Sống là cho... (Kỳ cuối: Hoa của đất)
Với những người tiếp nhận và sử dụng các nhân thể phục vụ cho công tác đào tạo&nghiên cứu y khoa thì sự hy sinh của những người hiến tặng thân xác cho y học tuy thầm lặng nhưng vô cùng cao cả và bất tử. Họ chính là những “người thầy thầm lặng” của biết bao thế hệ thầy trò ngành y. Và với cuộc đời này, họ chính là hoa của đất.
SV khoa Y Dược- ĐH Đà Nẵng thành kính thực hiện các nghi thức Tri ân những người hiến tặng thi hài cho y học. ảnh: P.T |
Những người thầy thầm lặng
Thành lập năm 2007 nhưng mãi đến năm 2016, khoa Y Dược Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) mới tổ chức việc tiếp nhận những người tự nguyện hiến xác cho y học sau khi qua đời. Bác sĩ (BS) Phạm Tiến Bình-BS bộ môn Giải phẫu khoa Y Dược- ĐHĐN cho biết, ngoài ông Nguyễn Tiến Dân, bà Tăng Lý Thị Hoa, khoa còn tiếp nhận đơn tự nguyện hiến xác cho y học của một người hiện sống tại Khánh Hòa. “Khi đến đây làm thủ tục, họ rất bình thản, không lo lắng gì. Sau khi nghe chúng tôi cho biết các quy trình, thủ tục tiếp nhận nhân thể, họ thanh thản ký vào đơn tự nguyện. Với tâm niệm được làm điều gì đó giúp ích cho đời, nghĩa cử hiến tặng xác cho y học của họ thật cao cả!”- BS Phạm Tiến Bình xúc động bày tỏ.
Lời chia sẻ của BS Bình khiến tôi nhớ đến gương mặt đầy biểu cảm của Phan Phước Quốc Bảo, sinh viên y khoa năm thứ nhất, quê Điện Bàn (Quảng Nam) khi lần đầu tham gia nghi lễ Tri ân này: “Lúc nhỏ, chứng kiến cảnh mẹ thường xuyên đau ốm, em mơ ước học thật giỏi để lớn lên thi vào trường y. Khi vào đây học, em mới hiểu được nỗi vất vả, nhọc nhằn cùng những sự áp lực khi học ngành này. Mỗi lần vào phòng nhân thể thực hành, nhìn những thi hài nằm trên bàn phẫu thuật, em vô cùng xúc động. Nghĩa cử của những người hiến xác cho y học thật cao cả, vô giá!”. Qua thông tin của khoa Y Dược- ĐH Đà Nẵng, được biết sau khi phối hợp với Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh tuyển sinh đào tạo y khoa, năm 2008, khoa đã tiếp nhận 2 tiêu bản nhân thể từ trường này về đặt tại Bệnh viện Đà Nẵng để phục vụ công tác giảng dạy. Cùng với sự phát triển, đảm bảo chất lượng đào tạo, khoa tiếp tục tiếp nhận 2 tiêu bản nhân thể mới. Ngoài lễ Tri ân Macchabée truyền thống tổ chức thường niên, vào các ngày rằm, lễ Phật đản, Vu lan..., thầy trò trong khoa vẫn tổ chức thắp hương tri ân các nhân thể. Với thầy trò ngành y, các nhân thể đó tuy thác đi, nhưng thể phách vẫn còn. Như lời TS.BS Phan Thế Phước Long- Phó khoa Y Dược- ĐH Đà Nẵng về ý nghĩa tại Lễ Tri ân: “Thi hào Nguyễn Du đã viết “thác là thể phách, còn là tinh anh”... Nhưng với những người tình nguyện, họ dường như vẫn còn cả hai...Vẫn còn đó “thể phách” với từng mạch máu, thớ cơ, từng bộ phận trong bài giảng của thầy, trò trường y... Vẫn còn đó “tinh anh” trong mỗi dịp Lễ Tri ân-Macchabée truyền thống... Những Cô, Bác, Anh, Chị đó luôn hiện hữu cùng chúng ta và đang tiếp tục một cuộc sống khác đầy ý nghĩa”.
Tìm hiểu về sự ra đời của Lễ Tri ân trên thế giới, được biết, vào thế kỷ thứ V trước công nguyên, Hippocrate- nhà y học Hy Lạp, ông tổ của nền y học phương Tây-là người đầu tiên đưa ra những luận thuyết khoa học vào y học, góp phần xua đi bóng đêm mê tín, dị đoan của những thế kỷ trước. Trong gần 2.000 năm kể từ thế kỷ thứ IV trước công nguyên đến thế kỷ XV sau công nguyên, tôn giáo thời đó chính là một rào cản lớn cho sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Đã có không ít nhà khoa học phải hy sinh tính mạng để bảo vệ luận điểm khoa học của mình... Bất chấp hiểm nguy có thể mang lại, thầy trò ngành y thời đó đã bí mật đem các thi hài vô thừa nhận xuống các hầm rượu để mổ xẻ, thực tập. Mãi đến thời kỳ phục hưng (thế kỷ XVI sau công nguyên), ngành giải phẫu học bắt đầu phát triển mạnh mẽ, trở thành một môn học quan trọng. Lúc đó, việc phẫu tích nhân thể trở nên phổ biến và bắt buộc trong các trường ĐH y. Hơn ai hết, các nhà giải phẫu học là những người cảm nhận sâu sắc sự cống hiến vô cùng quý giá, đầy hiệu quả của những thi hài phục vụ cho học tập, nghiên cứu. Vì thế, họ đã cùng các SV trường y nảy sinh sáng kiến, biến tinh thần biết ơn đó thành Lễ Tri ân Macchabée- khiêu vũ tạ ơn những người đã hiến thân cho khoa học vào dịp lễ Noel hàng năm. Từ đó, Lễ Tri ân Macchabée trở thành nét văn hóa độc đáo, mang đậm tính nhân văn phổ biến tại các nước phương Tây, thể hiện sự kính trọng, thương tiếc và biết ơn của người sống đối với người đã khuất. Tại Việt Nam, trường đào tạo tây y đầu tiên được thành lập vào năm 1902 ở Hà Nội. Lễ Tri ân Macchabée đã được thầy trò của trường tổ chức hàng năm. Tuy nhiên, do biến động của lịch sử, Tri ân Macchabée bị gián đoạn trong một thời gian dài. Năm 1990, Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh tổ chức Lễ Tri ân Macchabée trên cơ sở tiếp nối và hòa nhập với lễ tạ ơn Macchabée trên thế giới. Từ đó, nghi thức này đã nhanh chóng truyền lan đến các trường ĐH y khoa khác trên khắp cả nước, trở thành một ngày lễ không thể thiếu đối với SV y khoa. Và đối với thầy trò trường y, những người hiến tặng nhân thể sau khi mất chính là “những người thầy thầm lặng” của họ.
Hoa của đất!
Theo Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, tại Việt Nam, tính đến ngày 12-9-2018, đã có 18.010 người đăng ký hiến mô tạng với Bộ Y tế, trong đó có khoảng 2.000 người đăng ký hiến tại chùa Giác Ngộ theo lời kêu gọi của Quỹ Đạo Phật ngày nay. Riêng về hiến xác, tuy chưa có con số chính xác, nhưng chỉ tính riêng Trường ĐH Y Dược TPHCM, đến nay đã tiếp nhận 28.960 người làm hồ sơ hiến thi hài cho y học sau khi qua đời. Trong đó, riêng năm 2018, Bộ môn giải phẫu của trường đã tiếp nhận 835 người đến làm hồ sơ hiến tặng. Cũng trong năm này, nhà trường đã tiếp nhận 21 thi hài. Điều đó cho thấy, mặc dù vẫn còn nhiều rào cản nhưng trong đời sống xã hội hiện nay, quan niệm về cái chết cũng như việc hiến tặng xác cho y khoa đã có nhiều thay đổi, cả về tư duy lẫn nhận thức. Theo đó, số người đăng ký hiến tặng xác phục vụ công tác GD-ĐT & nghiên cứu trên lĩnh vực y khoa ngày càng tăng. Khi đi đến quyết định này, họ tâm niệm rằng, cuộc sống càng có ý nghĩa hơn khi ta làm việc gì đó có ích cho đời, khi biết “gieo mầm sống cho hàng triệu con người đang được sống”! Viết đến đây, tôi nhớ lại cảm giác xúc động đến gai người khi theo chân thầy trò khoa Y Dược lặng lẽ tiến về phòng thực tập giải phẫu để thực hiện nghi thức tri ân. Hai bên lối đi dẫn lên cầu thang tầng 5 là những bông cúc và những con hạc giấy treo bay trong gió. Gương mặt ai nấy đều thành kính, trang nghiêm. Văng vẳng bên tôi lời thơ được xem là “di chúc khi thiện chung” của ông Nguyễn Tiến Dân: “.../Thân tôi đã hiến cho đời/.../ Tôi rời cõi tạm xin đừng phân vân/ “Không phong bì, đừng vòng hoa...!”/Một bông hồng nhỏ gọi là với tôi/ Đặt bên tượng đá được rồi/ Nhớ thương hãy nghĩ rằng “người” còn đây/.../Mong con, cháu nhớ ghi lòng/Bạn bè thân hữu đồng tình giúp tôi/Thân tôi đã hiến cho đời/Tin rằng muôn kiếp luân hồi nhân sinh”. Chợt thật sự cảm nhận sâu sắc nghĩa cử mà họ đã, đang thực hiện vô tư, trong sáng nhưng vô giá biết nhường nào. Với họ, “Sống là cho. Chết cũng là cho”. Họ chính là hoa của đất: bình dị, dịu dàng, thoang thoảng tỏa hương thơm cho đời.
Ghi chép: P.THỦY