Báo Công An Đà Nẵng

Sự chuyển mình của các trường học vùng ven

Thứ hai, 08/01/2018 07:51

Vài năm trở lại đây, chất lượng giáo dục trên địa bàn TP Đà Nẵng đã có sự thu hẹp khoảng cách giữa khu vực trung tâm với khu vực vùng ven. Nhiều đơn vị trường học ở vùng ven đã có sự bức phá, chuyển mình, đạt nhiều giải cao tại các cuộc thi, hội thi cấp TP, khu vực, quốc gia.

Nhiều HS các trường vùng ven đã giành được Giải thưởng Khuyến tài Huỳnh Thúc Kháng lần thứ 19 (ảnh minh họa). Ảnh: Đình Xê

Những tín hiệu mừng    

Tại lễ trao giải thưởng Khuyến tài Huỳnh Thúc Kháng lần thứ 19 năm học 2016-2017 được tổ chức vào tháng 7 vừa qua, ông Trần Đình Liễn - Chủ tịch Hội Khuyến học TP- cho biết, 7 quận, huyện đều có HS THPT đạt giải thưởng này. Nếu như nhiều năm trước đây, phần lớn HS bậc THCS đạt được giải thưởng này chỉ tập trung ở quận trung tâm thì nay Q. Hải Châu không còn là đơn vị dẫn đầu nữa mà thay vào đó là Q. Thanh Khê, nhì: Q. Cẩm Lệ, ba: H. Hòa Vang. Thậm chí, một số trường THCS có thương hiệu bậc nhất ở trung tâm TP,  năm nay cũng không có HS đạt giải thưởng khuyến tài này.

Đối với bậc THPT, kết quả xét giải thưởng khuyến tài Huỳnh Thúc Kháng cũng đã cho thấy không chỉ HS các trường có điểm đầu vào cao có nhiều HSG, mà các trường điểm đầu vào thấp hơn như trường phổ thông liên cấp Hermann Gmeiner, THPT Ngũ Hành Sơn (Q.Ngũ Hành Sơn), THPT Nguyễn Trãi (Liên Chiểu), Ông Ích Khiêm (Hòa Vang), THPT Tôn Thất Tùng và TT GDTX số 1 (Sơn Trà) cũng có HS đạt giải, thậm chí là giải cao. Điển hình như trường THPT Nguyễn Trãi có em Lưu Đăng Khoa đạt giải nhất. Đặc biệt hơn cả, đây là lần đầu tiên, Trường THPT Tôn Thất Tùng có HS đạt giải khuyến tài này và đây là năm thứ 3 liên tiếp TT GDTX có HS đạt giải. Cần nói rõ rằng, giải thưởng Khuyến tài Huỳnh Thúc Kháng là một trong những giải thưởng có uy tín bậc nhất ở TP Đà Nẵng. Theo đó, tất cả HS đạt giải thưởng này đều phải hội đủ các điều kiện: HSG liên tục trong từng cấp học, đạt nhiều giải các kỳ thi chọn HSG cũng như các hoạt động giáo dục toàn diện cấp TP, khu vực, quốc gia, quốc tế và có hạnh kiểm tốt…

Ở hội thi Tin học trẻ toàn quốc năm 2016, Đoàn HS Đà Nẵng có được 1 giải nhất, 7 giải Nhì, 5 giải Ba và 6 giải Khuyến khích. Và người mang về giải nhất cho đoàn HS Đà Nẵng là em Vũ Khương Duy - HS lớp 9/1, Trường THCS Nguyễn Chí Thanh đến từ Q.Sơn Trà. Hay trước đó, tại cuộc thi Robothon Quốc tế 2015, vượt qua 120 đội dự thi với 350 HS đến từ các trường tiểu học và phổ thông trong khu vực Đông Nam Á, Đoàn Việt Nam đã giành được 2 giải vô địch, 1 giải nhì, 2 giải ba, 12 giải tiềm năng, 9 giải nỗ lực thì đoàn HS Đà Nẵng đã giành đến 7 giải, trong đó có 1 giải Vô địch, 1 giải Nhì, 4 giải Tiềm năng và 1 giải Nỗ lực. Và giải vô địch này được các em HS đến từ trường TH Hoa Lư của Q.Thanh Khê mang về…

Những kết quả từ các cuộc thi, hội thi cấp TP, khu vực, quốc gia trong vài năm trở lại đây phần nào minh chứng, chất lượng HS giữa khu vực trung tâm với các khu vực vùng ven  đã có sự thu hẹp, rút ngắn khoảng cách.   

Những giải pháp tạo sự bứt phá cho các trường vùng ven

 Để có được điều này, trước hết là sự gặp nhau trong quan điểm chung đối với sự nghiệp giáo dục của lãnh đạo TP và ngành GD-ĐT. Theo đó, đã quan tâm, ưu tiên hơn trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học vùng xa, vùng khó theo hướng đầu tư đồng bộ, toàn diện và tập trung. Trong công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý hay công tác kiểm tra tư vấn, ngành GD-ĐT cũng ưu tiên cho các vùng khó, vùng xa trung tâm nhiều hơn. Ông Nguyễn Đình Vĩnh- Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, hiện hầu hết các trường tiểu học trên địa bàn H.Hòa Vang đã được đầu tư hồ bơi, tiến tới hè 2018 sẽ hoàn thiện hồ bơi cho bậc THCS ở huyện này. Các dự án liên quan đến CNTT, tin học của Bộ GD-ĐT, ngành cũng ưu tiên đưa về các trường ở Q.Cẩm Lệ và Ngũ Hành Sơn. Trong cơ chế tuyển sinh, việc xóa bỏ trường chuyên cấp THCS (Nguyễn Khuyến) hay có chính sách cộng điểm ưu tiên đối với HS đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT đại trà các trường công lập tại địa bàn cư trú (trừ trường Phan Châu Trinh…) đã góp phần phân bổ đồng đều hơn số lượng HSG, HS khá, HS mũi nhọn trong các hoạt động, phong trào về cho các trường, đồng thời góp phần giải bài toán phân luồng giao thông vào giờ cao điểm.

Song song, ngành GD-ĐT TP cũng chú ý đến việc luân chuyển cán bộ quản lý, giáo viên theo định kỳ, không để cán bộ quản lý ở quá 5 năm tại một đơn vị trường học. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, ngành cũng đã tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên bậc THPT (do Sở quản lý) được về dạy gần nhà, góp phần khích lệ, động viên đội ngũ thầy cô trong dạy học. Qua Giám đốc Sở GD-ĐT, được biết, hè 2017, Sở đã giải quyết 38/52 trường hợp giáo viên bậc THPT được về dạy gần nhà. Các trường hợp còn lại do xin về những trường đã đủ biên chế, dư giáo viên ở các bộ môn và chỉ có 1 nguyện vọng. Đối với công tác thi đua thì tạo điều kiện cho các trường học có điều kiện tương đương cùng cạnh tranh, thi đua. Điều này góp phần động viên, khích lệ các trường tích cực tham gia vào các hoạt động, phong trào chung của ngành.

Mặt khác, việc áp dụng cơ chế tự chủ cũng đã giúp các trường có điều kiện chủ động, mạnh dạn hơn trong đầu tư các thế mạnh của nhà trường. Sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực trong thi cử, ra đề theo hướng kết hợp giữa vận dụng kiến thức SGK với kiến thức xã hội, cuộc sống... đã giảm thiểu tình trạng học vẹt, học tủ, tạo điều kiện cho những HS học thật có "đất" để thể hiện. Một yếu tố cũng cần phải đề cập đó là, so với các thầy cô khu vực trung tâm, giáo viên vùng ven không quá bận bịu với việc dạy thêm, nên dành nhiều thời gian hơn cho việc sáng tạo, tự học và tập trung nâng cao chuyên môn. CNTT phát triển vượt bậc, đã tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên nói chung, giáo viên vùng ven nói riêng càng có nhiều điều kiện hơn trong việc cập nhật thông tin để tự nâng cao kiến thức, áp dụng CNTT trong hỗ trợ dạy và học.

Nhưng điều quan trọng hơn cả, theo Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Đình Vĩnh, là sự thay đổi trong quan điểm, cách nhìn, cách đánh giá, không quá đặt nặng vấn đề thành tích mà chú trọng phát triển năng lực, sở trường của HS, khuyến khích các em có những thế mạnh khác nhau tham gia các cuộc thi, phong trào khác nhau. "Chính góc nhìn về hệ giá trị, thang đánh giá giá trị đã có sự thay đổi, được mở rộng, đa chiều và phong phú hơn, tôn vinh, khuyến khích nhiều giá trị khác nhau, không còn bám víu vào "một điểm tựa" duy nhất (đánh giá về mặt kiến thức như trước đây) đã tạo động lực cho các trường và HS phát huy được giá trị, phát huy năng lực, sở trường, thế mạnh của mình, chuyển mình, bứt phá... Cho nên mỗi trường có những thành tích khác nhau", ông Vĩnh chia sẻ quan điểm.

P.THỦY