Báo Công An Đà Nẵng

Sự cố Thủy điện Sông Bung 2: Đổ lỗi trách nhiệm

Thứ tư, 21/09/2016 11:12

(Cadn.com.vn) - Như Báo Công an TP Đà Nẵng liên tục thông tin, sau sự cố bục cửa van số 2 đập thủy điện Sông Bung (TĐSB) 2, nhiều chuyên gia nhận định cho rằng nguyên nhân sự cố là do lỗi kỹ thuật của công trình chứ không phải lỗi do mưa lũ. Bên cạnh đó, dư luận cũng đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong sự cố nghiêm trọng này.

Toàn cảnh đập TĐSB 2.

VỘI VÀNG TÍCH NƯỚC

Trong vụ việc này, Sở Công thương Quảng Nam là cơ quan được Bộ Công thương giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm trực tiếp kiểm tra hồ sơ nghiệm thu và các điều kiện đảm bảo an toàn đập. Để làm rõ trách nhiệm, P.V đã liên hệ với ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Nam. Ông Thử cho biết: Theo nguyên tắc, trước đây, đối với các công trình thủy điện lớn, trước khi tích nước, công trình phải được Hội đồng thẩm định Nhà nước kiểm tra, thẩm định, cấp chứng nhận đảm bảo an toàn đập thì mới cho phép tích nước. Tuy nhiên, do quá nhiều các công trình công nghiệp nên Hội đồng thẩm định Nhà nước không kham xuể. Tháng 2-2013, Chính phủ đã có Nghị định 15/2013/NĐ-CP (về Quản lý chất lượng công trình xây dựng), giao cho chủ đầu tư tự chịu trách nhiệm chọn đơn vị thẩm định, Hội đồng nghiệm thu nhà nước chỉ kiểm tra trên hồ sơ. Theo đó, Bộ Công thương cũng đã có Thông tư phân cấp việc kiểm tra này cho UBND cấp tỉnh, Sở Công thương chịu trách nhiệm trực tiếp kiểm tra hồ sơ nghiệm thu và các điều kiện đảm bảo an toàn đập.

“Còn về để đảm bảo các điều kiện tích nước, về nguyên tắc của các thủy điện nói chung và TĐSB 2 nói riêng, Sở Công thương tỉnh là đơn vị đầu tiên mà BQL Dự án TĐSB 2 (thuộc Tổng Cty Phát điện 2 - chủ đầu tư) phải báo cáo, xin phép và tổ chức họp thông báo rộng rãi, có đầy đủ thủ tục để được tích nước. Trên cơ sở đó, chúng tôi lập đoàn liên ngành, kiểm tra các điều kiện an toàn đập, đảm bảo có phương án phòng chống lụt bão, phối hợp với chính quyền hạ du tuyên truyền cho nhân dân, kiểm tra các công trình văn hóa, rà soát vật liệu nổ, chất độc hóa học, vệ sinh lòng hồ, đánh giá tác động môi trường... trước khi tham mưu cho UBND ra quyết định chính thức mới cho tích nước. Nhưng, cho đến thời điểm này, chúng tôi chưa tham gia các bước đó của TĐSB 2 và Sở chưa nhận được giấy chứng nhận an toàn đập của công trình này” - ông Thử nói.

Ông Thử cho biết thêm: “Khi chúng tôi hỏi H. Nam Giang thì huyện nói thủy điện này chỉ gửi văn bản cho huyện rồi tích nước, đại diện TĐSB 2 không đến làm việc với huyện về phương án nếu xảy ra sự cố để còn xử lý. Về nguyên tắc, trước khi được phép tích nước, TĐSB 2 phải làm việc với H. Nam Giang và vùng hạ du. Họ phải họp nhân dân lại để thông báo quy trình và cách tích nước như thế nào, ngày nào… để tiến hành công tác nghiệm thu. Sau đó báo lại với UBND tỉnh, các sở, ban ngành của tỉnh được biết, trên cơ sở đó Sở Công thương sẽ tham mưu cho UBND tỉnh để ra văn bản cho phép tích nước. Nói về sai phạm trong việc tích nước của TĐSB 2 là chưa chặt chẽ về quy trình làm việc. Việc tích nước của thủy điện Sông Bung 2 là quá vội vàng…” - ông Thử nhận định.

Chiều 20-9, ông Ngô Việt Hải, Tổng Giám đốc Tổng Cty Phát điện 2 cho biết, đến nay vẫn chưa tìm được thi thể anh Nguyễn Minh Luân (quê Hải Phòng), công nhân mất tích trong sự cố trôi van hầm dẫn dòng TĐSB 2 vào ngày 13-9. Trước đó, khu vực lòng hồ TĐSB 4 người dân đã tìm thấy thi thể anh Đặng Văn Tuyền (quê tỉnh Hải Dương)- cách nơi xảy ra tai nạn khoảng 35km. Được biết, chủ đầu tư treo thưởng 20 triệu đồng cho bất kỳ ai phát hiện ra thi thể của anh Luân.

Trần Tân

ĐỔ LỖI TRÁCH NHIỆM

Trong khi đó, ông Ngô Việt Hải - Tổng Giám đốc Tổng Cty Phát điện 2 cho rằng, việc tích nước tại công trình TĐSB 2 là “đúng quy trình”. Theo ông Hải, trước khi tích nước, Tổng Cty đã thực hiện đầy đủ các bước cũng như được sự cho phép của chính quyền địa phương. Để khẳng định việc này, ông Hải đưa ra một số văn bản của các sở, ngành và của UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng đã được cho phép tích nước. Cụ thể, ông Hải cho rằng trong Công văn số 4036/UBND-KTN ngày 23-8 do ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký nêu rõ thống nhất chủ trương cho phép tích nước hồ chứa TĐSB 2 sau khi BQL Dự án TĐSB 2 thực hiện xong các nhiệm vụ cụ thể (như họp dân xung quanh thủy điện để thông báo, phối hợp cơ quan chức năng có phương án phòng chống lũ cho nhân dân ở thượng, hạ lưu cũng như phương án bảo vệ đập, bảo vệ công trình đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và phương tiện đang thi công trong quá trình tích nước, vận hành).

Ông Ngô Việt Hải - Tổng Giám đốc Tổng Cty Phát điện 2 (đứng) cho rằng công trình đã đủ điều kiện tích nước.

Trả lời câu hỏi vì sao chưa có giấy chứng nhận an toàn đập nhưng lại cho tích nước, ông Hải cho rằng việc có giấy chứng nhận an toàn đập là “hoang tưởng”. “Chúng tôi thực hiện theo Nghị định 15/2013/NĐ-CP của Chính phủ, các căn cứ nghị định quy định theo trích dẫn của UBND tỉnh Quảng Nam từ năm 2009 đã hủy bỏ lâu rồi. Hiện nay không có công trình thủy điện nào có cái giấy chứng nhận này cả. Người ta thấy việc khẳng định an toàn đập là bất khả thi nên đã phủ định cái đó rồi. Bây giờ ai là người đánh giá an toàn đập và đánh giá bằng cái gì trong khi nghiệm thu từng hạng mục, nghiệm thu tổng thể có đầy đủ đã bảo đảm an toàn rồi?” - ông Hải nói.

Trước ý kiến của ông Ngô Việt Hải, chiều 20-9, trao đổi với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Thọ - Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam cho rằng: Trong Công văn số 4036/UBND-KTN ngày 23-8 do UBND tỉnh Quảng Nam ban hành có thiếu sót: “Công văn viện dẫn thể hiện phải có giấy chứng nhận đã an toàn đập theo quy định tại Nghị định 209/2004/NĐ-CP ngày 16-12-2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng… Nhưng lại thiếu viện dẫn Nghị định 15/2013/NĐ-CP ngày 6-2-2013 của Chính phủ thay thế cho Nghị định 2009 nên ông Hải mới nói như vậy. Đáng lẽ ra, khi phát hiện thiếu sót trên chủ đầu tư phải có phản hồi, thế nhưng bên đó họ không ý kiến gì. Tuy nhiên, TĐSB 2 được xây dựng từ năm 2009 nên công trình này phải chịu sự ràng buộc của 2 Nghị định trên” - ông Thọ nói.

Ông Nguyễn Văn Thọ - Phó Giám đốc Sở TN-MT: UBND tỉnh Quảng Nam chưa cho TĐSB2 được phép tích nước.

Bên cạnh đó, ông Thọ cũng cho biết trong Công văn 4036/UBND-KTN của UBND tỉnh Quảng Nam ban hành chỉ mới đồng ý về mặt chủ trương cho tích nước thôi chứ không phải đồng ý được cho phép tích nước.

Trần Tân

Theo Điều 39 Chương VI Nghị định 15/2013/NĐ-CP ngày 6-2-2013 của Chính phủ về Tổ chức giám định nguyên nhân sự cố trong xây dựng nêu rõ: Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý công trình chuyên ngành và UBND cấp tỉnh tổ chức giám định nguyên nhân sự cố cấp đặc biệt nghiêm trọng và sự cố cấp 1. Trường hợp cần thiết, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ủy ban điều tra sự cố cấp II, cấp III trên địa bàn; UBND cấp tỉnh có thể đề nghị Bộ quản lý công trình chuyên ngành phối hợp hoặc tổ chức thực hiện giám định nguyên nhân sự cố khi cần thiết.