Sự cố chạy thận nhân tạo ở Nghệ An: Đảm bảo an toàn cho 117 bệnh nhân
Liên quan đến sự cố chạy thận nhân tạo xảy ra vào ngày 30-7 vừa qua, ở Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An, ngày 15-10, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế xã hội quý III-2019 do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức, Phó Giáo sư-Tiến sĩ-Bác sĩ Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An cho biết: Dự kiến đến tháng 11-2019, bệnh viện mới có thể thực hiện chạy thận nhân tạo trở lại cho những bệnh nhân trước đây đã chạy thận tại Bệnh viện.
Bà Đặng Thị Trường là một trong 6 bệnh nhân gặp sự cố được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An. Ảnh: TTXVN |
Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An Nguyễn Văn Hương cho biết thêm, sau khi khắc phục sự cố liên quan đến nguồn nước, đến nay đã xác định được nguồn nước có đủ tiêu chuẩn để chạy thận trở lại. Tuy nhiên, bệnh viện chưa triển khai chạy thận trở lại mà tiếp tục khắc phục, xử lý một số vấn đề khác có liên quan nhằm đảm bảo an toàn nhất cho việc chạy thận. Hiện nay, bệnh viện đang triển khai hệ thống ghép thận. Do đó, bệnh viện đã đề nghị Sở Y tế và các cơ quan chức năng của Bộ Y tế, tỉnh Nghệ An cho triển khai giai đoạn tiếp theo để hoàn thiện hệ thống này. Dự kiến đến tháng 11-2019, bệnh viện sẽ tiếp tục cho chạy thận nhân tạo trở lại và hệ thống chạy thận này cũng đảm bảo có thể phục vụ hoạt động ghép thận tại Bệnh viện.
Trong việc xử lý trách nhiệm của các tập thể và cá nhân liên quan, ông Nguyễn Văn Hương cho biết, Khoa Thận nhân tạo và Phòng Vật tư là hai đơn vị được Giám đốc Bệnh viện giao nhiệm vụ trực tiếp theo dõi, quản lý và tổ chức thực hiện việc chạy thận nhân tạo đã nhận trách nhiệm cũng như xin rút kinh nghiệm, đề xuất hạ bậc thi đua. Theo yêu cầu của Sở Y tế Nghệ An, trước ngày 20-10, bệnh viện sẽ có báo cáo gửi Sở Y tế Nghệ An liên quan đến việc xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan.
Ngày 30-7, trong quá trình chạy thận tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An, 10 bệnh nhân đang lọc máu có dấu hiệu bất thường. Trong đó, 4 bệnh nhân chỉ có biểu hiện thoáng qua, tự khỏi. Sau khi kết thúc cuộc lọc, theo dõi tại bệnh viện trong thời gian 30 phút không thấy biểu hiện bất thường nên 4 bệnh nhân trên đã được ra viện. 6 bệnh nhân còn lại có biểu hiện nặng hơn với các triệu chứng rét run, sốt, mệt, khó thở khi đang lọc máu được 2 - 3 giờ. Theo đó, 6 bệnh nhân này đã được hạ sốt, ngừng lọc máu. Sau khi ngừng lọc máu khoảng 20 - 30 phút, có 3 bệnh nhân đã hết triệu chứng và theo dõi không thấy các triệu chứng nặng nên đã được bệnh viện cho về.
3 bệnh nhân còn lại có biểu hiện sốt, rét run, tụt huyết áp, khó thở nên đã được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực chống độc của bệnh viện. Sau đó, 2 trong số 3 bệnh nhân nặng này được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Để đảm bảo an toàn cho người bệnh cũng như đánh giá, xác định nguyên nhân sự cố, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An đã quyết định thành lập Tổ công tác tham mưu xử lý sự cố, phối hợp cùng các chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai triển khai công tác xử lý sự cố; ban hành công văn về việc "Ngừng chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An". 117 bệnh nhân chạy thận được chuyển gửi chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Giao thông Vận tải thành phố Vinh, Bệnh viện Quân y 4 và một số bệnh viện khác trên địa bàn Nghệ An.
Liên quan đến sự cố này, Hội đồng chuyên môn do Sở Y tế Nghệ An thành lập gồm các nhà khoa học trong tỉnh và các chuyên gia đến từ Bệnh viện Bạch Mai đã kết luận nguyên nhân xảy ra sự cố là do nước. Trên hệ thống dẫn nước R.O có nhiều điểm nối và gấp góc, có điểm chết làm ứ đọng nước, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
NGUYỄN NHẬT