Báo Công An Đà Nẵng

Sơn nữ ơi...

Thứ bảy, 21/09/2013 13:14

(Cadn.com.vn) - Khi làm xong công trình, những công nhân Trung Quốc lặng lẽ rời khỏi chốn núi rừng, bỏ lại những sơn nữ u sầu, một mình vất vả hát ru con dại...

Cây cải về trời

Ở cái xã Tà Pơ xa xôi, hẻo lánh của H. Nam Giang (Quảng Nam), để tìm nhà một người nào đó chẳng phải dễ, thế nhưng khi hỏi đường đến nhà em Nguyễn Thị Hiền thì ai cũng biết. Cũng bởi câu chuyện tình của Hiền với một công nhân Trung Quốc. Trong căn nhà đơn sơ, nằm chênh vênh trên ngọn đồi ở thôn Vinh, Hiền lặng lẽ chăm sóc con gái nhỏ, mặc cho những lời thị phi ngoài kia. “Con của em thì em nuôi thôi, người ta nói gì em mặc kệ”, Hiền nói vậy nhưng  trong ánh mắt của Hiền vẫn ẩn hiện nỗi buồn hiu hắt đến chạnh lòng. Là cô gái xinh đẹp nhất Tà Pơ, vì thế khi mới bước vào cái tuổi cập kê, Hiền đã được rất nhiều trai làng để ý.

Ai cũng muốn bắt Hiền về làm vợ nhưng tất cả đều không lọt vào mắt xanh của sơn nữ này. Rồi một ngày, công trình thủy điện Sông Bung 4 triển khai, cuộc sống của người dân ở xã Tà Pơ trở nên náo nhiệt bởi sự xuất hiện của hàng trăm công nhân người Trung Quốc. Hàng quán mọc lên. Không bỏ lỡ cơ hội này, Hiền cũng mở một quán nước. Với vẻ đẹp mặn mà, Hiền không bị “để ý” mới là chuyện lạ. Song, người Hiền chọn là một quản lý người Trung Quốc. “Ảnh tên là A Huy, lớn hơn em 10 tuổi.  Khi em dẫn A Huy về giới thiệu thì bố mẹ phản đối, ngăn cấm không cho nhưng chẳng biết sao lúc đó em cũng có cảm tình và dù em biết bên Trung Quốc ảnh đã có vợ con rồi nhưng sau em vẫn cứ yêu”, Hiền nhớ lại.

Bờ nước Bưng và cháu Bờ nước Thị Hen (bé lớn) phải sống trong nghèo khó
từ khi người chồng hờ Trung Quốc bỏ đi.

Chỉ nói được bập bẹ vài câu tiếng Trung nhưng dường như sự bất đồng về ngôn ngữ chẳng khiến Hiền phải bận tâm, em vẫn cứ yêu và yêu hết mình. Nhìn thấy tương lai bấp bênh của con gái nhưng vì Hiền không nghe lời nên gia đình rất giận, tuyên bố từ mặt. Hiền dọn ra ngoài sống. Sự cả tin của Hiền đã khiến cuộc đời của em bước vào bước ngoặt khác, buồn tủi và cô đơn. Gần đến ngày sinh, khi Hiền vui sướng chuẩn bị đón con gái đầu lòng thì A Huy âm thầm khăn gói trở về Trung Quốc, chẳng một lời từ biệt. Đến bây giờ, khi con gái đã được 9 tháng tuổi, Hiền chẳng biết vì sao A Huy rời bỏ hai mẹ con và cũng không một dòng tin tức nhắn về. “Yêu nhau được hơn một năm thì A Huy dẫn em sang Quảng Châu (Trung Quốc) thăm gia đình. Trong lúc ngồi ăn cơm thì ba mẹ ảnh nói em chỉ yêu vì tiền thôi chứ không thật lòng. Em nói không đúng, thì họ nói sinh cho A Huy đứa con để làm tin. Vì muốn chứng minh và tin tưởng người yêu nên em mới đồng ý sinh con cho A Huy”, mắt Hiền rưng rưng.

Câu chuyện của Hiền không phải là duy nhất xảy ra trên các bản làng hẻo lánh Quảng Nam khi có công nhân Trung Quốc đến làm việc. Chưa có con số thống kê đầy đủ, nhưng số mối tình hờ như vậy lên đến hàng chục.

Rau răm ở lại

Trung thu năm nay, cháu Bờnước Thị Hen (thôn Kà Dâu, xã Za Hung, H. Đông Giang) vừa tròn ba tuổi và cũng chừng đó năm người mẹ Bờnước Bưng của em phải vất vả nuôi con một mình. Ngày bé Hen được sinh ra, cả  làng Kà Dâu đều kinh ngạc bởi hình dạng khác thường của em, mắt một mí, da trắng và cao lớn hơn hẳn những đứa trẻ khác. Dân làng sinh nghi, hỏi dồn thì Bờnước Bưng mới thật thà nói là con công nhân Trung Quốc. Hỏi chuyện trước đây thì chị Bưng nói rằng mình bị lừa.

Vào năm 2009 khi nhiều công nhân Trung Quốc đến ở trên địa bàn thôn để xây dựng thủy điện Za Hung thì có một công nhân thường lui tới nhà chị Bưng chơi. “Nó nói được tiếng Việt, ban đầu làm quen, sau đó nó hứa sẽ đưa mình sang Trung Quốc sống sung sướng, không phải làm rẫy vất vả, tin lời nó nên mình mới lấy làm chồng. Nhưng khi mình có thai thì nó đi mất, chẳng biết tìm ở đâu. Chừ mình mới biết bị lừa”, Bưng kể. Từ ngày người chồng hờ Trung Quốc bỏ đi thì cuộc sống của mẹ con chị Bưng rơi vào cảnh khó khăn, bị bản làng xa lánh. Và để có cái ăn, từ lúc bé Hen mới vài tháng tuổi, Bưng đã điệu con đi làm rẫy. Khi bé Hen lớn lên bị nhiều đứa trẻ trong làng trêu chọc là “con Tàu”. Mỗi lần nghe như thế Bưng rất buồn, có khi chị chạy theo lũ trẻ và hét lên “nó không phải con Trung Quốc, là con tao, con Việt Nam đấy”, để rồi sau đó ôm mặt khóc.    

Công nhân phổ thông Trung Quốc làm việc ở công trường thủy điện Sông Bung 4.

Đến rồi lại đi, thế nên hậu quả của việc lao động phổ thông Trung Quốc làm việc trên các công trình thủy điện Quảng Nam đâu chỉ là về an ninh trật tự, mà còn để lại nhiều vấn đề xã hội khác. Ka Riêng Diệu, Trưởng công an xã Tà Pơ cho biết, trước khi công nhân Trung Quốc đến đây làm thủy điện thì xã đã tổ chức tuyên truyền cho người dân, nhất là chị em phụ nữ cảnh giác, không để bị lừa phỉnh. “Tuyên truyền vậy nhưng nhiều cô gái vẫn bị họ lừa, đến lúc bụng to lên thì chúng nó bỏ đi mất, nhiều người khác thì bị lừa đưa sang Trung Quốc. Tình hình này phức tạp lắm”, Diệu lo lắng.

Rồi đây, tương lai của những đứa trẻ không cha đó sẽ ra sao và sẽ còn bao nhiêu thiếu nữ vùng cao vướng vào những mối tình hờ như thế nữa? Những câu hỏi đó rất khó trả lời, khi vẫn còn nhiều lao động phổ thông Trung Quốc làm việc trên các thủy điện ở các huyện miền núi Quảng Nam. Và sơn nữ, vẫn ngây thơ như lũ nai rừng...

Hoàng Anh