Báo Công An Đà Nẵng

Sự cần thiết ban hành Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi)

Thứ bảy, 02/05/2015 09:32

(Cadn.com.vn) - Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) sửa đổi, bổ sung năm 2011, có hiệu lực từ ngày 1-1-2012, đến nay đã góp phần quan trọng trong việc lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành luật cũng cho thấy nhiều quy định của BLTTDS bộc lộ những hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới. P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã phỏng vấn ông Tống Anh Hào- Phó Chánh án TAND Tối cao về một số vấn đề về ban hành BLTTDS (sửa đổi)…

Ông Tống Anh Hào - Phó Chánh án TAND Tối cao.

P.V: Thưa ông, thực tiễn 10 năm thi hành BLTTDS cho thấy có những hạn chế, bất cập, vậy ông có thể cho biết cụ thể những bất cập, hạn chế ở đây là gì?

Ông Tống Anh Hào: Trước hết có thể thấy một số quy định trong BLTTDS chưa rõ ràng, thiếu cụ thể làm cho người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng khó hiểu hoặc hiểu khác nhau, Hội đồng Thẩm phán TANDTC phải ban hành nhiều nghị quyết, TANDTC phối hợp với VKSNDTC ban hành nhiều thông tư hướng dẫn nhưng đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc, khó thực hiện.

Thứ hai, quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, nhất là quyền và nghĩa vụ của đương sự trong tố tụng dân sự chưa được quy định đầy đủ như quyền và nghĩa vụ trong việc chứng minh, thu thập chứng cứ, quyền tiếp cận chứng cứ... nhằm thể hiện tính công khai dân chủ công bằng trong quá trình tố tụng; đồng thời trách nhiệm của đương sự trong việc thực hiện nghĩa vụ, những yêu cầu của TA chưa được quy định đầy đủ, rõ ràng, nhiều trường hợp đương sự trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ, cố tình gây khó khăn nhằm kéo dài việc giải quyết vụ án thì TA gặp khó khăn vì thiếu quy định cụ thể để xử lý những hành vi đó.

Thứ ba, trình tự, vai trò của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng phiên tòa chủ yếu là theo mô hình xét hỏi, yếu tố tranh tụng chưa rõ ràng cho nên việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa thực hiện rất khó. Hạn chế tiếp theo là trình tự thủ tục giám đốc thẩm còn rườm rà, lòng vòng, căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm chưa rõ ràng, làm cho việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm chậm, hiện tượng kháng nghị tràn lan vẫn còn. Mặt khác, BLTTDS hiện không còn phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và một số luật mới ban hành những năm gần đây... Vì vậy, với những lý do trên, việc sửa đổi BLTTDS là hết sức cần thiết.

P.V: Vậy ông có thể cho biết những nội dung sửa đổi, bổ sung những vấn đề đang vướng mắc?

Ông Tống Anh Hào: Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực tiễn thi hành BLTTDS đã bộc lộ nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện tố tụng, để tháo gỡ những vướng mắc đó, Dự thảo BLTTDS (sửa đổi) sẽ sửa đổi bổ sung rất nhiều điều như: bổ sung quyền và nghĩa vụ của đương sự trong việc thu thập chứng cứ, giao nộp chứng cứ, tiếp cận chứng cứ; nghĩa vụ nộp tiền chi phí tố tụng, nghĩa vụ thực hiện những yêu cầu của TA khi tham gia tố tụng, nếu nguyên đơn không thực hiện những nghĩa vụ  hoặc yêu cầu TA coi như từ bỏ khởi kiện, các đương sự khác không thực hiện nghĩa vụ hoặc yêu cầu của TA thì TA sẽ căn cứ quy định của pháp luật giải quyết. Sửa đổi, bổ sung làm rõ thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; thời hiệu khởi kiện, thủ tục khởi kiện, thụ lý; việc hòa giải; căn cứ tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết vụ án, trình tự phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm... nhằm làm cho việc khởi kiện yêu cầu TA giải quyết các vụ việc dân sự được thuận lợi, dễ dàng; việc giải quyết của TA rõ ràng, công khai minh bạch, nhanh chóng, đúng pháp luật.

Sửa đổi thủ tục giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm nhằm nâng cao trách nhiệm của người đề nghị giám đốc thẩm, tránh việc đề nghị không căn cứ, mang tính cầu may làm cho công việc xét đơn quá tải mà không cần thiết; sửa đổi căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm nhằm tránh việc giám đốc thẩm tràn lan. Đồng thời sửa đổi bổ sung quy định cụ thể trình tự thủ tục giải quyết chung đối với các việc dân sự nhằm khắc phục những vướng mắc do BLTTDS hiện nay chưa quy định đầy đủ để giải quyết việc dân sự được nhanh chóng, thuận lợi hơn.

Một phiên tòa dân sự tại TP Đà Nẵng.

P.V: Như vậy,  những nội dung mới bổ sung nhằm hoàn thiện tố tụng dân sự là gì, thưa ông?

Ông Tống Anh Hào: Thứ nhất, bổ sung nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự. Đây là vấn đề quan trọng nhất thể hiện tinh thần cải cách tư pháp, nó chi phối toàn bộ trình tự, thủ tục tố tụng dân sự từ khi TA thụ lý, cung cấp, giao nộp, thu thập chứng cứ, hòa giải, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và cả giám đốc thẩm, tái thẩm...

Thứ hai, mọi tranh chấp dân sự đều được TA giải quyết, TA không được từ chối yêu cầu giải quyết các tranh chấp dân sự vì lý do luật chưa có luật quy định. Đây là vấn đề mới, bởi TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. TA là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp thì TA không thể từ chối những khởi kiện của cá nhân, cơ quan, tổ chức yêu cầu TA giải quyết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ với lý do là chưa có luật quy định...

Thứ ba, về thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự, đây là thủ tục giải quyết vụ án dân sự khi có những điều kiện theo quy định nhằm rút ngắn về thời gian và thủ tục so với thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thông thường nhưng vẫn bảo đảm giải quyết vụ án đúng pháp luật...

Thứ tư, công nhận kết quả hòa giải ngoài TA, khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; TA hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó...

Thứ năm, về thẩm quyền giám đốc thẩm. Về vấn đề này thực tiễn 10 năm thi hành BLTTDS cho thấy do quy định giám đốc thẩm không có quyền sửa án, đối với những bản án, quyết định sơ thẩm, phúc thẩm sai thì hủy để xét xử lại sơ thẩm, phúc thẩm. Quy định này chưa hợp lý đối với những trường hợp khi xét xử sơ thẩm, phúc thẩm các đương sự đều tham gia đầy đủ, các bên đã cung cấp chứng cứ rõ ràng, đã được tranh tụng công khai, dân chủ, đủ căn cứ giải quyết nhưng do HĐXX áp dụng pháp luật sai hoặc quyết định sai với tình tiết vụ án, nếu giám đốc thẩm sửa án sẽ đảm bảo giải quyết đúng bản chất vụ án, đúng pháp luật và tranh chấp sẽ được kết thúc. Nhưng vì giám đốc thẩm không có quyền sửa bản án nên phải hủy án, quyết định để xét xử lại sơ thẩm, phúc thẩm...

Vì vậy cần bổ sung quy định cấp giám đốc thẩm có quyền sửa bản án, quyết định trong trường hợp vụ án đã được cấp sơ thẩm đưa đầy đủ, đương sự tham gia tố tụng, thực hiện việc tranh tụng đầy đủ, chứng cứ rõ ràng, đủ căn cứ quyết định nhằm giúp cho việc giải quyết vụ án không quay vòng nhiều lần gây tốn kém về chi phí và thời gian của đương sự cũng như của Nhà nước...

P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Trang Trần
(Thực hiện)