Báo Công An Đà Nẵng

Sư đoàn 315 và những năm tháng không quên

Thứ bảy, 05/03/2016 10:53

(Cadn.com.vn) - Ngày 6-3-2016, Sư đoàn 315, Quân khu 5 kỷ niệm 37 năm thành lập. Những cán bộ Sư đoàn ngày ấy  đã có buổi hội ngộ tại Đà Nẵng để nhớ về truyền thống hào hùng của đơn vị mình. Ký ức đã lùi xa nhưng hình ảnh đồng đội vẫn còn nguyên vẹn trong họ với bao thương nhớ.

10 năm làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn ở chiến trường Campuchia (1979-1989), Sư đoàn 315 đã tham gia hầu hết các chiến dịch lớn của Mặt trận 579 với hơn 1.500 trận đánh từ cấp đại đội đến Sư đoàn; bóc gỡ hàng trăm cơ sở hoạt động ngầm của tàn quân Pon Pol Ieng Sari; tổ chức hàng trăm đội công tác, tổ nòng cốt xây dựng, củng cố kiện toàn bộ máy chính quyền, đoàn thể các phum, khum; giúp nhân dân lao động sản xuất, cứu đói, cứu đau, để lại ấn tượng sâu sắc về “bộ đội nhà Phật” trong lòng nhân dân đất nước Chùa Tháp. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, năm 1989 Sư đoàn đã được tuyên dương đơn vị Anh hùng LLVTND; Nhà nước Campuchia tặng Huân chương Ăng-co; Trung đoàn 143, Đại đội Quân y 18 thuộc Trung đoàn 142; Đại đội Quân y 18 thuộc Trung đoàn 733 đã được tuyên dương Anh hùng LLVTND.

Lễ ra quân chiến đấu của Sư đoàn 315 tại Đầm Rây năm 1984. Ảnh tư liệu

 Vì một Campuchia hồi sinh, nhiều cán  bộ, chiến sĩ của Sư đoàn đã hiến dâng cuộc sống của mình. Chiến đấu trên một chiến trường rừng núi khắc nghiệt, mùa khô cháy da người, mùa mưa lầy lội, ngày nắng nóng, đêm lạnh buốt, đói cơm, lạt muối, thiếu nước nên người lính ở đây đã có lời thơ cho đồng đội làm xong nghĩa vụ trở về Tổ quốc: “Mai mày về đi dưới phố cây xanh. Nếu gặp nắng đừng đưa tay che vội. Hãy nhớ tụi tao trầm mình trong nắng dội. Khát dòng sông như khát thuở thanh bình...”.

Hành trình 10 năm ấy, bước chân của những người chiến sĩ  Sư đoàn 315 đã vươn dài trên mọi nẻo đường từ Ratanakiri, Strungtreng, Mondunkiri, Pretvihia, đói cơm khát nước vẫn luồn rừng đánh giặc, sốt rét bệnh tật vẫn bám trụ kiên cường. Có biết bao sự hy sinh mà chỉ cần chạm nhẹ vào ký ức, những người chỉ huy Sư đoàn lại rưng rưng nước mắt. Đại tá Phạm Tấn Bá, nguyên Phó Sư đoàn trưởng kể lại: “Tôi nhớ đó là thời điểm 1983, lúc này Trung đoàn 142 đang làm nhiệm vụ truy quét ở bản Khẽm. Nhiều chiến sĩ của ta bị mìn do địch cài, trong đó có một chiến sĩ người rất khỏe, đá bóng cực giỏi mà tôi đã gặp vài lần. Anh bị dập nát chân, buộc quân y phải cưa bỏ và tập trung cứu tính mạng. Đêm đó cả đơn vị truyền máu cho đồng đội, cả máu tươi lẫn máu khô dự trữ nhưng rồi y sĩ Võ Thành Trung nghẹn ngào nói: “Đồng chí ấy đi rồi, thủ trưởng ạ”.

Hỏi cái chân bị cắt đâu rồi thì anh em bảo đã chôn ở nghĩa trang. Tôi bảo quân y ra đào mang về, dùng thuốc rửa sạch sẽ để lắp vào thi thể và chuyển ra tuyến sau. Chúng tôi nghĩ đến ngày mai, khi cất bốc hài cốt, người mẹ vẫn có thể nhìn thấy con mình không mất mát...”. Lại nhớ lần trung sĩ Nhân, quê Đà Nẵng giữ khẩu M79 lọt vào ổ phục kích. Đặt súng vào ổ mối làm điểm tựa, anh đã chiến đấu dũng cảm, tiêu diệt hàng chục tên địch và hy sinh trong tư thế còn ôm súng, quả đạn cuối cùng lắp vào chưa kịp bắn. Chiến sĩ Anh thông tin quê Đà Nẵng, đi phục kích gặp một tên lính Pol Pot rất to khỏe, anh đã đuổi theo hàng cây số, vật lộn với nó và bắt sống nhằm khai thác tin tức. Được chọn đi báo cáo điển hình, trên đường lên Mặt trận 579 qua bản Bo thì anh hy sinh để lại bao tiếc thương cho đồng đội.

Nhân dân Đông Bắc Campuchia lưu luyến tiễn Sư đoàn về nước năm 1989.

Đại tá Nguyễn Đình Phúc, nguyên Trưởng ban Trinh sát Sư đoàn thì kể lại 8 năm ở chiến trường không ngán địch mà chỉ nỗi ám ảnh do mìn bọn Pol Pot cài lại. Chúng nham hiểm bôi thuốc độc lên vỏ quả mìn, nên có chiến sĩ chỉ bị thương bàn chân mà phải cưa lên trên khớp gối. Còn nhớ năm 1979, khi anh làm Trung đội trưởng Trung đội 2, thì bạn anh là Cao Kim, Trung đội trưởng Trung đội 1. Một chàng trai phơi phới yêu đời, thơ văn rất hay vậy mà mìn của địch đã làm bay luôn đôi chân. Đồng đội khiêng Cao Kim hai ngày hai đêm vượt hơn 70 cây số đường rừng mới cứu được mạng sống. 8 năm sau, khi về nước, anh Phúc vào Trại thương binh nặng Hội An thăm bạn, không khỏi ngạc nhiên khi thương binh 1/4 Cao Kim dù tàn phế nhưng đã vượt qua nỗi đau, trở thành nhà thơ được mến mộ, người yêu của anh vẫn chung thủy chờ đợi và họ nên vợ thành chồng.

Đại tá Trần Minh và Đại tá Phạm Tấn Bá bên kỷ vật
do Đại tướng Tia Banh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia tặng. Ảnh: H.V

Anh Phúc kể lại chuyến đi “4 khiêng 2  và 3 cõng 3” của đại đội anh cứ như công thức toán học. Ấy là 6 chiến sĩ đi địa hình, lúc đầu chỉ 2 bị mìn, 4 chiến sĩ còn lại khiêng cáng, nhưng sau đó thêm một anh tiếp tục bị mìn và lúc này còn 3 nên chỉ có thể 1 cõng 1. Dãy Đăng Rếch, nơi xem là tử huyệt của địch nên chúng cài mìn dày đặc lẫn trong vách đá và dây rừng chằng chịt. Chiến sĩ ta bị thương rất nhiều. Anh em phải len lỏi trong vách đá cheo leo hoặc đu bám trên dây dù mới có thể tiếp cận mục tiêu. Cùng sát cánh bên nhau đánh địch, anh Phúc dành nhiều tình cảm với Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 142: “Anh ấy xứng đáng là anh hùng nhưng khi làm thành tích đã nhường cho đồng đội đã hy sinh.

Ngay cả khi chuyển về nước để chữa trị ruột thừa, vết mổ chưa lành, anh vẫn xung phong quay lại chiến đấu cùng đồng đội”. Người Tiểu đoàn trưởng ngày ấy chính là Trung tướng Nguyễn Long Cáng, Tư lệnh Quân khu 5 hiện nay. Tri ân với đồng đội, Trung tướng đã giúp đỡ nhiều người vượt qua bệnh tật, ổn định cuộc sống. Đại tá Trần Minh, nguyên Sư đoàn trưởng, người nổi tiếng với hai lần bị mìn được chở về nước cứu chữa thì hai lần xin qua lại để bám trụ với anh em. Tấm gương của hai vị chỉ huy đã có tác động lớn đến đơn vị, động viên bộ đội hăng hái chiến đấu...

Sư đoàn 315 hôm nay đứng chân ở Núi Thành, Quảng Nam là đơn vị chủ lực của Quân khu đảm nhận công tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, xây dựng lực lượng dự bị động viên. Về thăm nhà truyền thống Sư đoàn, các thế hệ năm xưa lại bùi ngùi nhớ lại những năm tháng ác liệt mà cũng rất đỗi vinh quang. Ký ức hào hùng ấy theo họ mãi suốt cuộc đời.

Hồng Vân