Báo Công An Đà Nẵng

"Sống với ma mà cứ tưởng là thần"!

Thứ ba, 30/06/2020 19:00

Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (PCTNXH) vừa phối hợp với Cơ sở xã hội Bầu Bàng (Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng) tổ chức tuyên truyền và thi vẽ tranh cổ động phòng, chống ma túy cho các học viên cơ sở này. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa nằm trong chuỗi các sự kiện được tổ chức nhân Tháng hành động phòng, chống ma túy  (1-6 đến 30-6-2020), qua đó giúp nâng cao nhận thức cho các học viên khi họ tự thể hiện suy nghĩ, hiểu biết của mình về ma túy và tác hại của nó đối với bản thân, gia đình và xã hội...

Với màn thể hiện xuất sắc, Hoàng Trần Khánh Linh đã giành được giải Nhất về cho đội của mình.

"Ma túy là gì mà phải làm cho biết bao gia đình phải đau thương mất mát? Đối với tôi, ma túy là chất kích thích khi đi vào cơ thể làm ta mất đi lý trí, không kiểm soát được hành vi của mình; nó làm đảo lộn toàn bộ cuộc sống tốt đẹp nhất mà tôi vốn có", với chủ đề của bức tranh "Đừng đánh đổi quá đắt vì ma túy" - Trương Quốc Dũng, học viên Ban quản giáo (BQG) số 3 đã mở đầu bài thuyết trình của mình bằng cách đưa ra một loạt những tác hại của ma túy đối với bản thân, rộng hơn là đối với toàn xã hội. Lấy "chất liệu" từ chính những va vấp đã trải qua, Dũng cho rằng, những gia đình có người thân đã và đang sử dụng ma túy luôn ở trong trạng thái âm u, bế tắc, đi vào tuyệt vọng. Ở đó, những đứa trẻ không còn được bảo vệ, chở che yêu thương, không được đến trường, thậm chí rất có thể sẽ đi theo con đường của ba mẹ nó. "Ma túy giống như cơn lũ quét cuốn trôi hạnh phúc, bình yên của gia đình, ước mơ, hoài bão còn dang dở của tuổi trẻ. Biết bao câu chuyện, bài học về các kỹ sư, doanh nhân, ca sĩ nổi tiếng cũng phải gục ngã trước ma túy, để rồi tương lai tươi sáng của họ bỗng chốc vụt tắt trong tối tăm, mù mịt", Dũng nhìn nhận. Qua bức tranh, Dũng muốn gửi một thông điệp, rằng để đoạn tuyệt với ma túy, chính bản thân mỗi học viên phải tự mình đứng dậy. "Phải tự mình rèn luyện, phấn đấu hàng ngày, hàng giờ, đặt mục tiêu, đích đến cuối cùng là vòng tay chờ đón của người thân khi chúng ta trở về", Dũng nhắn nhủ.

Với học viên nữ Hoàng Trần Khánh Linh, đại diện cho BQG số 1, với chủ đề "Từ bỏ ma túy để làm lại cuộc đời", tác phẩm mà Linh thể hiện lấy chất liệu từ ngay chính cuộc sống, quá khứ của Linh cũng như các học viên. Cũng có cái nhìn tương tự như Trương Quốc Dũng, sau quá trình học tập, chữa bệnh tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng, Linh đã nhận ra sai lầm của mình và quyết chí làm lại cuộc đời.

"Có lẽ tất cả các học viên đang học tập, chữa bệnh, cai nghiện tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng này ai cũng từng có một quá khứ sai lầm, đã vấp ngã, trượt dài trên con đường ham chơi của tuổi trẻ. Chúng ta không mảy may đến hậu quả của ma túy đem lại, xem ma túy như một thứ để thể hiện cái tôi của bản thân, thể hiện mình. Sống trong cái bóng của ma mà cứ nghĩ là thần, để rồi mỗi học viên đang ngồi ở đây, chúng ta hãy nhìn lại cuộc đời chính mình: Gia đình chia ly, con không được ở bên cha mẹ, chồng xa vợ, cha mẹ mất đi người con yêu quý"..., Linh nói. Với khuôn mặt thanh tú, giọng nói truyền cảm và đặc biệt, cách Linh chuyển tải những thông điệp, hiểu biết của mình về tác hại của ma túy đã đem đến cho hội thi một không khí hết sức sôi nổi, hào hứng. "Chắc hẳn các bạn ai cũng đã từng mong muốn mình là một bác sĩ, một kỹ sư, một doanh nhân thành đạt; hay đơn giản chỉ là một giấc mơ về mái ấm gia đình hạnh phúc, có người vợ hiền và những đứa con ngoan ngoãn, đáng yêu. Còn riêng bản thân tôi, tôi chỉ có một ước mơ nhỏ là được trở về với gia đình thân yêu, bắt đầu một cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Và tôi muốn gửi gắm đến các bạn một điều: Sẽ không là quá muộn nếu chúng ta biết quay đầu làm lại cuộc đời", Linh nhắn nhủ.

Nếu đây không phải là sân khấu tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng, ít ai nghĩ họ là các học viên đang cai nghiện ma túy.

Quả thực với tôi, và hẳn là nhiều người khác, nếu không gian Linh đứng không phải là sân khấu hội trường của Cơ sở xã hội Bầu Bàng thì chắc chắn không ai có thể biết Linh là học viên đang cai nghiện ma túy. Thay vào đó là hình ảnh của một cô giáo đang giảng bài, hay ít ra là một diễn giả, tuyên truyền viên tích cực trong phòng, chống ma túy.

Và để kết thúc bài thuyết trình, Linh đã gửi đến cho các học viên cũng như chính mình một thông điệp, đó là phải nỗ lực hết mình để làm lại cuộc đời: "Hỡi những bạn trẻ đang ngồi ở đây. Các bạn có thấy rằng chúng ta đã đánh mất đi khoảng thời gian tươi đẹp nhất của cuộc đời. Các bạn ạ! Chúng ta không thể thay đổi được quá khứ nhưng những nỗ lực của hiện tại sẽ góp phần thay đổi tương lai của chúng ta.

Ông Phan Công Hải- Phó Giám đốc Cơ sở xã hội Bầu Bàng cho biết, hội thi vẽ tranh cổ động, tuyên truyền về phòng, chống tác hại của ma túy do chính các học viên thể hiện đã tạo ra sân chơi bổ ích, thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của các học viên. 10 tác phẩm tranh vẽ do các học viên đến từ 10 BQG thuộc Cơ sở xã hội Bầu Bàng thể hiện đều là những tác phẩm có nội dung phong phú, trình bày đẹp mắt, đặc biệt nội dung thuyết trình đã toát lên được nhận thức, suy nghĩ và bài học đắt giá về ma túy cũng như tác hại của nó được các học viên rút ra cho mình.

 "Tin chắc sau hội thi này, các học viên tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng sẽ chọn cho mình một mục đích đến để phấn đấu, không ít trong đó là sẽ cố gắng học tập, rèn luyện để sớm được trở về với gia đình, cộng đồng, chú tâm làm lại cuộc đời", ông Hải nói.

Được biết, tại hội thi, Ban tổ chức đã chấm chọn và trao giải Nhất cho BQG số 1, đồng thời trao 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 4 giải Khuyến khích cho các BQG còn lại.

D.HÙNG