay, và thậm chí còn bị từ chối nhập cảnh vào sân bay.

Do đó, hầu hết trong số họ hiện thất nghiệp. Mỹ “cam kết hỗ trợ những người gặp nguy hiểm”. Tuy nhiên, một quan chức cho biết trong khi 9.000 “thị thực nhập cư đặc biệt” được phát cho người Afghanistan trong năm nay, và chương trình sẽ được mở rộng đến năm 2015, những thông dịch viên “bị sa thải sẽ rất khó để có được... visa”.

Hơn 30 thông dịch viên gần đây tập trung trong một công viên ở Kabul để thảo luận về tương lai của họ. Khalid, một người trong số này, làm việc với Lực lượng Đặc biệt của Mỹ ở tỉnh Helmand. Khi các căn cứ ở Helmand đóng cửa, ông làm việc với thường dân Mỹ ở Kabul. Nhưng khi công việc kết thúc, ông bị sốc khi biết mình bị sa thải. “Họ nói tôi cãi nhau với một phụ nữ Mỹ. Tôi biết người phụ nữ đó, tôi cãi nhau và cô ấy đưa tôi vào danh sách đen”, ông nói. Giờ đây, Khalid không thể rời khỏi nhà mà không ngụy trang.

Và thực tế cho thấy, khi càng nhiều các lực lượng nước ngoài rời khỏi Afghanistan, các thông dịch viên càng đối mặt với nguy hiểm nhiều hơn.

An Bình
(Theo BBC)