Báo Công An Đà Nẵng

Sông ô nhiễm khiến cá nuôi chết hàng loạt?

Thứ ba, 20/09/2016 09:52

(Cadn.com.vn) - Trong 2 ngày 17 và 18-9, trên sông Bùng, chảy dọc qua các xã Diễn Kỷ, Diễn Hạnh, Diễn Nguyên, Diễn Quảng, Diễn Hoa... (H.Diễn Châu, Nghệ An) xảy ra tình trạng cá nuôi trong lồng bè của một số hộ dân bị  chết hàng loạt. Đây là những lồng cá của các gia đình sắp đến kỳ thu hoạch lại bỗng dưng chết nổi trắng nước. Sau khi thấy cá trong lồng, người dân kiểm tra bên ngoài thì thấy cá tự nhiên cũng chết rất nhiều. Tính đến cuối giờ chiều 18-9, tình trạng cá chết vẫn tiếp tục tiếp diễn. Ông Chu Văn Thanh (trú  xóm 6, xã Diễn Hạnh), cho biết: “Hơn 1,5 tấn cá nuôi lồng bè của gia đình tôi bị chết hết gồm cá trắm, cá mè to nhỏ các loại... Nếu đợi đến thời điểm thu hoạch, tính ra gia đình tôi bị thiệt hại khoảng 500 triệu đồng”. Được biết, ông Thanh thả 15.000 ngàn con cá giống trong 3 lồng nuôi trên sông Bùng từ đầu năm 2016 đến nay. Thế nhưng, những ngày qua cá trong lồng của gia đình ông chết đột ngột làm gia đình hết sức lo lắng. Cũng theo ông Thanh, đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện hiện tượng cá chết, mà trước đó vào khoảng đầu tháng 6 và tháng 7 âm lịch cũng đã xảy ra hiện tượng cá chết như vậy, nhưng ít hơn. Hàng trăm người dân sống dọc hai bên sông Bùng đoạn qua xã Diễn Kỷ, Diễn Hạnh và Diễn Quảng... đã vớt được khoảng 1 tấn cá.

Cá chết trong các lồng bè của người dân.

Ngay trong ngày 18-9, Chi cục Bảo vệ Môi trường, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An đã phối hợp với UBND H. Diễn Châu, CAH Diễn Châu kiểm tra hiện trường, thu thập thông tin, tiến hành lấy mẫu nước, mẫu cá phân tích nhanh. Theo đó, Đoàn kiểm tra liên ngành nhận định: Vào thời điểm trên, nước sông Bùng có màu đỏ đục, nhiều cặn và có mùi tanh. Trên sông cá chết cuốn theo dòng nước chảy, các loại cá chết là cá chép, cá diếc (sống ở tầng đáy), cá rô phi và một số loại cá sông khác... Sau khi lấy mẫu nước và phân tích nhanh, kết quả cho thấy, chỉ số nồng độ ôxy hòa tan trong nước (DO) tại lồng bè nuôi cá của ông Chu Văn Thanh là 0,2 (mg/l) thấp hơn nhiều so với giá trị giới hạn tối thiểu cho phép tại QCVN 08:2015 đối với nước mặt dùng cho mục đích tưới tiêu thủy lợi (quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt, cột B1 là > 4 (mg/l)). Chỉ số DO đo được tại một số điểm khác ở vùng cá chết trên sông Bùng kết quả là 0,3 (mg/l), cũng rất thấp so với giá trị giới hạn tối thiểu cho phép của QCVN 08:2015.

Qua kết quả phân tích, Chi cục Bảo vệ Môi trường kết luận: Tại thời điểm xác minh nước mặt tại sông Bùng đã bị ô nhiễm, không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt dùng cho mục đích tưới tiêu, thủy lợi. Nguyên nhân cá chết hàng loạt theo nhận định ban đầu là do nồng độ ôxy trong nước giảm, thấp hơn so với giới hạn. Cũng theo Chi cục Bảo vệ Môi trường, nguyên nhân làm giảm nồng độ ôxy hòa tan trong nước là do trong quá trình gặt lúa hai bên bờ sông Bùng có rất nhiều gốc rơm rạ ngập úng trong nước. Những ngày qua, nhiều trận mưa lớn đổ xuống, toàn bộ nước từ các đồng ruộng chảy xuống sông và có màu đỏ đục cuốn theo lượng phân gia súc, gia cầm và nhiều chất hữu cơ đang trong quá trình phân hủy khiến nước sông chuyển thành màu đỏ, nhiều cặn. Mưa lớn trong mấy ngày qua cùng với nước chứa nhiều chất hữu cơ đang phân hủy đã làm giảm nồng độ ôxy hòa tan trong nước.

Cá chết nổi trên mặt nước tại lồng bè cá nuôi của gia đình ông Chu Văn Thanh.

Khi xảy ra hiện tượng cá chết, một số thông tin cho rằng do Nhà máy chế biến tinh bột sắn đóng tại xã Công Thành, H. Yên Thành nằm ở vị trí thượng nguồn sông Bùng xả thải làm cá chết. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng lấy mẫu nước tại điểm xả của Nhà máy chế biến tinh bột sắn để phân tích, kết quả chỉ số DO là 16 (mg/l), đạt yêu cầu tối thiểu so với  QCVN 08:2015. Hơn nữa, giai đoạn này nhà máy không hoạt động, không xả nước thải sản xuất ra môi trường. Do đó, hiện chưa có đủ thông tin, cơ sở để xác định nguyên nhân cá chết do nhà máy này xả thải.

Gia đình ông Thanh phải đào hố chôn số cá bị chết.

Trao đổi về vấn đề này, ông Bạch Hưng Cự - Phó Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Nghệ An cho biết: Mẫu nước sông Bùng bị ô nhiễm nặng là điều chắc chắn nhưng có phải đây là nguyên nhân gây ra tình trạng cá chết hay không thì còn phải chờ xác minh thêm mới có kết luận chính xác.

D.H