Sở Y tế các tỉnh, thành lên tiếng về việc mua sinh phẩm của công ty Việt Á
Liên quan đến những vấn đề về mua sắm kit test COVID-19 xảy ra tại Công ty CP Công nghệ Việt Á (gọi tắt là Cty Việt Á), ngày 20-12, Sở Y tế các tỉnh thành gồm TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Nghệ An đã thông tin về việc mua sắm, sử dụng máy móc, sinh phẩm của Công ty Việt Á.
Ngành Y tế tỉnh Quảng Nam lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân. |
Đà Nẵng mua sắm thiết bị y tế đúng quy định Liên quan đến việc ông Phan Quốc Việt - Tổng giám đốc Công ty Thiết bị y tế Việt Á vừa bị bắt vì “thổi giá” kít xét nghiệm COVID-19, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Kim Yến cho hay, vụ việc đã gây ảnh hưởng nhiều đến tinh thần của lực lượng làm công tác y tế dự phòng ở các tỉnh thành trên cả nước trong đó có Đà Nẵng. Sở Y tế TP đã có văn bản thông tin chính thức về việc mua sắm kít xét nghiệm của Công ty Việt Á. Lãnh đạo TP khẳng định, TP mua sắm thiết bị y tế theo đúng quy định về luật đấu thầu. Các thủ tục liên quan đến việc mua sắm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP có tham mưu Sở Y tế cũng như tổ chức thực hiện đầy đủ theo đúng quy quy định. Việc mua sắm các trang thiết bị y tế kịp thời đã phục vụ tốt cho công tác xét nghiệm diện rộng, góp phần quan trọng trong bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, khống chế hiệu quả dịch bệnh trên địa bàn TP. |
Sở Y tế Đà Nẵng nói gì?
Chiều 20-12, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng có văn bản gửi UBND thành phố về việc mua sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, tại thời điểm tháng 5-2021, trước yêu cầu cấp bách của công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 và để bảo đảm kịp thời sinh phẩm xét nghiệm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) TP đề xuất mua 70.000 test sinh phẩm xét nghiệm LightPower IVASARS-CoV-2 1stRT-rPCR Kit, hãng sản xuất là Công ty Việt Á với đơn giá dự toán 509.250 đồng/test. Cơ sở xây dựng giá dự toán của mặt hàng sinh phẩm xét nghiệm LightPower IVASARS-CoV-2 1stRT-rPCR Kit gồm 3 báo giá thị trường. Các quyết định trúng thầu trước đó được công khai tại cổng công khai kết quả đấu thầu Bộ Y tế theo quy định.
Từ ngày 2-7-2021, Bộ Y tế cập nhật giá bán công khai sinh phẩm này tại Công văn số 5288 BYT-TB-CT là 470.000 đồng/test cho đơn hàng dưới 500.000 test, 367.500 đồng/test với đơn hàng từ 500.000 đến dưới 1.000.000 test. Theo đó, trên cơ sở đề xuất của CDC Đà Nẵng, Sở Y tế phối hợp các cơ quan có liên quan trình UBND TP phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu 3 gói thầu, với tổng số lượng mua sắm 200.000 test, đơn giá 367.500 đồng/test.
Liên quan đến việc thực hiện thủ tục mua sắm: Hội đồng thẩm định Sở Y tế Đà Nẵng thực hiện thẩm định hồ sơ; xin ý kiến Hội đồng mua sắm phòng, chống dịch COVID-19 TP gồm các thành viên Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Công an TP và lấy ý kiến Sở Tài chính về giá dự toán mua sắm, đồng thời tổng hợp, xây dựng báo cáo trình UBND TP phê duyệt mua sắm và kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Sở Y tế khẳng định, xét nghiệm là một trong những biện pháp then chốt trong công tác kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19 để kịp thời bóc tách F0, truy vết F1, khoanh vùng, cách ly phù hợp. Trong năm 2021, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế, CDC Đà Nẵng chủ động tham mưu và tổ chức thực hiện, tăng cường giám sát, xét nghiệm chủ động theo quy định, trong đó thực hiện phương pháp gộp mẫu 10, mẫu 20, thậm chí 30 mẫu để vừa bảo đảm tính kịp thời tăng năng suất xét nghiệm vừa tiết kiệm kinh phí. Từ tháng 5 đến tháng 10-2021, thực hiện các kế hoạch xét nghiệm của UBND TP, CDC Đà Nẵng xét nghiệm 5.384.665 lượt người bằng phương pháp RT-PCR với số lượng test sinh phẩm xét nghiệm là 309.866 test
Quảng Nam: “Không mua kit test của Cty Việt Á”
Trong khi đó, Sở Y tế Quảng Nam khẳng định, trong năm 2021 Quảng Nam không mua sinh phẩm, kit test của Cty Việt Á.
Đại diện lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho rằng, Quảng Nam hoàn toàn không liên quan đến việc mua sinh phẩm, kit test của Cty Việt Á. “Thời điểm bùng dịch hồi tháng 7-2020, Cty Việt Á cho Quảng Nam mượn 3 hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động đặt tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC Quảng Nam). Máy Việt Á thì phải chạy sinh phẩm của Việt Á, được sự cho phép của UBND tỉnh, Quảng Nam có mượn sinh phẩm, một số vật tư của Cty Việt Á, sau đó đã thực hiện mua sắm để trả lại. Ngoài ra, sinh phẩm xét nghiệm chạy hệ thống máy này cũng được một số đơn vị khác tài trợ. Đến đầu tháng 2-2021, Quảng Nam đã hoàn trả 3 hệ thống máy này cho Cty Việt Á”- lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Nam nói.
Được biết hiện nay tại Quảng Nam, Cty Việt Á có đầu tư 2 hệ thống phòng khám đa khoa tại xã Tam Thăng (TP Tam Kỳ) và Phòng khám Đa khoa Đông Quế Sơn (xã Quế Phú, huyện Quế Sơn). Các phòng khám này hiện hoạt động bình thường. Liên quan đến việc kit test xét nghiệm COVID-19, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam thông tin thêm, năm 2020, Quảng Nam được tài trợ hơn 40 ngàn kit test và số sinh phẩm kit test xét nghiệm này được dùng từ tháng 7-2020 đến tháng 7-2021. Khi số sinh phẩm được tài trợ sắp hết thì địa phương bắt đầu mua sinh phẩm, kit test dựa trên công bố của Bộ Y tế.
"Bộ Y tế đưa lên những danh mục về test nhanh, kit chạy sinh phẩm, kit chạy PCR, trong đó thông tin cả hãng sản xuất, thông số kỹ thuật, giá và đơn vị cung ứng để cho mình lựa chọn những sản phẩm phù hợp với máy của đơn vị sử dụng. Về tiêu chí, chúng tôi lựa chọn những sinh phẩm nào có giá thấp nhất, dựa trên kết quả trúng thầu của các đơn vị. Dù báo giá như vậy nhưng phải dựa vào kết quả trúng thầu để lập dự toán trình xin mua”, đại diện Sở Y tế tỉnh Quảng Nam nói.
Theo đại diện này, từ tháng 7-2021, Quảng Nam tiến hành 4 đợt mua với tổng số 85 ngàn kit test của Công ty TNHH Medvision Việt Nam, được công ty tặng thêm 28 ngàn kit test; mức giá dao động từ 150 - 225 ngàn đồng/1 kit test. Sinh phẩm kit test này được các đơn vị sử dụng hài lòng vì cho ra kết quả nhanh, phù hợp với hệ thống máy xét nghiệm tại Quảng Nam.
Kit xét nghiệm của Công ty Việt Á. |
Nghệ An nói “mua khoảng 28 tỷ đồng”
Tại Nghệ An, ngày 20-12, TS Nguyễn Văn Định, Giám đốc CDC Nghệ An cho biết, CDC tỉnh này đã mua sinh phẩm của công ty Việt Á khoảng 28 tỷ đồng, chủ yếu là các vật tư, sinh phẩm chạy xét nghiệm sàng lọc và không mua test nhanh.
Ngoài công ty Việt Á, còn có 4 công ty cung ứng sản phẩm cho CDC Nghệ An. Tổng mua sắm của Nghệ An từ đầu dịch COVID-19 đến nay là 60 tỷ đồng (trong đó, 28 tỷ đồng mua sinh phẩm của công ty Việt Á, 32 tỷ đồng mua của các công ty khác). Trong số 28 tỷ đồng mua sinh phẩm của công ty Việt Á được thực hiện ở 4 gói thầu (2 gói chỉ định thầu, 2 gói đấu thầu rộng rãi). Riêng 2 gói chỉ định thầu có tổng số tiền 18,5 tỷ đồng.
Cũng theo TS. Nguyễn Văn Định, quan điểm của tỉnh Nghệ An là đã mua sắm phải đúng quy trình. CDC Nghệ An xây dựng gói thầu xuất phát từ nhu cầu rồi trình UBND tỉnh chủ trương kinh phí đáp ứng đúng tình hình dịch. Có thời điểm xây dựng gói thầu từ khi giá còn cao nhưng đến khi hoàn thành, tại thời điểm mua thì giá xuống thấp. Theo chỉ đạo của Sở Y tế, CDC Nghệ An chỉ chấp nhận giá tại thời điểm khi mua. Theo giá mặt bằng chung của cả nước, Nghệ An mua ở giá thấp nhất.
Về thông tin Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành khám xét khẩn cấp 16 địa điểm tại 8 địa phương, trong đó có Nghệ An, Giám đốc CDC Nghệ An cho hay, đơn vị chưa nhận được thông tin nào từ Bộ Công an để phối hợp điều tra liên quan đến việc nâng khống giá thiết bị ở Công ty CP Công nghệ Việt Á.
Nhóm P.V